Kiếm 50 triệu đồng/tháng sau 5 năm nhờ dám nhảy việc

Nguyễn Quỳnh Trang, Theo Phụ nữ Việt Nam 00:01 12/04/2023
Chia sẻ

Còn trẻ biết tiết kiệm sẽ rất tốt. Nhưng nếu bạn lựa chọn đầu tư vào năng lực của bản thân, thì việc kiếm gấp 5, gấp 10 sẽ không còn là vấn đề quá lớn!

"Hồi lương tháng 10 triệu đồng, một năm mình tiết kiệm chưa nổi 30 triệu. Mà khi đó còn sống một mình, không người yêu, ít bạn bè, cũng chẳng cần nuôi ai. Cái chính là do chưa có kế hoạch chi tiêu cụ thể!".

Cách đây 5 năm, Hoàng Linh (29 tuổi, nhân viên ngân hàng, TPHCM) chưa biết cách làm chủ đồng lương mình kiếm được hàng tháng. Nhưng đến hiện tại, cô đã sở hữu mức thu nhập gấp 5-6 lần. Nỗ lực hơn, học thêm ngoại ngữ, trau dồi chuyên môn và học cách quản lý tài chính - là những điều mà Hoàng Linh đã làm để nâng cao thu nhập.

Sai lầm khi lương 10 triệu/tháng: Thuê nhà quá sức, quan tâm nhiều đến vật ngoài thân

Mình vẫn nhớ khi đó, khoản tiền thuê nhà 1 tháng đã bằng 1/3 tổng thu nhập. Vì muốn ở một nơi thoải mái hơn, mình thuê căn nhà 3 triệu/tháng và ở một mình. Mỗi tháng khi nhận lương và trả tiền nhà, mình chỉ còn dư lại khoảng 6-6,5 triệu đồng. Mức sống đắt đỏ ở TP HCM chắc ai cũng biết, riêng khoản ăn uống và đồ đạc sinh hoạt cũng thêm khoảng 2-3 triệu nữa. Vậy nên, tiền tiết kiệm trong 1 năm của mình chỉ dưới 30 triệu đồng.

Thật ra có một điều khiến mình không tiết kiệm được nhiều nữa là do tính chất nghề nghiệp. Mình làm trong một ngân hàng cũng có tiếng nên mức độ cạnh tranh trong ngành rất cao. Chưa kể áp lực công việc, doanh số khiến mình lúc nào cũng vất vả nghĩ cách để chạy về đích. Làm ngân hàng có lợi thế lớn: thu nhập ổn định, được tín nhiệm và khả năng phát triển cao. Nhưng mặt trái của nó, đặc biệt đối với phái nữ sẽ là: ganh đua từng món đồ mình mang như son môi, túi xách, có lúc mình còn mạnh tay chi 1 triệu chỉ để mua thỏi son môi... Không được đánh giá cao nếu khả năng không vượt trội, rồi phải tự bỏ tiền mua quà tặng khách, hay phải bỏ tiền túi để đền vào những khoản không khớp. Lúc đó mới vào nghề được 1 năm, tiền lương chưa cao mà phải chi trả khá nhiều. Thậm chí có lúc mình còn phải dùng tiền trong tín dụng.

Kiếm 50 triệu đồng/tháng sau 5 năm nhờ dám nhảy việc - Ảnh 1.

Quản lý chi tiêu chưa tốt có thể khiến bạn gặp nhiều vấn đề về tài chính. (Ảnh minh họa Pinterest)

Vào ngân hàng thì bạn phải chấp nhận đánh đổi nhiều thứ để được thăng tiến. Càng được trọng dụng, có quan hệ tốt với khách hàng thì tiền kiếm được sẽ ngày càng tăng. Nên lúc này, dù so ra với bạn bè tiền tiết kiệm chẳng được bao nhiêu, mình cũng không quan tâm nữa. Thà bỏ thời gian nâng cao thu nhập của bản thân thì càng tốt hơn. Vừa không cần sống quá cần kiệm, lại được tiêu pha thoải mái, chất lượng cuộc sống cũng nâng cao hơn. Suy nghĩ như vậy nên mình cũng không còn áy náy với ví tiền nữa.

Học cách nâng cao thu nhập thay vì sống quá tiết kiệm

Sau khi nghĩ thông suốt vấn đề này, mình nghiêm túc hơn với công việc và đầu tư vào học hỏi. Mình lựa chọn nhảy việc để có mức lương cao hơn, làm thêm những công việc bán thời gian ngoài (vì mình có dự định khác sau khi nghỉ ngân hàng). Mỗi việc như vậy kéo dài khoảng 6 tháng đến 2 năm, kiếm cũng được khá. Cái mình được nhiều hơn là kinh nghiệm và kỹ năng. Trong 5 năm, mình nhảy việc 2 lần (full-time) ở cùng một vị trí. Chỉ khác ở chỗ là quy mô công ty ngày càng to hơn. Một khi trang bị đầy đủ kỹ năng và kiến thức thì bạn sẽ tự tin để giải quyết được nhiều công việc cùng lúc. Khi tổng thu nhập đã tăng lên 50-60 triệu/tháng, mình dành nhiều thời gian cho bản thân và gia đình. Hiện tại, mình chỉ làm 1 công việc chính và 1 công việc part-time liên quan đến kinh doanh. Thời gian đã dạy cho mình: Thay vì chăm chăm vào việc tiết kiệm với mức lương 10 triệu, mình đã thay đổi suy nghĩ của bản thân. Sống biết đủ và học cách nâng cao thu nhập.

Còn về chi tiêu cũng thay đổi khá nhiều. Hồi lương 10 triệu/tháng dám bỏ 3 triệu để thuê nhà. Nhưng bây giờ kiếm gấp 5 cũng chỉ chuyển sang thuê nhà 4-5 triệu. Vì mục tiêu xa hơn của mình là mua nhà. Bây giờ cứ ở tạm nhà thuê bình thường để tiết kiệm hơn.

Cái mình bỏ hoàn toàn là chi tiêu cho vật ngoài thân. Những món như giày, dép, quần áo, trang sức... ngày càng được tối giản và giảm số lượng. Vì trong quá trình phát triển bản thân đó, mình nhận ra mỗi một thời kỳ mình lại phù hợp với những đồ vật khác nhau và không nhất thiết phải cùng người khác ganh đua. Nếu cứ liên tục đốt tiền vào những thứ này, thì một là chẳng dư mấy tiền để tiết kiệm, hai là lúc nào cũng quay cuồng vì đồ đạc. Những người sếp đã dạy mình: Càng khiêm tốn, đơn giản thì càng sang!

TIN CÙNG CHUYÊN MỤC
Xem theo ngày