Ở Hà Nội lương 10 triệu/ tháng, chỉ tiêu 5 triệu, còn lại để “tiền đẻ ra tiền”

Vân Anh, Theo Nhịp sống thị trường 06:36 18/05/2024

Dẫu chỉ kiếm được 10 triệu đồng/tháng nhưng chàng trai này tính toán rất kỹ từng đồng tiền bỏ ra.

Công thức "tiền đẻ ra tiền" của chàng trai nhận lương 10 triệu đồng/tháng

"Mình bắt đầu quan tâm đến tiết kiệm tiền từ năm ngoái, sau khi vừa ra trường. Đó là thời điểm kinh tế khó khăn và mình gặp không ít khó khăn trong lúc kiếm việc.

Vừa ra trường, song song với tự lo cho bản thân thì mình cũng phải học cách cân đối các khoản chi tiêu. Hiện tại, mình vẫn đang quản lý tài chính một cách khá cơ bản, nhưng nhìn chúng hoạt động tốt theo mong muốn của mình", Trần Huy (24 tuổi, Hà Nội) - nhân viên văn phòng chia sẻ.

Trần Huy cho rằng, việc quản lý dòng tiền cực kỳ quan trọng, dù bạn kiếm được thu nhập cao hay thấp. Với trường hợp cá nhân, Huy kiếm được lương 10 triệu đồng nhưng tháng nào anh cũng tiết kiệm được nửa lương để đầu tư. Nhờ đó, Huy có khoản sinh lời cao hơn nhiều so với gửi tiết kiệm, và tất nhiên càng tốt hơn so với để tiền ở một chỗ.

Ở Hà Nội lương 10 triệu/ tháng, chỉ tiêu 5 triệu, còn lại để “tiền đẻ ra tiền” - Ảnh 1.

Ảnh minh hoạ

Công thức quản lý tài chính của Huy khá đơn giản. Đầu tiên, anh chàng chia tổng thu nhập thành 2 phần là lương nhân viên văn phòng (10 triệu đồng) và lời trên đầu tư vào vàng, chứng chỉ quỹ hoặc chứng khoán (2-4 triệu đồng).

Về lương văn phòng hàng tháng, anh chàng lại tiếp tục chia chúng thành 2 khoản, gồm chi tiêu cho cuộc sống cá nhân (5 triệu đồng) và tiền mang đi đầu tư (5 triệu đồng).

Riêng lời trên đầu tư, Huy nói anh không chốt lời theo tháng mà tuỳ vào thời điểm sinh lời tốt nhất, chẳng hạn khi giá vàng tăng cao và thị trường chứng khoán khởi sắc.

Con số tiền lời khoảng 2-4 triệu đồng/tháng từ đầu tư được anh chàng dựa trên mức sinh lời của năm ngoái. Trong năm nay, Huy nhận thấy danh mục đầu tư của mình vẫn giữ nguyên và tiềm năng sinh lời vẫn tốt như năm cũ.

Trần Huy nói: "Việc có bảng kế hoạch tài chính giúp mình khá nhiều thứ. Thứ nhất, vào cuối năm và theo từng tháng, mình biết bản thân tiêu tiền vào đâu, sinh lời từ khoản nào. Khi nhìn vào bảng cân đối này, mình sẽ không bị rối bởi những khoản chi vụn vặt như chuyện cơm áo gạo tiền hàng ngày, hay cảm thấy nản vì mức lương 10 triệu đồng/tháng còn thấp".

Làm sao để sống ở Hà Nội mà chỉ tiêu 5 triệu đồng/tháng?

Huy cho biết, cơ duyên dẫn mình đến với đầu tư là trong lúc rảnh rỗi, để bớt suy nghĩ linh tinh thì anh quan tâm nhiều hơn đến thị trường tài chính. Chuyện đầu tư vào vàng, chứng khoán và chứng chỉ quỹ cũng bắt đầu từ đó.

"Mình nhận ra người quản lý tài chính khôn là không bao giờ sống với một công việc văn phòng. Nếu bạn chưa có công việc tay trái thì đầu tư chính là cách mà mình cần học để gia tăng thu nhập", Huy nói.

Tuy nhiên, trước khi bắt tay vào đầu tư để tăng đồng ra đồng vào, Huy phải trả lời được câu hỏi: "Tiền đâu đầu tiên?". Vậy là anh chàng phải học cách tính toán từng khoản tiêu dùng. Để từ đó sau thời gian dài điều chỉnh cách mình thu chi hàng ngày, Huy có quỹ tiết kiệm nhờ chỉ tiêu 5 triệu đồng/tháng.

Riêng về khoản tiêu dùng 5 triệu đồng/tháng, Huy chia sẻ thêm: "Tiền nhà của mình là 1,5 triệu đồng. Tiền ăn uống do mình chế biến từ đồ tự mua và đồ bố mẹ gửi dưới quê lên là 1,5 triệu đồng. Tiền đi lại, mua sắm và hiếu hỉ là 2 triệu đồng còn lại".

Ở Hà Nội lương 10 triệu/ tháng, chỉ tiêu 5 triệu, còn lại để “tiền đẻ ra tiền” - Ảnh 2.

Ảnh minh hoạ

Huy nói thêm, từ trải nghiệm cá nhân, anh cho rằng bản thân sống ổn và duy trì được cách chỉ tiêu 5 triệu đồng/tháng như vậy từ năm ngoái. Tuy nhiên, không phải ai cũng có thể theo đuổi mức sống như vậy. Bởi lẽ, chàng trai cũng phải đánh đổi nhiều khoản tiêu dùng cho thú vui cá nhân và yêu đương.

Sau cùng, đây là một vài nguyên tắc để anh chàng chỉ tiêu 5 triệu đồng/tháng cho chi phí sinh hoạt:

- Thứ nhất, đầu tháng nhận lương, chuyển ngay 5 triệu đồng chi phí sinh hoạt vào tài khoản ngân hàng khác.

Huy cho rằng, việc giới hạn chỉ tiêu 5 triệu đồng/tháng sẽ khiến anh chàng biết "dừng lại" khi giữa tháng có lỡ tiêu hết tiền ở khoản này. Lúc đó, chàng trai sẽ đi vay bạn rồi tháng sau lấy quỹ chi tiêu bù lại, chứ tuyệt đối không lấn sang phần dành cho đầu tư.

Ngoài ra, Huy không có thói quen ghi chép lại các khoản chi tiêu hàng ngày. Bởi anh chàng cho rằng khi mức lương thấp và ít tiêu xài thì việc ghi lại từng món đồ mình mua, đi kèm giá tiền của chúng sẽ khiến bạn bị rối trong cách quản lý tài chính.

- Thứ hai, chấp nhận thuê nhà giá rẻ và chật. Hiện, Huy đang thuê một căn phòng 15m2 cùng 1 người bạn ở Cầu Giấy. Do phòng nằm trên tầng cao và không có cửa sổ nên được giá thuê khá rẻ.

- Thứ ba, chăm chỉ tự nấu ăn tại nhà, thay vì đi ăn ngoài giúp Huy tiết kiệm được khá nhiều.

Huy nói về dự định tương lai: "Nhìn chung, mình cũng sắp được tăng lương rồi nên có thể chi phí tiêu dùng sẽ tăng lên, nhưng chỉ thêm 1-2 triệu đồng/tháng thôi. Còn hiện tại, mình vẫn giữ quan điểm chỉ tiêu tiền cho những thứ xứng đáng và có khả năng sinh lời".

Cảm ơn Huy vì những chia sẻ. Chúc bạn đạt được nhiều mục tiêu tài chính trong tương lai!

TIN CÙNG CHUYÊN MỤC
Xem theo ngày