Tỷ lệ mất cân bằng giới tính khi sinh tại Việt Nam đang ngày càng trở nên nghiêm trọng. Đây là nội dung được công bố trong Báo cáo quốc gia đầu tiên về đăng ký và thống kê hộ tịch giai đoạn 2021-2024, vào cuối tháng 4 vừa qua. Báo cáo do Cục Thống kê xây dựng trên cơ sở dữ liệu hộ tịch điện tử toàn quốc, với sự hỗ trợ của Quỹ Dân số Liên hợp quốc (UNFPA) và Tổ chức Y tế công cộng (VS).
Theo đó, tỷ số giới tính khi sinh vốn phản ánh sự cân bằng tự nhiên giữa trẻ trai và trẻ gái lúc chào đời, với ngưỡng chuẩn sinh học dao động từ 104 đến 106 bé trai trên 100 bé gái. Khi tỷ lệ này vượt quá mức 106, điều đó cho thấy có sự can thiệp có chủ đích vào quá trình sinh nở, khiến tỷ số bị lệch khỏi giới hạn sinh học bình thường.
Chênh lệch giới tính ngày càng nghiêm trọng
Từ năm 2021 đến 2024, tỷ số này lần lượt là 109,5; 109,7 và 110,7 bé trai trên 100 bé gái, liên tục vượt xa mức tự nhiên.
Tình trạng này chủ yếu tập trung tại các tỉnh phía Bắc, đặc biệt vùng Đồng bằng sông Hồng với 10/11 tỉnh có tỷ lệ trên 110. Đứng đầu là Bắc Ninh (119,6 bé trai trên 100 bé gái), tiếp theo là Vĩnh Phúc (118,5), Hà Nội (118,1) và Hưng Yên (116,7). Một số tỉnh miền Trung du, miền núi phía Bắc cũng ghi nhận tỷ lệ cao như Bắc Giang (116,3), Sơn La (115), Lạng Sơn (114,5), Phú Thọ (113,6). Trong khi đó, các địa phương phía Nam có tỷ số giới tính khi sinh tiệm cận mức cân bằng tự nhiên hoặc chỉ chênh lệch nhẹ, dao động từ 105 đến 108.
Báo cáo cũng đưa ra các phát hiện quan trọng về xu hướng sinh, tử và kết hôn. Tổng tỷ suất sinh Việt Nam trong những năm gần đây (giai đoạn từ năm 2021 đến năm 2024) khá thấp, năm 2021 là 1,83 con/phụ nữ, năm 2023 tăng lên là 1,86 con/phụ nữ nhưng đến năm 2024 lại giảm, chỉ còn khoảng 1,84 con/phụ nữ.
Tình trạng thừa đàn ông độ tuổi 20-49 tại Việt Nam theo 3 kịch bản dự báo, 2019-2069. Nguồn: Hồ sơ đề nghị xây dựng Luật Dân số của Bộ Y tế
Hiện nay, tuổi trung bình khi sinh con của phụ nữ cũng đang có dấu hiệu tăng dần từ năm 2021 đến nay. Độ tuổi trung bình của mẹ khi sinh con hiện nay là khoảng 28 đến 29 tuổi. Năm 2021, tuổi trung bình khi sinh con của phụ nữ là 28,4 tuổi; đến năm 2024, số liệu này là 28,8 tuổi, tăng 0,4 tuổi sau 3 năm. Đây là một bằng chứng bổ sung để khẳng định rằng, phụ nữ Việt Nam đang ngày càng có xu hướng sinh con muộn hơn.
Tại lễ phát động Tháng hành động Quốc gia về Dân số năm 2024, Thứ trưởng Bộ Y tế Trần Văn Thuấn cảnh báo Việt Nam đang đối mặt với tình trạng "giảm sinh, thừa nam thiếu nữ". Nếu mất cân bằng giới tính khi sinh tiếp tục ở mức cao, đến năm 2034, Việt Nam sẽ thừa 1,5 triệu nam giới trong độ tuổi 15-49, con số này sẽ tăng lên 1,8 triệu vào năm 2059.
Đàn ông Việt Nam khó lấy vợ vì mất cân bằng giới tính
Việc lựa chọn giới tính trước khi sinh phản ánh sự bất bình đẳng giới sâu sắc. Trong những thập kỷ tới, cấu trúc dân số sẽ chịu ảnh hưởng nặng nề, với số lượng nam giới vượt trội kéo dài. Theo các nhà khoa học xã hội, mất cân bằng giới tính sẽ tác động lớn đến cấu trúc gia đình và hệ thống hôn nhân. Nam giới trẻ tuổi có thể gặp khó khăn trong việc tìm kiếm bạn đời, dẫn đến trì hoãn hôn nhân hoặc gia tăng tỷ lệ sống độc thân, ảnh hưởng tiêu cực đến hệ thống gia đình trong tương lai.
Đặc biệt, dư thừa nam giới, thiếu hụt nữ không chỉ là câu chuyện thiếu vợ để kết hôn, các chuyên gia nhấn mạnh tình trạng này có thể dẫn đến bạo lực giới, nạn buôn người, mại dâm, bất ổn chính trị và thiệt hại kinh tế.
Để giải quyết vấn đề này, Việt Nam đặt mục tiêu đưa tỷ số giới tính khi sinh về mức cân bằng tự nhiên, dưới 109 bé trai/100 bé gái vào năm 2030. Các chuyên gia nhấn mạnh cần thay đổi nhận thức và hành vi của người dân, khuyến khích sinh con theo quy luật tự nhiên. Đồng thời, cần xây dựng chính sách hỗ trợ nâng cao vai trò, vị thế của phụ nữ và trẻ em gái trong gia đình, cộng đồng, xã hội.
Ngoài ra, cần thực thi nghiêm các quy định pháp luật về kiểm soát mất cân bằng giới tính khi sinh, đồng thời khuyến khích sinh hai con, đặc biệt là bé gái, để cân bằng tỷ lệ giới tính.