"Hiện nay, giữa bối cảnh đà lạm phát hiện tại, chúng ta có thể thấy mặt bằng lãi suất đang có xu hướng đi lên. Cụ thể, lãi suất tiết kiệm, lãi suất cho vay trong 1-2 tháng vừa qua đang nhích lên, sẽ gây áp lực lên những tháng cuối năm 2024 cũng như đầu 2025", bà An nhận định.
Cũng theo vị này, hiện chỉ số niềm tin tiêu dùng cũng chưa thực sự hồi phục sau giai đoạn 2022-2023 và ngay cả trong 6-9 tháng tới tình hình dự báo chưa được cải thiện đáng kể.
Song song với bối cảnh mặt bằng lãi suất, câu chuyện về tăng trưởng tín dụng cũng như các kênh huy động vốn khác nhau, nhất là tăng trưởng tín dụng trong 6 tháng đầu năm nay chưa được cải thiện đáng kể, dù 2 tháng gần đây nhất chứng kiến tăng trưởng.
Trong khi đó, trái phiếu đã ổn định hơn so với 2022-2023 nhưng khả năng tiếp cận vốn của doanh nghiệp bất động sản vẫn phải chờ thêm thời gian mới kỳ vọng tích cực hơn.
Liên quan đến câu chuyện lãi suất tiết kiệm gia tăng, nhiều đơn vị phân tích thị trường nhận định, lãi suất huy động tăng cao xuất phát từ bối cảnh áp lực lạm phát gia tăng từ quý III với các yếu tố tăng lương, chênh lệch tỷ giá USD/VND.
Các chuyên gia cũng đánh giá, tỷ giá trong ngắn hạn vẫn là áp lực chính khiến lãi suất huy động tiếp tục tăng.
Công ty Chứng khoán Vietcombank (VCBS) từng đưa ra dự báo mặt bằng lãi suất huy động trong quý III sẽ tiếp tục tăng khoảng 0,3-0,5 điểm %. Đồng thời, áp lực tăng có thể xuất hiện trong quý IV và kỳ vọng cả năm lãi suất có thể đi lên 0,5-1 điểm %.
Về lãi suất cho vay, TS. Nguyễn Trí Hiếu nhận định lãi suất huy động tăng sẽ cần độ trễ để lãi suất cho vay tăng. Chuyên gia này dự báo mặt bằng lãi suất huy động có thể tăng trở lại vào nửa cuối năm nay, từ đó khiến lãi suất cho vay tăng lên.
"Đây là tín hiệu pha trộn giữa tích cực và tiêu cực. Khi lãi suất tăng chứng tỏ hoạt động kinh tế mạnh mẽ hơn, bởi cá nhân và doanh nghiệp vay nhiều hơn. Điều này đẩy nhu cầu tín dụng tăng lên, khiến các ngân hàng có xu hướng tăng lãi suất để thu hút tiền gửi, nhằm đáp ứng nhu cầu vốn của khách hàng", ông Hiếu nói.