Giáo viên thường mặc định rằng học sinh sẽ tự biết cách làm sao để làm việc nhóm cùng nhau. Thế nhưng, việc không trang bị cẩn thận kỹ năng hợp tác, làm việc nhóm cho học sinh một cách bài bản đồng nghĩa với việc chúng ta không chuẩn bị một cách chu đáo cho tương lai của chúng.
Bộ ảnh sống và làm việc nhóm có đạo đức từng gây sốt của cô bạn Nguyễn Thị Lan Anh (SV ngành truyền thông Marketing, ĐH Kinh tế quốc dân)
Để có thể hướng dẫn học sinh làm việc nhóm hiệu quả, tôi đã nghiên cứu một vài cuốn sách và đúc kết những phương pháp cho riêng mình. Điều quan trọng nhất mà tôi áp dụng chính là giúp học sinh phân chia cụ thể trách nhiệm của bản thân trong một nhóm. Tôi thường sắp xếp các nhóm ngẫu nhiên gồm 4 thành viên với 4 nhiệm vụ cụ thể như sau:
- Nhóm trưởng
Trong một nhóm cần có một học sinh cho vị trí nhóm trưởng. Trách nhiệm của nhóm trưởng là đảm bảo mọi thành viên đều hiểu rõ yêu cầu khi làm việc chung và nắm bắt được tiến độ công việc đang diễn ra như thế nào.
- Quản trị nguồn lực
Học sinh này là người dẫn dắt trực tiếp, phân công các thành viên để tạo ra sản phẩm cuối cùng như một tấm poster, một bài thuyết trình hay một báo cáo cuối tiết học về các nội dung cả nhóm cùng nghiên cứu.
- Liên lạc viên
Đây là cầu nối giữa giáo viên và các thành viên trong nhóm. Tôi sẽ gọi các liên lạc viên khi cần đưa cho nhóm một thông tin nào đó và ngược lại, cập nhật tình hình các nhóm qua bạn liên lạc viên này. Tôi cũng chỉ giải đáp câu hỏi của cả nhóm được tổng hợp và đưa lên qua liên lạc viên thay vì trả lời câu hỏi của từng cá nhân.
- Trợ lý
Trong quá trình các nhóm làm việc, Trợ lý sẽ thực hiện trách nhiệm đảm bảo các nhóm dành thời gian hợp lý cho từng ý tưởng và tất cả các thành viên trong nhóm đều có cơ hội được nêu ý kiến đóng góp.
Dựa trên những nhiệm vụ đó, tôi tạo ra một danh sách những điều cần thiết cho một buổi làm việc nhóm thành công mà các học sinh của tôi cần phải áp dụng: đặt câu hỏi, chia sẻ hình ảnh, ý tưởng, công thức, lắng nghe ý kiến các thành viên, không để ai tách biệt khỏi nhóm, chia đều thời gian để tất cả thành viên đều được nêu ý kiến và tất cả đều phải hiểu chi tiết về nhiệm vụ chung là gì.
Tôi cũng nhận ra rằng ngôn ngữ cơ thể và khoảng cách khi làm nhóm là rất cần thiết. Các học sinh sẽ làm việc hiệu quả hơn khi ngồi gần nhau trên cùng một chiếc bàn và thảo luận sôi nổi thay vì ngồi riêng biệt và chăm chú vào tờ giấy của mình.
Trước khi để các nhóm thực hiện nhiệm vụ, tôi thường nói với cả lớp về những điều mà học sinh thích và ghét khi làm việc nhóm. Tôi cũng chỉ rõ các quy tắc và kỳ vọng của mình cũng như những biện pháp giải quyết cho một số tình huống phổ biến để học sinh cảm thấy tự tin và sẵn sàng trải nghiệm cơ hội làm việc chung này.
Khi tôi mới bắt đầu tiếp cận theo cách này, vấn đề lớn nhất chính là những câu hỏi của học sinh. Tôi yêu cầu mỗi nhóm chỉ có một người là liên lạc viên được đưa ra câu hỏi và đó phải là câu hỏi chung tuy nhiên rất nhiều học sinh liên tục hỏi tôi về bất cứ vấn đề gì chúng thắc mắc. Tôi đã chọn cách không trả lời và yêu cầu câu hỏi phải được đưa ra giống như quy tắc tôi đã nói trước đó. Dù nhiều học sinh không vui nhưng đó là cách khiến các thành viên trong nhóm phải giao tiếp nhiều hơn. Tôi đã nhìn thấy các nhóm thay đổi, bàn luận tích cực và viết ra rất cẩn thận những câu hỏi mà chúng muốn được giải đáp.
Các học sinh của tôi dần dần cũng quen với việc tìm kiếm câu trả lời từ chính trong nhóm, những câu hỏi được gửi đến tôi là những gì chúng hoàn toàn không thể giải quyết được.
Học sinh của tôi luôn thực hiện nhiệm vụ rất nghiêm túc và chăm chỉ. Nhưng có nhiều lúc mọi thứ không hoàn hảo: một vài thành viên rời nhóm, ai đó thực hiện công việc được giao một mình hay không hiểu những gì đang diễn ra. Và đây là cách tôi xử lý những trường hợp đó:
- Đầu tiên, tôi gọi liên lạc viên của nhóm để truyền tải lời nhắc nhở đến trưởng nhóm về việc mọi thành viên đều cần tham gia vào việc thảo luận chung. Tôi cũng nói cho học sinh của mình biết về cách dùng tên để mời người khác đưa ý kiến quan trọng như thế nào.
- Nếu như cách đó vẫn không hiệu quả, tôi sẽ gọi lại liên lạc viên một lần nữa và nói rằng tôi sẽ quan sát, cho điểm các thành viên dựa trên sự tham gia của họ trong việc làm nhóm. Tôi đã quan sát các nhóm và cho điểm, một điểm số đủ để nhắc nhở sinh viên cần phải làm việc hiệu quả và đạt được những yêu cầu, kỳ vọng được đặt ra từ đầu.
Kể từ khi tôi áp dụng những quy tắc này, tôi đã thấy học sinh của mình tiến bộ hơn rất nhiều. Chúng thích làm việc nhóm, thảo luận sôi nổi hơn, biết cách phân chia công việc hiệu quả hơn và những sản phẩm chung cũng tốt hơn từng ngày. Sau mỗi lần như vậy, tôi luôn hỏi học sinh về những gì tốt và chưa tốt trong lần làm việc chung đó, có cần thay đổi nhiệm vụ của các thành viên hay không?
Là một giáo viên, tôi nghĩ nhiệm vụ hướng dẫn học sinh cách làm việc nhóm hiệu quả là một nhiệm vụ bắt buộc. Khi các học sinh được trang bị kỹ năng hợp tác một cách bài bản, các em sẽ phát huy được hết khả năng của bản thân và thành công trong tương lai. Mỗi giáo viên cần tự tìm tòi và luôn tạo điều kiện tốt nhất để học sinh phát triển kỹ năng này.
(Theo Jamie Back, giáo viên dạy Toán tại Cincinnati Country Day School)