Thân gửi Kiều Thanh,
Có lẽ tôi cũng không cần giới thiệu danh tính làm gì khi những giờ qua có hàng ngàn lời nhắn vô danh gửi tới chị.
Chỉ xin giới thiệu, tôi là một người vợ có đăng ký kết hôn với chồng mình. Hiện tôi và chồng vẫn yêu thương nhau, nói như người ta hay nói là hạnh phúc. Tôi tin tôi đang hạnh phúc trên sự chân thật. Chắc chị hiểu, chẳng có sự lừa dối nào qua được bản năng nhạy cảm của lũ đàn bà chúng ta.
Những giờ qua người ta mắng chửi chị nhiều quá. Nhưng tôi chỉ thấy thương chị. Thương cho người đàn bà đa đoan, cố chấp, đi quá nửa đời người vẫn chưa hiểu thế nào là yêu, chung chăn gối với bố của con mình cả chục năm ròng mà không cảm được thế nào là nghĩa.
Diễn viên Kiều Thanh
Tôi thương cho cả con chị, con của vợ cả chồng chị. Những đứa trẻ không được nuôi dưỡng trong một gia đình thuận hòa, đủ cha đủ mẹ, phải nhìn mẹ của chúng sống cảnh chung chồng, giờ đây lại phải chịu những đàm tiếu, phán xét thọc mạch của người đời.
Và tôi thấy ái ngại cho người đàn ông già nhân ngãi non vợ chồng của chị. Chỉ trong một phút nông nổi, chị bán anh cho dư luận làm mồi, xé dọc xé ngang chấm muối ớt cay xè. Nhân danh tình yêu.
Trong câu chuyện của chị, tôi thấy chị nói đúng được một câu: "Nhìn tôi mà học". Vâng, tôi đã học được rất nhiều điều và xin giãi bày cùng chị những bài học ấy.
Bài học thứ nhất: Trong một cuộc hôn nhân, giữ thì giữ hẳn, buông thì buông hẳn, đừng nửa giữ nửa buông để phải chịu kiếp chung chồng mà tấm lòng tận nghĩa còn chẳng được ghi nhận
Theo những gì chị kể, "vợ cả", à mà không, vợ chính thức của bố con chị thực sự là một người phụ nữ đáng trách. Khi chồng chị ta gặp khó khăn, chị ta đã không ở bên anh ấy. Khi chồng chị ta đến với chị, chị ta cũng không ngăn cản. Chị ta còn tự tin tuyên bố "Chồng chị đi chán rồi sẽ về với chị". Và chị ta làm điều dại dột nhất trên đời là dám thách thức chị: "Từ giờ chị giao chồng cho em".
Dư luận mắng chị trơ trẽn vì câu "Chị giao thì tôi nhận". Nhưng tôi nghĩ khác, chị làm thế đúng quá. Chị ta đã không cần người đàn ông ấy, còn chị lại cần. Chị ta không giữ thì chị xin. Chị không giành giật, không tranh cướp, cũng không xông vào nhà cháy hôi của. Là do chị ta lót lá chuối trao chồng tay chị đấy thôi.
Nhưng cho tôi hỏi nhỏ: Trước khi được "vợ cả" giao chồng, chị và anh ấy đã yêu trong bóng tối được bao lâu? Có khi nào chị dằn vặt vì quan hệ vụng trộm với người có vợ hay không?
Lại nói về chị vợ, sau khi mang chồng đi gả cho chị, chị ta không ly hôn. Không rõ chị ta không muốn ly hôn hay chồng chị ta không muốn ly hôn? Không rõ chị ta thực sự tin rằng sớm muốn chồng sẽ quay về với mình hay chị ta muốn chơi xấu chị, muốn chị mãi mãi chỉ là phòng nhì, muốn con chị không bao giờ được mang họ bố?
Chị ta không ly hôn. Chị ta chấp nhận là vợ mà không được làm vợ. Chị ta vẫn tận hiếu với bố mẹ chồng, vẫn thực hiện đầy đủ nghĩa vụ với gia đình chồng mà vẫn chấp nhận chồng chị ta chung chăn gối với chị. Chị ta thậm chí còn chấp nhận đi du lịch chung với cả chồng và vợ hờ của chồng là chị. Cao thủ hơn, chị ta còn trông con cho chị mỗi khi cả đại gia đình đi chơi. Lúc chị chụp ảnh tình tứ tay trong tay, vai kề vai với chồng chị ấy, có phải chị ấy đang ngồi một chỗ trông con cho chị không?
Nếu chuyện chị kể là thật, thì tin tôi đi, chị ấy không phải hạng tầm thường. Người đàn bà có thể đạt đến đỉnh cao của chữ nhẫn ấy hoặc là bậc chân tu hoặc vì quyền lực, tiền tài mà sẵn sàng đánh đổi hạnh phúc riêng tư lấy sự yên thân.
Trong trường hợp chị ta là chân tu, xin đừng so sánh tình yêu của chị ta với tình yêu của chị mà phạm thượng. Nếu tình yêu của chị ta dành cho chồng bé mọn, chị ta đã không thể làm được những điều đó trong chừng ấy năm. Không thể nín nhịn gối chiếc phòng không chờ chồng, không thể tận hiếu với bố mẹ chồng, và không thể giấu nhẹm câu chuyện sau cánh cửa nhà để cả thế giới không một ai biết chồng chị lập phòng nhì, mà lại lập phòng nhì với diễn viên nổi tiếng.
Chị ấy giữ thanh danh cho chồng, cho gia đình chồng như thế. Mà vì chồng nên giữ thanh danh cho cả vợ bé của chồng. Tình yêu của chị sánh thế nào cho được đây?
Nhưng ngay cả khi chị ta chân tu, tôi cũng không đồng tình khi chị ta không dứt khoát với chồng. Chị ta nên thương chị nhiều hơn mới phải. Chí ít cũng nên cho chị một danh phận đúng nghĩa. Dù gì, chị mới là người ở bên chồng chị ta khi anh ta khó khăn hoạn nạn, ốm đau bệnh tật. Vì anh ta mà chị phải dừng sự nghiệp vài năm kia mà.
Chị ta và anh ta cũng đâu còn mối liên quan nào ngoài những đứa con. Bản thân những đứa con cũng rất tường tận về tình trạng gia đình chúng: bố ở với vợ bé chứ không ở với mẹ mình. Chị ta đã giao chồng cho chị, sao không gửi chị luôn biên lai xác nhận? Cứ duy trì một gia đình không chính thống, trái cả pháp luật lẫn đạo đức xã hội để làm gì ngoài làm khổ chị ta, vướng cho chị và lụy đám trẻ con?
Bài học thứ hai: Người đàn ông không bỏ vợ cả, không cưới vợ bé nhất định không đáng để thờ
Trong câu chuyện của chị, bố của con chị hiện lên vô cùng mờ nhạt và yếu đuối. Khi khó khăn, anh ta ngã vào lòng chị. Khi vợ anh ta giao anh ta cho chị, anh ta cũng tuân thủ "vợ đặt đâu thì ngồi đấy". Anh ta sống cùng chị như vợ chồng, không thực hiện nghĩa vụ làm chồng với vợ cả, nhưng để vợ cả lo toan gánh vác giang sơn nhà mình. Anh ta yêu chị, chung tình với chị, nhưng quyết không cho chị danh phận. Đến con anh ta, anh ta cũng để nó mang họ chị, điều vốn dĩ khó chấp nhận với văn hóa người phương Đông.
Rồi gì nhỉ, anh ta xem sự hi sinh của chị là tất yếu. Chị kề vai sát cánh bên chồng, rời hào quang danh vọng vì chồng, nhưng anh ta không dành cho chị một sự trân trọng tối thiểu. Không ly hôn để cưới chị đã đành, anh ta thậm chí còn hành xử như kẻ trên. Như chị kể đấy, anh ta thậm chí bán nhà có tên chị mà không nói với chị một câu. Trong mắt người đàn ông đó, chị đâu phải là thê, mà chỉ là thiếp, đâu phải bạn đời, mà chỉ là bạn tình.
Chị tin rằng, mình càng hi sinh bao nhiêu, càng nín nhịn bao nhiêu, càng cúi xuống thấp bao nhiêu thì người đàn ông đó càng nhận ra tấm chân tình của chị ư? Chị tin rằng cách giữ chồng tốt nhất là thả ra, là tha thứ, là cảm thông ư? Sao chị không ngoảnh mặt lại mà nhìn một lần cho rõ tấm gương sáng ngời của "vợ cả"? Người đàn bà đã chọn cách thả ra, chọn cách tha thứ, chọn cách cảm thông, chọn cách yêu cả vợ hờ lẫn con vợ hờ chồng mình, chọn cách hi sinh, cho đi, nín nhịn, cúi thấp? Người đàn bà đó được gì sau những năm qua? Hay chỉ vài lần đáp đền đêm mặn nồng vụng trộm hoặc thậm chí là không?
Sao chị ngây ngô đến thế Kiều Thanh? Chồng vốn dĩ không phải để chắp tay vái lạy mà để nắm tay song hành. Nếu chị chọn cách thờ chồng thì cũng cần thờ bậc chính nhân quân tử, đừng thờ người đàn ông con rô cũng tiếc con diếc cũng muốn.
Hình minh họa
Bài học thứ ba: Những người nhân danh tình yêu thường không hiểu gì về tình yêu
Khi đường đột chia sẻ câu chuyện của mình ra thế giới, chị nói rất nhiều về tình yêu. Nhưng tôi e là, chị không hiểu nhiều về hai chữ ấy.
Chị tin chị yêu anh ta đủ nhiều, đủ lớn. Với tất cả những lý lẽ ở trên: nào là không cần danh phận, nào hi sinh, nín nhịn, tôn thờ. Chị chấp nhận là "người thứ ba", chỉ cần được ở bên anh ta.
Chị chấp nhận nhưng chị vẫn ấm ức chứ chẳng an yên tự tại trong cuộc hôn nhân ngoài vòng pháp luật bên lề đạo đức ấy. Chị bảo chị thiệt thòi hơn người vợ. Dù gần 10 năm qua, chị được ăn được tiếng được cả miếng giữa làng. Vợ cả thừa nhận chị, nhà chồng hờ chị thừa nhận chị, anh ta lại ở trong buồng của chị, con chị có bố, bố mẹ chị có con rể. Vậy chị thiệt thòi ở điểm nào? Phải chăng vẫn là một danh phận?
Và chị ghen tị với cái danh phận ấy ở người vợ cả chăng? E là chị chưa bao giờ đặt mình vào vị trí người vợ cả mà hình dung rồi.
Hình minh họa
Chị thử nghĩ xem, nếu chị có một cái nhà, chị đứng tên chủ sở hữu cái nhà nó, tất cả mọi người đều thừa nhận nhà đó là của chị, nhưng chị phải ở ngoài, một người đàn bà khác bước vào căn nhà đó sinh sống, chăm sóc cho nó, chị cảm thấy thế nào? Chị yên tâm vì nhà đó vẫn là của mình hay chị đau đớn, tủi hổ, quay quắt, bẽ bàng?
Cũng nói thêm rằng, đàn bà chẳng có ai hạnh phúc trong sự lừa dối đâu chị. Chỉ là người ta mắt nhắm mắt mở, cố tìm kiếm niềm vui ở những điều khác để quên đi gã đàn ông tồi tệ mê muội ái tình không thuốc hóa giải mà thôi.
Nếu chị vẫn cảm thấy mình thiệt thòi hơn vợ cả, ấy là vì tình yêu của chị không đủ lớn như chị nghĩ mà thôi.
Sở dĩ tôi dám kết luận như vậy, và dám đồ rằng chị không hiểu nhiều về tình yêu, là vì, nếu tình yêu của chị đủ lớn, chị sẽ im lặng.
Khán giả không cần và cũng không nên biết câu chuyện của chị. Xã hội càng không nên biết câu chuyện của chị. Bởi người ta mắng chị một, người ta sỉ vả người đàn ông của chị mười. Chị vì muốn thanh minh, biện hộ cho mình, hoặc vì một niềm tự hào đầy ảo tưởng, chị phô bày cuộc sống chẳng lấy gì làm hay ho và đúng đắn ra trước bàn dân thiên hạ, trưng diện chân dung một người đàn ông rất "ra gì và này nọ" của mình.
Nếu tình yêu của chị lớn lao như những gì chị tuyên bố, chị đã không có phút bất cẩn ấy, không có sự tự hào ảo giác ấy, để đến đỗi biến người chị gọi là chồng thành câu chuyện đàm tiếu không hồi kết ở miệng đời.
Kiều Thanh à, những bài học này thật đắt giá với tôi. Tôi cũng hy vọng nó sẽ đắt giá với chị. Tôi cũng mong chị sớm có danh phận. Bởi chỉ khi nào trở thành một người vợ đúng nghĩa, chị mới thấu hiểu thế nào là tình và nghĩa, là lớn và nhỏ, là giữ và buông. Cũng chỉ lúc ấy, chị mới cảm nhận được nỗi đau xát muối khi có một người thứ ba nhón chân vào chiếc giường ngủ của vợ chồng chị.
Và cuối cùng, chúc chị tìm được hạnh phúc không trên sự dối lừa!