Khi các hệ thống quan sát và phát hiện vật thể ngoài không gian ngày càng được cải tiến hơn, tin tức về các vụ thiên thạch rơi cũng liên tiếp xuất hiện, mở ra cơ hội cho các nhà nghiên cứu tìm hiểu về các vật chất ngoài Trái đất.
Mảnh vỡ thiên thạch tại Italia.
Thiên thạch rơi liên tiếp
Ngày 9/1, tảng đá không gian có kích thước bằng quả cam bùng cháy trên bầu trời ở Vương quốc Anh. Các nhà nghiên cứu tin rằng tảng đá, có nguồn gốc từ vành đai một tiểu hành tinh, và đã bị đốt cháy trước khi nó có thể chạm đất.
Các nhà quan sát trên khắp nước Anh, xứ Wales và Hà Lan khi đó nhìn thấy một ngôi sao băng rực sáng trên bầu trời đêm. Hình ảnh được ghi lại trên nhiều thiết bị như các camera an ninh, điện thoại di động và mạng camera chuyên dụng.
Một thiên thạch đi vào bầu khí quyển Trái đất gây hiệu ứng sao băng lúc 3h sáng (giờ địa phương) ngày 13/2 ở khu vực phía trên eo biển Channel, dù tảng đá không gian này chỉ rộng một mét. Tổ chức Khí tượng Quốc tế (IMO) sẽ cố gắng tìm kiếm thêm các mảnh vụn của thiên thạch cho các nghiên cứu trong tương lai.
Hôm 14/2, mảnh thiên thạch với tên gọi "quả cầu lửa Valentine" rơi xuống miền nam Italia. Các chuyên gia cho biết vật thể va vào một ban công ở thành phố Matera và để lại mảnh vỡ trong tình trạng vô cùng nguyên sơ. "Gần như chúng tôi đã thu thập được nó trực tiếp từ không gian", chuyên gia nói.
Gây chú ý nhất trong các vụ rơi thiên thạch gần đây là vào chiều 15/2, khi Cơ quan hàng không vũ trụ Mỹ (NASA) ghi nhận một vụ rơi thiên thạch tại miền Nam bang Texas. Vật thể có kích thước lớn, với chiều dài hơn 60 cm, nặng 450 kg, nhưng đã cháy làm nhiều mảnh khi lao xuống gần thành phố McAllen.
Chuyện gì đang xảy ra?
Không nhiều người nhìn thấy thiên thạch, nhưng thực tế các vụ thiên thạch rơi xuống Trái đất không phải là hiếm. Theo các nhà nghiên cứu tại Đại học Manchester và Đại học Hoàng gia Anh được công bố trên tạp chí Geology năm 2022, có khoảng 17.000 thiên thạch rơi mỗi năm, với kích thước đa dạng từ những mảnh nặng 50g đến những tảng nặng 10kg (hiếm hơn nhiều). Những thiên thạch lao về phía Trái đất nhưng cháy hết trước khi đến nơi thì lên tới hàng triệu.
Một lý do giải thích cho việc các thiên thạch không thường xuyên được chụp ảnh lại là vì khi đi qua bầu khí quyển xuyên vào Trái đất, kích thước của thiên thạch ngày càng nhỏ đi. Hầu hết các thiên thạch đến bề mặt Trái đất dưới dạng bụi hoặc các hạt rất nhỏ.
Bên cạnh đó, những thiên thạch tạo ra vệt sáng lớn, được gọi là "cầu lửa" như trường hợp ở Italia dù có thể rơi xuống Trái đất mỗi ngày, nhưng thường rơi ở các khu vực không có người ở hoặc đại dương, và số này rất khó thống kê được.
Những thiên thạch có kích thước lớn đến 10m đi vào bầu khí quyển Trái đất sau khoảng 6 - 10 năm. Một tảng đá đủ lớn để tạo ra vụ nổ như sự kiện ở Tunguska, Nga năm 1908 xảy ra khoảng 500 năm một lần. Trong khi một vụ va chạm giống như vụ va chạm đã kết thúc kỷ Phấn trắng và xóa sổ loài khủng long có thể xảy ra một lần trong 100 triệu đến 200 triệu năm, theo các chuyên gia./.