Không phải "Happy New Year" của ABBA, ca khúc được cả thế giới nghe nhiều nhất đêm Giao Thừa lại là một bài hát hoàn toàn khác!

Tố Như, Theo Helino 07:00 24/01/2020
Chia sẻ

"Auld Lang Syne" nghe có vẻ lạ với đa số người Việt Nam, nhưng đây mới là ca khúc được dân Mỹ yêu thích và gọi là "quốc ca đêm Giao Thừa" thay vì "Happy New Year" như chúng ta thường nghe.

Ai cũng biết, "Happy New Year" là ca khúc nhạc Tết đi vào huyền thoại thế nào... Người người nhà nhà, từ bản gốc cho đến cover đều được bật ở khắp mọi nơi khiến không ai là không thuộc ca khúc này. Thế nhưng, có một sự thật mà bạn cần được biết.

Nhiều người chắc sẽ không tin rằng ca khúc đón năm mới "Happy New Year" của ABBA không phải là ca khúc có độ phủ sóng lớn nhất dịp đặc biệt này. Ngai vàng đó vốn dĩ thuộc về một ca khúc khác, chắc ít người biết đến hơn tại Việt Nam, bài dân ca "Auld Lang Syne" của Scotland mới là ca khúc được phát nhiều nhất vào đêm Giao thừa.

Không phải Happy New Year của ABBA, ca khúc được cả thế giới nghe nhiều nhất đêm Giao Thừa lại là một bài hát hoàn toàn khác! - Ảnh 1.

Auld Lang Syne mới là ca khúc mừng năm mới nổi tiếng nhất.

MV "Auld Lang Syne" - Mariah Carey

"Auld Lang Syne" hay còn có thể hiểu là "Old Long Since", hay hiểu theo tựa Việt là "Ngày tháng êm đềm xưa cũ". Ca khúc nói đến việc nhìn lại bản thân một năm đi qua, những nỗi đau hay cả những niềm hạnh phúc, giống như một lời tri ân đến chính bản thân mình đã mạnh mẽ đi qua một năm khó khăn ra sao. Ca khúc là một bài nhạc dân ca Scotland được sáng tác vào năm 1788 bởi đại thi hào người Scotland Robert Burns. Trải qua hơn 230 năm ra mắt, ca khúc vẫn là một biểu tượng trong lòng của người dân nhiều nước trên thế giới, một ca khúc không thể thiếu trước giờ Giao thừa linh thiêng.

Không phải Happy New Year của ABBA, ca khúc được cả thế giới nghe nhiều nhất đêm Giao Thừa lại là một bài hát hoàn toàn khác! - Ảnh 3.

Robert Burns, người chắp bút Auld Lang Syne (sinh năm 1759 - mất năm 1796), là nhà thơ lớn ở đất Scotland. Ông được mệnh danh là đại thi hào dân tộc, thi sĩ của dân cày hay đứa con cưng của đất nước. Người Scotland tôn sùng ông đến mức, họ dùng từ "Thi nhân" viết hoa (The Bard) khi muốn nhắc về ông. Năm 2009, trong một cuộc bình chọn của chương trình truyền hình STV, Robert Burns được vinh danh là người Scotland vĩ đại nhất mọi thời đại.

Không phải Happy New Year của ABBA, ca khúc được cả thế giới nghe nhiều nhất đêm Giao Thừa lại là một bài hát hoàn toàn khác! - Ảnh 4.

Chân dung Robert Burns

Trong suốt cuộc đời mình, Robert Burns khiêm tốn chưa bao giờ tự nhận mình là cha đẻ của "Auld Lang Syne" nhưng các học giả vẫn khẳng định công lao to lớn không thể phủ nhận của ông trong việc hình thành nên ca khúc như nó được biết đến ngày nay. Từ việc chỉ phủ sóng Scotland, với việc di cư ra nhiều nơi trên thế giới, "Auld Lang Syne" đã lan rộng ra khắp thế giới và trở thành quốc ca mừng năm mới ở rất nhiều nước trên thế giới.

Không phải Happy New Year của ABBA, ca khúc được cả thế giới nghe nhiều nhất đêm Giao Thừa lại là một bài hát hoàn toàn khác! - Ảnh 5.

"Auld Lang Syne" được ví von là quốc ca đêm giao thừa.

Nói về phần lời ca, "Auld Lang Syne" thật sự đơn giản như một câu vè dễ thuộc dễ hát. Ca khúc chỉ gồm tất cả 4 câu thơ lặp đi lặp lại. Dùng đến cấu trúc điệp nên nghe thanh tai và dễ nhớ:

"Should old acquaintance be forgot,

and never brought to mind?

Should old acquaintance be forgot,

and auld lang syne?"

Dịch:

"Lẽ nào lại quên đi những người bạn cũ năm xưa

Và không bao giờ nhớ gì nữa?

Lẽ nào quên đi những người bạn xưa ấy

Và những ngày xưa êm đềm?"

Ca từ nhắc nhở ta, những người nghe, phải nhớ đến những người đã đi qua trong đời, đã cùng ta vượt qua khó khăn trong một giai đoạn cuộc đời. Thậm chí, cả những người mà bước qua đời ta, mang đến cả khổ đau hận thù cũng nên được nhớ đến. Thời khắc Giao thừa đến cũng là lúc lòng người bỗng yếu đuối lại hẳn, ta bắt đầu hoài niệm về những chuyện đã đi qua trong sự luyến tiếc của bản thân, cũng như thế dâng lên trong lòng niềm hi vọng, niềm phấn khích khi bước sang một năm mới. Có lẽ vì thế, khi hát lên "Auld Lang Syne" trong thời khắc Giao thừa, nó lại nhiều xúc cảm lay động lòng người đến vậy.

Không phải Happy New Year của ABBA, ca khúc được cả thế giới nghe nhiều nhất đêm Giao Thừa lại là một bài hát hoàn toàn khác! - Ảnh 7.

Người dân London cùng hát "Auld Lang Syne" đón năm mới.

Khi "Auld Lang Syne" lan tới đất Hoa Kỳ, nó được nhạc trưởng Guy Lombardo chọn biểu diễn ngay khi tiếng chuông đồng hồ điểm 12 giờ đêm. Suốt từ năm 1929 cho đến nay, khi đến thời điểm Giao thừa, hàng trăm nghìn người lại đổ về Quảng trường Thời đại ở New York để cất vang lời ca của "Auld Lang Syne". Ngày 30/6/1997, Lực lượng Cảnh sát Hoàng gia Hongkong đã chơi ca khúc này trong ngày rời nhiệm sở của thống đốc Chris Patten, đánh dấu sự kiện Anh chuyển giao chủ quyền Hong Kong cho Trung Quốc. Tháng 10/2000, người ta cũng nghe thấy giai điệu của "Auld Lang Syne" vang lên khi linh cữu của cựu Thủ tướng Canada - Pierre Trudeau rời tòa nhà Quốc hội Parliament Hill lần cuối cùng. Trong Thế chiến thứ II, khi con tàu Nhật Bản Montevideo Maru bị đắm, mang theo 1053 người Úc, những người Úc trước lúc ra đi đã ca vang ca khúc này như một lời vĩnh biệt.

Auld Lang Syne | Happy New Year Song

Với ca từ hoài niệm, "Auld Lang Syne" còn được sử dụng ở các buổi lễ trọng đại khác như dịp đám tang, lễ tốt nghiệp,... Ca khúc cũng từng xuất hiện trong rất nhiều bộ phim kinh điển của Hollywood như "It’s a Wonderful Life", "Waterloo Bridge", "When Harry Met Sally",... Cũng không thể ngó lơ những bản cover nổi tiếng, rất được yêu thích của diva Mariah Carey, hay bản cover của nữ chính trong series phim học đường rất được khán giả trẻ yêu thích - Glee! với tiếng hát của Lea Michele,...

MV Auld Lang Syne - Lea Michele

Thời khắc Giao thừa đang đến rất gần, biết đâu bạn sẽ tò mò với "Auld Lang Syne" và sẽ mở nó cùng với huyền thoại "Happy New Year" của ABBA. Một năm mới nữa đang đến, "Auld Lang Syne" cùng với "Happy New Year" sẽ tiếp tục vang lên khắp nơi trên thế giới, mang đến cho người nghe không khí hoài niệm về một năm cũ đã đi qua và không bao giờ quay lại. Hãy tiếp tục cuộc hành trình của bạn đến với năm 2020 phía trước, những ngày tháng xưa cũ êm đềm đã qua rồi.

Thăm dò ý kiến

Bạn thích ca khúc nào hơn?

Bạn có thể chọn nhiều mục. Bình chọn của bạn sẽ được công khai.


TIN CÙNG CHUYÊN MỤC
Xem theo ngày