Lại một mùa Tết Đoan Ngọ đến Sài Gòn, nhớ dắt túi ngay "bản đồ" mua sắm các món ăn đặc trưng cho ngày này

Ngọc Xuân, Theo Trí Thức Trẻ 20:28 05/06/2019
Chia sẻ

Cứ vào mùng 5/5 âm lịch, người Việt Nam lại tất tả chuẩn bị những món ăn dân dã như rượu nếp, bánh tro, chè… Nếu còn chưa biết mua những món này ở đâu tại Sài Gòn thì hãy dắt túi ngay danh sách sau nhé.

Đến hẹn lại lên, cứ gần đến ngày mùng 5/5 hằng năm, người Việt Nam lại tất bật chuẩn bị cho Tết Đoan Ngọ - hay còn gọi là ngày "giết sâu bọ". Theo quan niệm người Việt xưa, trong bộ phận tiêu hoá thường có nhiều ký sinh trùng, mầm bệnh và sâu bọ. Những sâu bọ và mầm bệnh này sẽ sinh trưởng mạnh mẽ nhất trong ngày 5/5 âm lịch nên phải ăn những thức có khả năng "diệt" sâu bọ. Cho đến hiện tại, dù đã có nhiều đổi thay song truyền thống của người Việt vẫn được gìn giữ qua các món ăn đặc trưng vào Tết Đoan Ngọ như cơm rượu (rượu nếp), bánh tro (bánh ú), chè, trái cây...

Nếu còn chưa biết phải mua món gì, và mua ở đâu nhân dịp Tết Đoan Ngọ, bạn còn chờ gì mà không nhanh tay "giắt túi" danh sách và địa điểm sau đây?

Cơm rượu

Cơm rượu, hay còn gọi là rượu nếp là món ăn không thể thiếu với nhiều gia đình trong dịp Tết Đoan Ngọ. Món này được làm từ xôi nguyên hạt lên men, thường dùng các loại gạo nếp như nếp trắng và nếp cẩm để đồ thành xôi, để nguội rồi rắc ít men, ủ tỏng vài ngày. Cơm rượu mang theo chút cay của rượu, mang theo cái ngọt của nếp rất hài hoà, dễ chịu. Tuỳ theo vùng miền mà cách chế biến cơm rượu có thể khác nhau, như ở miền Trung thì được ép thành khối, ở miền Nam thì vo viên còn miền Bắc thì có cơm rượu rời riêng biệt.

Theo quan niệm của ông cha ta, cơm nếp là món ăn có tác dụng tiêu diệt ký sinh trùng trong đường tiêu hoá nên đây là một món ăn đúng với tinh thần ngày tết "diệt sâu bọ".

Các địa chỉ:

- Cơm rượu Hương Sen: 107/4A Phạm Văn Hai, P3, Q. Tân Bình.

- Cơm Rượu Hồng Vân (Shop Online).

- Nếp Lức Nhà Cốm (Shop Online).

Giá cả trung bình: 25k – 60k.

Bánh tro

Bánh tro là một món bánh có nhiều phiên bản phong phú và đa dạng, với nhiều tên gọi khác nhau như bánh ú tro, bánh gio bánh âm, bánh nẳng... Món bánh này gắn liền với Tết Đoan Ngọ cũng như bánh trôi bánh chay với tết Hàn Thực vậy. Bánh có màu vàng đậm, được làm từ gạo nếp ngâm với nước tro đốt, sau đó gói trong lá chuối rồi đem luộc. Bánh có thể có nhân mặn, ngọt hoặc không nhân.

Ở miền Nam, phổ biến nhất có lẽ là loại bánh ú bá trạng với nhân đậu xanh ngọt bên trong, còn ở miền Bắc, bánh được gói thành hình thuôn dài, không có nhân, ăn kèm với đường hoặc mật. Bánh tro có vị nhạt, tính mát, có khả năng chống ngấy rất tốt.

Các địa chỉ:

- Lò bánh Diều: 398 Gia Phú, P3, Q6.

- Lò bánh Vĩ Cầm: 52B Lão Tử, P14, Q5.

- Hệ thống cửa hàng Như Lan.

- Các chợ như Chợ Lớn (Q5), chợ Bà Chiểu (Q. Bình Thạnh), chợ bà Hoa (Q. Tân Bình)…

Giá cả trung bình: 60k – 80k/10 chiếc.

Chè trôi nước

Trong mâm cúng của người miền Nam thường xuyên có món chè trôi nước, và mâm cúng Tết Đoan Ngọ cũng không ngoại lệ. Chè trôi nước cũng là một món bán rất chạy trong dịp lễ đặc biệt này. Chè trôi nước miền nam tròn, có kích cỡ khá to, được làm từ bột nếp trắng, trong có nhân đậu xanh thơm bùi cùng nước đường gừng ngọt ngào. Đặc biệt, chè trôi nước luôn được ăn với một ít nước dừa.

Các địa chỉ:

- Chè Hà Ký: 138 Châu Văn Liêm, Quận 5

- Ngõ Saigon:65 Lê Lợi, Bến Thành, Quận 1

- Các chợ như chợ Lớn (Q5), chợ bà Hoa (Q. Tân Bình) hoặc khu người Hoa Q5…

Giá cả trung bình: 7k – 10k/viên.

Chè kê

Không phổ biến lắm ở Sài Gòn, nhưng chè kê là món ăn đặc trưng vào ngày Tết Đoan Ngọ của đồng bào miền Trung, nhất là những ai gốc Huế. Chè kê được làm từ hạt kê được xay cho tróc vỏ. Hạt kê được ngâm và đun sôi cho đến khi nở mềm, hoá thành dạng sền sệt, sau đó thêm ít đường và nước gừng. Chè kê có màu vàng hấp dẫn, có mùi thơm phức nên rất nổi bật trong các món chè, bánh cúng dịp Tết Đoan Ngọ.

Địa chỉ: Chợ đặc sản miền Trung – chợ Bà Hoa (Q. Tân Bình).

Giá cả trung bình: 5 – 10k.

TIN CÙNG CHUYÊN MỤC
Xem theo ngày