Kiểu trẻ em này: Lúc nhỏ khiến cha mẹ yên tâm, nhưng lớn lên rất dễ chịu thiệt trong cuộc sống!

Thanh Hương, Theo Phụ nữ số 10:52 04/05/2025
Chia sẻ

Một người chỉ khi nào thật sự là chính mình, dám sống thật với bản thân, thì mới có năng lượng, có sức mạnh, và mới dùng chính sức mạnh đó để tạo ra tương lai thuộc về mình.

*Bài viết của một blogger họ Tương, là chuyên gia tâm lý có chứng nhận tại Trung Quốc, từng có nhiều bài viết nhận được nhiều sự đồng tình của các bậc cha mẹ:

Có 2 câu mà tôi từng viết về tương lai mà một đứa trẻ quá ngoan ngoãn, quá hiểu chuyện sẽ phải đối mặt: "Ngoan ngoãn sẽ khiến bạn phải nghe lời quá nhiều người; hiểu chuyện sẽ khiến bạn hiểu cả những điều không nên hiểu".

Dĩ nhiên hai câu này có phần cảm tính, với tư cách là một nhà tư vấn tâm lý, tôi muốn trình bày vấn đề này từ góc độ chuyên môn, để những nhận định được đưa ra có giá trị tham khảo thực tế hơn.

1. Trẻ quá ngoan ngoãn, hiểu chuyện thường hay kìm nén bản thân

Nhiều người trưởng thành thường gặp phải các vấn đề về sức khỏe tâm thần như trầm cảm, tâm trạng sa sút, mà nguyên nhân cốt lõi là vì họ đã quen với việc kìm nén bản thân.

Kìm nén điều gì? Là cảm xúc và mong muốn của chính mình. Từ nhỏ, họ đã hình thành thói quen tâm lý này. Khi còn nhỏ, cuộc sống đơn giản hơn, việc tự kìm nén mình để tạo ra hình ảnh một đứa trẻ ngoan ngoãn, hiểu chuyện giúp họ dễ dàng ứng phó với đa số tình huống và con người.

Nhưng khi bước chân vào xã hội, việc tự kìm nén lâu dài sẽ trở thành một dạng "tấn công bản thân", từ đó rất dễ sinh ra các vấn đề tâm lý. Kìm nén cũng khiến một người trở nên không chân thật, mà không chân thật thì rất khó có được các mối quan hệ tốt.

Nhà tâm lý học người Áo – Sigmund Freud, người sáng lập trường phái phân tâm học, cho rằng: Mọi sự kìm nén đều sẽ bộc phát ra ngoài dưới hình thức méo mó, xấu xí hơn.

Các vấn đề trong mối quan hệ và tâm lý – thể chất cũng chính là biểu hiện của sự kìm nén. Và nếu một đứa trẻ không có sức khỏe tâm thần tốt, không có mối quan hệ xã hội lành mạnh, liệu tương lai của chúng có tốt đẹp được không? Xác suất là rất thấp.

Kiểu trẻ em này: Lúc nhỏ khiến cha mẹ yên tâm, nhưng lớn lên rất dễ chịu thiệt trong cuộc sống!- Ảnh 1.

Ảnh minh họa

2. Trẻ quá ngoan ngoãn, hiểu chuyện sẽ sống trong "cái tôi giả tạo"

Nhà tâm lý học người Anh – Donald Winnicott – cho rằng: Nếu khi còn nhỏ, một đứa trẻ phải thường xuyên thu mình để thuận theo ý người chăm sóc, ví dụ như từ khi còn bế ngửa đã phải điều chỉnh lịch ăn ngủ theo mẹ, sau này lớn chút lại phải răm rắp nghe lời cha mẹ mới được xem là ngoan, thì đứa trẻ ấy sẽ hình thành một "cái tôi giả".

Tức là cái tôi của nó không được hình thành từ cảm xúc thật, mà được xây dựng quanh mong đợi của người khác.

Ví dụ, một thân chủ của tôi từng kể rằng mẹ cô rất độc đoán và kiểm soát. Từ nhỏ, cô phải nghe lời mẹ tuyệt đối. Việc gì mẹ không cho, cô không dám làm. Mẹ cho là đúng thì cô sẽ cố gắng hết sức để thực hiện.

Từ nhỏ, cô được dạy rằng chỉ những đứa trẻ nghe lời mẹ mới là tốt, chỉ những đứa trẻ hiểu nỗi khổ của mẹ mới đáng yêu. Hoàn cảnh gia đình không khá giả nên cô rất tiết kiệm. Thấy bạn bè mặc váy mùa hè, ăn kem, cô rất ao ước nhưng không dám nói ra. Cô thậm chí còn cho rằng việc có mong muốn như vậy là sai trái – vì nghĩ thế là không ngoan.

Đây chính là khởi đầu của việc đè nén nhu cầu thật, và từ đó, mọi suy nghĩ hành động đều xoay quanh người khác – dần thành thói quen tâm lý.

Lớn lên, cô đặc biệt nhạy cảm trong các mối quan hệ xã hội, đặc biệt dễ bị ảnh hưởng bởi cảm xúc tiêu cực của người khác. Cô cũng cực kỳ giỏi... đè nén bản thân.

Phân tâm học có một quan điểm rằng: nếu một người luôn kìm nén bản thân, không biết tự đáp ứng nhu cầu chính mình, tiềm thức của họ sẽ dần đẩy họ tránh xa những thứ khiến họ khao khát.

Ví dụ, thân chủ của tôi cho rằng chỉ những đứa "không ngoan" mới mặc váy, theo đuổi vật chất là không đúng. Vậy nên tiềm thức sẽ hướng dẫn cô tránh xa những gì đẹp đẽ, đáng mơ ước trong đời sống. Kết quả là, rất khó để cô cảm nhận được niềm vui thật sự hay tận hưởng cuộc sống.

3. Trẻ quá ngoan ngoãn, hiểu chuyện thường không có sức cạnh tranh

Sức cạnh tranh là gì? Chính là năng lực mở rộng bản thân. Mà như đã phân tích ở trên, trẻ ngoan ngoãn quá thường là những người kìm nén bản thân, vậy thì làm sao có thể phát triển và mở rộng được chính mình?

Thực tế, cuộc sống là một môi trường đầy cạnh tranh. Chúng ta cần biết tuân thủ quy tắc, chứ không phải chỉ biết nghe lời ai đó hay chiều lòng cảm xúc của người khác.

Trong một bộ phim truyền hình nọ, nhân vật chính ban đầu rất yếu đuối trong cuộc sống. Khi dạy con, anh cũng muốn con nghe lời, hiểu chuyện, nhưng chính trải nghiệm cuộc đời khiến anh nhận ra: Người quá ngoan ngoãn thì không có tương lai.

Sau này, khi con mình đứng ra bảo vệ bạn trong lớp, bị cô giáo mời phụ huynh, anh đã đứng về phía con, khuyến khích con, dạy con hãy là chính mình.

Từ đó, con anh trở nên năng động hơn, có quan hệ bạn bè tốt hơn, học hành cũng tiến bộ. Chúng ta có thể tưởng tượng rằng, khi trưởng thành, đứa trẻ này sẽ có năng lực cạnh tranh cao hơn, bởi ngay từ nhỏ đã có thói quen tâm lý lành mạnh.

Kết luận:

Một người chỉ khi nào thật sự là chính mình, dám sống thật với bản thân, thì mới có năng lượng, có sức mạnh, và mới dùng chính sức mạnh đó để tạo ra tương lai thuộc về mình.

Nuôi dạy con là như vậy. Phát triển bản thân của người trưởng thành cũng như vậy.

Hy vọng chúng ta đều hiểu được điều này.

TIN CÙNG CHUYÊN MỤC
Xem theo ngày