Làm slide thuyết trình sẽ chẳng còn đau đầu nữa nếu bạn nghe theo lời khuyên của Web-designer hàng đầu thế giới này

My My, Theo Helino 22:08 26/09/2018
Chia sẻ

Jason Cranford Teague, chuyên gia thiết kế và giao tiếp đa phương tiện đã chia sẻ những nguyên tắc và lưu ý vô cùng quan trọng khi làm slide để có một công cụ hỗ trợ thuyết trình hiệu quả mà chắc chắn sinh viên nào cũng cần phải biết.

Slide là công cụ hỗ trợ thuyết trình không thể thiếu nhưng không phải ai cũng biết cách để biến nó thành một công cụ tốt. Nếu bạn luôn gặp rắc rối với việc sắp xếp nội dung, ý tưởng mỗi khi chuẩn bị slide, thì những hướng dẫn dưới đây chính xác là dành cho bạn!

1. Hãy dùng đúng số lượng slides như bạn muốn

Một quan niệm sai lầm rất phổ biến mà nhiều người mắc phải chính là một bài thuyết trình hiệu quả thì dùng ít slides. Thế nhưng, thực tế là, số lượng slides và hiệu quả bài thuyết trình của bạn không hề liên quan đến nhau. Vấn đề nằm ở chỗ những slides của bạn giúp tương tác với người nghe hiệu quả đến đâu và bạn dành bao nhiêu thời gian cho mỗi slide. Dành 5 phút cho 5 slides với thiết kế linh hoạt và truyền tải lượng kiến thức vừa đủ luôn thu hút sự quan tâm của người nghe hơn việc bạn dừng lại ở 1 slide dày đặc chữ tận 5 phút.

Bài thuyết trình của bạn cần bao nhiêu slides thì hãy sử dụng bằng đó, đừng áp đặt bất kỳ một con số lý tưởng nào đó sẽ rất dễ khiến bài của bạn không được tốt như bạn kỳ vọng.

Làm slide thuyết trình sẽ chẳng còn đau đầu nữa nếu bạn nghe theo lời khuyên của Web-designer hàng đầu thế giới này - Ảnh 1.

Slide luôn là công cụ hỗ trợ không thể thiếu của mỗi bài thuyết trình

2. Đừng dài dòng

Sự có mặt của slide là để hỗ trợ những gì bạn sẽ nói chứ chúng không thể nói thay bạn, do đó hãy cắt giảm số từ và chỉ để 1 ý chính quan trọng nhất cùng một vài ý diễn giải trong 1 slides. Hãy ghi nhớ điều một, đừng ngại dùng thêm slide vì nó hoàn toàn là quyền của bạn, hãy tăng thêm một số slide để cắt giảm số lượng chữ quá nhiều trong mỗi slide riêng biệt. Những gì bạn viết trong slide cũng không cần thiết phải là một câu hoàn chỉnh, có thể là những cụm từ quan trọng hay một phần của câu, đủ để người nghe hiểu và hình dung về những gì bạn đang nói.

3. Tối đa hóa các công cụ hình ảnh

Bức ảnh, con số, biểu đồ sẽ là một công cụ hỗ trợ truyền tải rất tốt, giúp người nghe tập trung và hào hứng hơn vào bài nói của bạn. Sắp xếp các con số thành một biểu đồ luôn hiệu quả hơn việc liệt kê một loạt số liệu và những bức ảnh liên quan sẽ rất cần thiết thay vì bạn chỉ nói và không có một ví dụ trực quan nào.

Làm slide thuyết trình sẽ chẳng còn đau đầu nữa nếu bạn nghe theo lời khuyên của Web-designer hàng đầu thế giới này - Ảnh 2.

Hình ảnh có tác dụng tuyệt vời khi truyền đạt nội dung

4. Hạn chế những điều không cần thiết

Nhiều người có sở thích thêm đầu trang, chân trang, số trang và một số âm thanh không cần thiết như tiếng chuyển slide, âm thanh khi có thêm một khối nội dung xuất hiện. Những âm thanh đó rất dễ khiến người nghe cảm thấy nhàm chán và làm gián đoạn mạch thuyết trình của bạn. Số trang cũng vậy, bạn thêm số trang với mong muốn nhìn slides của mình trở nên chuyên nghiệp hơn nhưng thực tế người nghe sẽ chỉ chú ý xem đến trang bao nhiêu, còn bao nhiêu slide nữa và khi nào thì giờ thuyết trình mới kết thúc.

5. Hãy làm "lớn"

"Lớn" có nghĩa là bạn hãy để chữ và hình ảnh trên slide ở mức lớn nhất có thể. Sẽ không có bài thuyết trình nào được đánh giá cao khi chèn quá nhiều nội dung vào số lượng slide ít ỏi, dày đặc chữ và cỡ chữ thì khiến người theo dõi phải "căng mắt" mới có thể đọc được.

Một bí quyết nho nhỏ khi bạn muốn nổi bật cả hình ảnh và chữ trong slide chính là để chính hình ảnh đó làm nền và trình bày nội dung bên trên. Cách làm nào sẽ tạo hiệu ứng ghi nhớ tốt hơn việc chỉ có một dòng chú thích nho nhỏ bên cạnh hình ảnh.

6. Hãy làm nổi bật những nội dung chính bạn sẽ nói

Trong lúc bạn đang thuyết trình, một số người có thể ghi chép, một số khác làm việc riêng, có ai đó nhìn ra cửa sổ thậm chí là đang ngủ. Vậy nên mỗi slide đều cần có những ý chính được làm nổi bật cũng các thông tin về mục lớn ở một góc của slide để bất cứ khi nào ai đó nhìn vào slide đều có thể biết được bạn đang nói đến đâu, ý chính bạn muốn diễn đạt là gì.

Đừng quên tận dụng những khung tạo nội dung nổi bật và màu sắc để nhấn mạnh những nội dung quan trọng trong bài của bạn.

Làm slide thuyết trình sẽ chẳng còn đau đầu nữa nếu bạn nghe theo lời khuyên của Web-designer hàng đầu thế giới này - Ảnh 3.

Hãy luôn khiến cho slide của bạn trực quan và dễ hình dung

7. Sử dụng hiệu ứng chuyển tiếp thông minh

Thông thường con người sẽ không để ý và phát hiện ra những sự thay đổi trừ khi có một sự phân biệt rõ ràng. "Transition" là một cách rất hiệu quả để người nghe chú ý và nhận ra việc bạn đang chuyển tiếp sang một phần nội dung khác. Đừng bao giờ để toàn bộ slide của bạn được chuyển bằng một hiệu ứng duy nhất.

Nếu nói về một vụ cháy, hãy dùng hiệu ứng "flame" hay hiệu ứng "flashbulb" sẽ rất phù hợp khi nói về nhiếp ảnh hay một tác phẩm truyền hình.

8. Đừng quên làm mọi thứ thú vị hơn

Điều cuối cùng quan trọng nhất là hãy khiến bản trình chiếu của bạn thú vị nhất có thể bằng nhiều cách khác nhau như đưa các thông tin, hình ảnh hấp dẫn, những trích dẫn hài hước có liên quan vào slide. Những phản ứng vui vẻ, hứng thú sẽ giúp người nghe tập trung hơn và giúp bạn ghi điểm rất tốt.

(Theo Jason Cranford Teague, chuyên gia thiết kế và giao tiếp đa phương tiện)

TIN CÙNG CHUYÊN MỤC
Xem theo ngày