Khu nhà lao động nhập cư ở Đài Loan: Chật chội, đông đúc, đối diện với nguy cơ lây nhiễm Covid-19 và nhiều hiểm họa sức khỏe khác

Jayden, Theo Tổ Quốc 14:49 27/04/2020
Chia sẻ

Trong khi Singapore đang chứng kiến làn sóng lây nhiễm thứ hai tấn công mạnh mẽ người lao động nhập cư trong đại dịch Covid-19, nhiều xã hội phát triển khác ở châu Á cũng giật mình nhìn lại điều kiện sống và làm việc của tầng lớp nghèo khó này.

Đài Loan hiện có hơn 718.000 lao động nhập cư, chiếm đông nhất là từ Indonesia (280.000), theo sau là các công dân Việt Nam (221.400), Philippines (158.700) và Thái Lan (58.7000). Họ chủ yếu làm việc trong ngành sản xuất và chăm sóc sức khỏe, ngoài ra còn có các ngành nông lâm nghiệp và đánh bắt thủy sản.

Đến nay, cộng đồng người nhập cư ở Đài Loan gần như tránh được Covid-19 khi chỉ ghi nhận một trường hợp mắc bệnh duy nhất. Đó là một lao động người Indonesia không có giấy tờ, được phát hiện nhiễm virus từ tháng 2 và là "bệnh nhân số 2" của hòn đảo. Từ đó, không ghi nhận thêm trường hợp lây nhiễm mới, dù mối lo ngại vẫn luôn hiện hữu.

Một khu nhà tập thể, nằm ngay trong khuôn viên nhà máy ở Đài Bắc

Điều kiện sống của người lao động nhập cư tại Đài Loan phụ thuộc vào công việc của họ. Công nhân nhà máy sẽ ở ký túc xá, 4-8 người ở chung một phòng, nhưng cũng có những nơi phải ở tới 30 người trong một không gian chật hẹp.

Trong khi đó, người giúp việc nhất định phải sống trong gia đình chủ lao động. Các nhân viên điều dưỡng sẽ ở chung phòng với bệnh nhân mà mình chăm sóc, hiếm khi có phòng riêng. Thủy thủ sẽ sống tập thể ngay trên tàu ở cảng - lại là một không gian đông đúc và tù túng khác.

Mối họa Covid-19 chất chồng lên nỗi sợ "thường trực" về điện nước, cháy nổ

Febry Setiawan, 30 tuổi, từ Indonesia đến thành phố Đài Bắc làm công nhân xưởng gỗ vào 3 năm trước. Từ đó đến nay, anh ở trong ký túc xá thuộc khuôn viên xí nghiệp. Nhìn chung, người lao động nhập cư được nhận lương tối thiểu 23.800 Đài tệ (~18,6 triệu đồng), nhưng phải trừ đi phí môi giới, bảo hiểm, thuế...

"Sau khi lãnh lương, chúng tôi phải dành ra 2.000 đến 3.000 Đài tệ trả tiền thuê phòng" - anh công nhân chia sẻ. "Mà đó là chưa kể tiền điện nước, có thể tốn thêm 500 Đài tệ nữa".

Anh Setiawan cho biết ban quản trị doanh nghiệp vẫn cho công nhân ra ngoài khi cần thiết, miễn là giữ khoảng cách an toàn ở nơi công cộng. Nam công nhân cũng đã trang bị cho mình khẩu trang và nước rửa tay.

Khu nhà lao động nhập cư ở Đài Loan: Chật chội, đông đúc, đối diện với nguy cơ lây nhiễm Covid-19 và nhiều hiểm họa sức khỏe khác - Ảnh 2.

Những nhà container như thế này không chỉ nóng bức, chật hẹp mà còn thiếu nước máy và dễ xảy ra hỏa hoạn.

Tuy nhiên, không phải ai cũng được may mắn như vậy. Nhà nghiên cứu Wu Jing Ru, từ Hiệp hội Người lao động Quốc tế Đài Loan (TIWA), cho biết nhiều công nhân xứ Đài phải cùng nhau tá túc trong "nhà container" chật hẹp. "Ở đó mùa hè rất nóng, mùa đông thì lạnh lẽo và còn không có nước máy. Họ phải tự gánh nước về để sinh hoạt, ăn uống" - ông Wu nói.

Các khu nhà ở đông đúc, tù túng như vậy không chỉ là môi trường lý tưởng để lan truyền virus mà còn đối diện nhiều hiểm họa sức khỏe khác. Thông thường, nhà container thường đặt ngay bên trong xí nghiệp, gần các nguyên liệu dễ bắt lửa. Trong các năm gần đây, đã có 11 công nhân tử vong vì nguyên nhân cháy nổ.

"Nhìn chung, các khu nhà container, ký túc xá đều không an toàn trừ khi các doanh nghiệp đủ điều kiện để cung cấp nơi ăn chốn nghỉ bên ngoài khuôn viên nhà máy" - ông Wu nhận xét.

Đài Loan "chưa sẵn sàng cho trường hợp dịch bùng phát trong nhóm lao động nhập cư"

Grace Huang - thư ký một hiệp đoàn người giúp việc và điều dưỡng - khẳng định rằng lao động nhập cư ở Đài Loan chưa mắc Covid-19 vì dịch bệnh chưa lây nhiễm mạnh trong cộng đồng. Các nỗ lực ngay từ đầu của nhà chức trách đã giúp ngăn ngừa dịch Covid-19 leo thang. Ví dụ như mỗi người ở Đài Loan đều có thể mua được số lượng khẩu trang nhất định, không để xảy ra tình trạng khan hiếm.

Dù vậy, thư ký Huang lo ngại giới chức vẫn chưa sẵn sàng để bảo vệ, chăm sóc người lao động nhập cư một khi làn sóng lây nhiễm khởi phát. Trong khi đó, người đứng đầu cơ quan y tế Chen Shih-chung lại tuyên bố rằng việc lây nhiễm trong cộng đồng là "không thể tránh khỏi" về lâu dài.

Hiện tại, số ca nhiễm Covid-19 ở Đài Loan vẫn dưới mức 500 người, cuộc sống của số đông vẫn tiếp diễn gần như bình thường, nhưng sự tự do của người lao động đã bị ảnh hưởng nặng nề.

Cuộc sống nơi xứ người vốn đã bấp bênh, nay còn bị dịch bệnh đe dọa (Ảnh minh họa)

Người giúp việc đang bị giám sát khắt khe hơn. Nhiều người không thể có ngày nghỉ, mặc dù ông bà chủ của họ vẫn thoải mái ra khỏi nhà như thường. "Đây chính là phân biệt đối xử" - thư ký Huang bày tỏ.

Hesty Marettasari, 27 tuổi, là người giúp việc đến từ Indonesia. Cô cho biết mình thường xuyên bị chủ nhà đấm đá, xô xát. Cô còn thiếu ngủ khi phải quán xuyến lượng công việc quá lớn. Kể từ khi dịch Covid-19 ập tới, Hesty đã phải "đấu tranh" có được nghỉ 1 ngày/tuần để ra ngoài giải tỏa áp lực.

Hiện tại, Đài Loan đang thực hiện nhiều biện pháp ngăn chặn làn sóng lây nhiễm thứ hai, trong lúc các công dân hay thường trú nhân từ nước ngoài đang đồng loạt trở về hòn đảo. Người lao động nhập cư khi quay lại Đài Loan sẽ phải cách ly 14 ngày tại nơi chỉ định và trả phí 1.000 Đài tệ mỗi ngày. Ngoài ra, những lao động nào đã về quê nhà sau ngày 17/3 sẽ không được phép quay lại Đài Loan nữa.

(Theo SCMP)

TIN CÙNG CHUYÊN MỤC
Xem theo ngày