Thời thế người người nhà nhà đổ lên mạng xã hội để hóng hớt ngày nay, câu chuyện xoay quanh nội dung đăng tải cũng là một vấn đề rất đau đầu của những Facebook, YouTube... Theo sau những loại hình làm video YouTube còn gây tranh cãi, mới đây, một trào lưu nữa lại tiếp tục nhận được nhiều sự chú ý: Cố tình khoe mình không được học đại học.
Đạc biệt hơn, đây hoàn toàn không phải hiện tượng xảy ra ở các kênh YouTube mới lập hoặc chưa phát triển để câu view nhanh chóng, mà lại chủ yếu đến từ những vlogger nổi tiếng, chí ít cũng cả trăm nghìn subscriber. Họ gọi những đây là những video "hé lộ đời sống bản thân" về việc học đại học, muốn chia sẻ cho cộng đồng người theo dõi về cuộc sống cũng như những dự định cá nhân của mình.
Dĩ nhiên, về lý thuyết, điều đó không hề vi phạm quy định nội dung của YouTube cũng như xã hội nói chung. Dù vây, điều khiến nhiều người đang dần ái ngại là việc nó đang dần trở thành một... trào lưu mới, nơi mà những sự khoe khoang về việc trượt và không đi học đại học có phần được thổi phồng.
Đây không phải là lần đầu tiên xuất hiện những nội dung kể chuyện cá nhân về việc không học đại học - bất kể là chủ động rời trường hay không được nhận. Từ hơn 1 năm nay, cả 2 thái cực về video khoe mình được nhận vào các trường đại học lớn hoặc không đủ điều kiện đi học đều đã có mặt. Tuy nhiên, hình thức video nói về mặt từ chối, tiêu cực lại có phần thu hút nhiều người hơn.
Cụ thể, một video tươi sáng kể chuyện được nhận vào trường lớn và tương lai rộng mở thường không có sức hút to lớn, trừ khi bạn là một fan cứng của chính YouTuber đó hoặc đang quan tâm đến ngôi trường liên quan kia. Còn video từ chối nhập học thì sao? Chúng cũng tương tự như trào lưu làm video livestream cảnh chia tay nhau của các cặp đôi vậy: xoáy sâu vào tâm trí và câu chuyện đời tư hơn, thích hợp cho những khán giả tò mò thích "tọc mạch", hóng biến. Những cảm xúc tiêu cực vẫn luôn mang tính chất giật gân hơn để lan truyền và chia sẻ, nhất là khi chủ đề này không dễ nói ra nhưng lại được các YouTuber đem lên bô bô khoe cho cả thế giới. (Cũng phải thôi, đó là công việc chính của các vlogger trên YouTube mà!)
Một số YouTuber trong quá trình làm video cũng thừa nhận nó không hề thoải mái và dễ chịu một chút nào. "Ban đầu, tôi còn chẳng dám chắc sẽ nói lên điều đó trước mọi người. Chuyện này khá khó để chia sẻ thẳng thắn...", trích lời Emma Monden, một vlogger với gần 900.000 sub nói trong chính video kể chuyện bị từ chối nhập học của mình. Ít nhất thì Emma cũng khẳng định lại đây chỉ là trải nghiệm cá nhân, có chút ái ngại khi nghĩ về tác động của video này tới những khán giả trẻ của mình, những người chưa tới độ tuổi vào đại học.
Emme Monden và vlog chia sẻ về chuyện không được nhận vào đại học.
Một vài vlogger khác - Tiffany Ferrguson và Hailey Sani - cũng từng chia sẻ về việc mình bị trượt tất cả các trường đại học đã đăng ký. "GPA của tôi luôn ở mức 3.9/4. Hồ sơ của tôi cũng gồm rất nhiều hoạt động đa dạng từ năm 16 tuổi, có chứng chỉ thực tập sinh nữa. Bấy nhiêu đó cũng đâu có tệ nhỉ?" Sau đó, cô bày tỏ sự lo lắng qua tông giọng hồi tưởng, cho biết mình cũng đã có những dự định mới và sẽ vẫn có một nơi để học tập.
Mặt khác, những video này cũng góp phần nói lên sự thật mà chúng ta cần thấu hiểu: Một học sinh xuất sắc nhất cũng có thể gặp thất bại khi cố gắng vào một trường đại học mơ ước.
Liệu trào lưu video này sẽ giúp mọi người nhìn nhận vấn đề trượt đại học cởi mở hơn, rằng vẫn còn có những con đường khác dẫn tới một tương lai mãn nguyện - hay sẽ tác động gián tiếp tới xu hướng giới trẻ cố tình bỏ học đại học từ đầu để đi theo những ý muốn chưa chắc chắn của bản thân?