Gần đây, một phụ huynh ở TP.HCM đưa đề xuất về việc "Bộ GD&ĐT nên cấm các trường phát đề cương trước khi thi" đã làm dấy lên cuộc tranh luận sôi nổi trong cộng đồng. Theo ý kiến này, nếu không có đề cương, học sinh sẽ phải ôn tập toàn diện, tránh tình trạng học tủ, học vẹt, từ đó nâng cao tư duy và năng lực vận dụng kiến thức thực tế.
Anh còn dẫn chứng rằng chương trình giáo dục phổ thông mới năm 2018 đã chuyển từ việc truyền thụ kiến thức sang phát triển năng lực, và chính Bộ Giáo dục cũng yêu cầu môn Ngữ văn không ra đề kiểm tra dựa vào các văn bản đã học thuộc trong sách giáo khoa. Điều này nhằm khắc phục tình trạng học sinh chỉ học thuộc bài hoặc sao chép nội dung tài liệu có sẵn. Việc này đẩy mạnh hơn nữa yêu cầu các nhà trường tiếp tục nỗ lực đổi mới phương pháp dạy học, nhằm giúp học sinh vận dụng tốt kiến thức vào bài thi.
Đề xuất này nhận về một số đồng tình nhưng đa phần là phản đối.
Nhiều phụ huynh lại bày tỏ sự lo lắng, thậm chí bức xúc với đề xuất này. "Không có đề cương thì học sinh biết ôn tập kiểu gì? Thi trong trường mà không có định hướng, dưới trung bình hàng loạt chứ chẳng đùa", một phụ huynh chia sẻ. Họ cho rằng, bài học thì mênh mông, đề cương chính là giới hạn nội dung, giúp các con tập trung ôn luyện vào trọng tâm, bám sát chương trình đã học. Nhiều người đánh giá ông bố này bốc đồng, không suy nghĩ kĩ khi phát ngôn.
Một phụ huynh khác thẳng thắn nêu: "Nếu con mình giỏi, không cần đề cương thì mình bỏ qua, nhưng đa phần học sinh trung bình yếu, đề cương chính là chỗ để các cháu bấu víu. Không thể lấy chuẩn của học sinh giỏi áp cho cả lớp được". Cùng quan điểm, một người khác bày tỏ: "Chúng ta muốn đổi mới, nhưng cũng phải nhìn vào thực tế con em mình, các cháu học hành đã đủ vất vả rồi, giờ thi cử mà không có định hướng rõ ràng thì chỉ thêm áp lực thôi".
Nhiều ý kiến thực tế cho rằng, đề thi hoàn toàn có thể ra trong phạm vi đề cương, nhưng vẫn đảm bảo yêu cầu tránh học vẹt bằng cách thay đổi cách hỏi, yêu cầu vận dụng kiến thức chứ không bê y nguyên nội dung trong đề cương vào đề.
"Vấn đề là đề cương cho như thế nào, đề thi ra sao, chứ không phải cấm hay không cấm. Nên có 0,5 đến 1 điểm vận dụng cao, để các con rèn luyện khả năng tư duy, nhưng phần còn lại vẫn phải bám vào cái đã học, để các bạn học yếu còn bấu víu được", một ông bố nói.
Thực tế, không phải học sinh nào cũng giỏi giang như nhau. Đề cương với những bạn học tốt có thể không quá quan trọng, nhưng với số đông học sinh trung bình và yếu, nó chính là phao cứu sinh trong mỗi kỳ thi. Nếu cấm tuyệt đối, chẳng khác nào đẩy các em vào thế bị động, lo lắng, thậm chí có thể sinh ra tâm lý chán học khi không biết ôn tập vào đâu.
Nhiều phụ huynh đồng tình với tinh thần đổi mới giáo dục, tránh học vẹt, nhưng họ cho rằng cách làm cần thực tế hơn. Chương trình mới, đề thi mới nhưng học sinh cũng cần lộ trình, cần được hướng dẫn kỹ. Đề cương vẫn cần, nhưng là dạng mở, gợi ý, chứ không phải bản sao của đề thi. Như vậy mới vừa hỗ trợ học sinh, vừa nâng cao dần yêu cầu tư duy.
Có ý kiến còn cho rằng, thay vì cấm đề cương, điều quan trọng hơn là bồi dưỡng giáo viên để họ ra đề thi hợp lý, vừa kiểm tra kiến thức, vừa đánh giá năng lực. Các nhà trường cũng cần tăng cường rèn luyện kỹ năng vận dụng cho học sinh trong quá trình học, chứ không dồn hết trách nhiệm vào kỳ thi.
Rõ ràng, câu chuyện cấm hay không cấm đề cương không chỉ là chuyện kỹ thuật thi cử, mà còn phản ánh sự trăn trở của phụ huynh trước áp lực học hành của con cái. Ai cũng mong con mình học thật, thi thật, phát triển năng lực chứ không học tủ, học vẹt. Nhưng bên cạnh đó, cũng cần sự thực tế, vì con trẻ vẫn đang trong quá trình học hỏi, cần được dẫn dắt, hỗ trợ từng bước.
Thay vì cực đoan theo hướng "cấm tuyệt đối" hay "phát đề cương bê nguyên si", có lẽ cách làm dung hòa như nhiều phụ huynh đề xuất mới là phù hợp: Vẫn phát đề cương định hướng, nhưng đề thi cần có phần yêu cầu vận dụng, sáng tạo; quá trình dạy học thì tăng cường rèn luyện kỹ năng, chứ không chỉ truyền đạt kiến thức.
Chỉ khi ấy, tinh thần đổi mới giáo dục mới thực sự đi vào thực tiễn, vừa giúp học sinh tiến bộ, vừa không gây áp lực, hoang mang cho các em và phụ huynh mỗi mùa thi cử.
Bạn nghĩ sao về đề xuất này?