Có những buổi chiều tan làm, tôi không về nhà mà tạt ngang hiệu thuốc. Không phải để mua thuốc cho mình, mà là tìm hiểu thêm về các thiết bị theo dõi sức khỏe cho mẹ. Bởi chỉ cần một cuộc gọi của bố: "Mẹ con hơi choáng, huyết áp 'tuột' rồi", là tim tôi như thắt lại. Cảm giác bất lực khi không thể ở bên người sinh ra và nuôi mình khôn lớn thật sự khiến tôi day dứt.
Mẹ tôi năm nay ngoài 65, bị tiểu đường type 2 đã hơn 10 năm, huyết áp thất thường, trời nóng cũng chóng mặt mà trở lạnh cũng đau đầu. Từ khi anh chị em chúng tôi lập gia đình và ra riêng, chỉ còn bố mẹ ở lại căn nhà cũ, sớm hôm chăm nhau bằng tình nghĩa vợ chồng mấy chục năm bền chặt. Nhưng tôi biết, bố mẹ tôi không còn nhanh nhẹn như xưa nữa. Mỗi lần có chuyện, họ lại chần chừ đi khám vì ngại đường xa, vì "rồi lại ổn thôi".
Thế là tôi quyết định gửi về quê cho cha mẹ một "trạm y tế mini" tại nhà. Không lớn, không cầu kỳ, nhưng đủ để tôi yên tâm mỗi khi đi làm, mỗi khi không kịp nghe điện thoại.
Chiếc máy đầu tiên tôi sắm là máy đo huyết áp điện tử.
Với máy đo huyết áp điện tử, tôi chọn loại có màn hình to, dễ đọc, và nhớ được cả các chỉ số đo gần nhất. Bố tôi thì hay quên, mẹ cũng vậy. Nên giờ, mỗi sáng sau khi ngủ dậy và mỗi tối trước khi đi ngủ, hai ông bà thay nhau đo huyết áp. Mẹ còn nói vui: "Có cái này, bố con cũng biết áp mình bao nhiêu, khỏi đoán mò như trước".
Tiếp theo là đồng hồ thông minh theo dõi nhịp tim và huyết áp 24/7.
Mẹ tôi không thích đeo đồng hồ, nói rằng là "đeo cái này nặng tay", thế nên chỉ có bố tôi đeo. Chỉ vài hôm sau, bố đã khoe với tôi: "Nó báo bố đi ít quá, thế là mẹ con lại giục bố đứng dậy đi vài bước cho máu huyết lưu thông". Tôi cười, vì biết thiết bị này còn giúp tôi theo dõi từ xa – chỉ cần mở app là tôi thấy nhịp tim của bố ra sao, huyết áp có dao động nhiều không, lượng vận động trong ngày đạt chưa. Không phải loay hoay gọi điện hỏi bố mẹ từng chút nữa.
Đặc biệt nhất là thiết bị đo đường huyết không cần lấy máu - món quà tôi tìm hiểu kỹ nhất và mua dành tặng mẹ.
Với người tiểu đường như mẹ, mỗi lần đo đường huyết bằng kim chích là một lần ngại. Da mẹ mỏng, dễ bầm, lại hay quên không sát trùng kỹ. Giờ đeo đồng hồ này ở tay, mẹ đã biết chỉ số đường huyết của mình - và tôi cũng biết. Mỗi lần thấy đường huyết lên xuống thất thường, tôi lại nhắn: "Mẹ đừng ăn xoài nữa nhé, hôm trước vừa ăn xong là vọt lên 190 đấy". Mẹ cười bảo: "Biết rồi, sợ giám sát viên ở Hà Nội quá". Thế là từ người không thích đeo đồng hồ, mẹ lại "ngoan ngoãn" không từ chối chiếc này.
Chiếc đồng hồ này cũng đã vài lần cứu mẹ tôi khi mà chỉ số đường huyết của mẹ giảm bất ngờ. Ngay lúc được cảnh báo, bố mẹ tôi đã kịp thời xử lý, may mắn không có điều xấu xảy ra. Cũng chính vì điều này mà hàng xóm thường khen tôi "làm cho mẹ 1 việc kỳ cục mà hay ho, hiệu quả ra trò!".
Không những vậy, tôi cũng chọn loại có tích hợp cả các chức năng đo huyết áp, nhịp tim, lượng oxy trong máu... để theo dõi khi cần.
Mặc dù là thiết bị theo dõi đường huyết hay huyết áp, nhịp tim 24/7, nhưng để cẩn thận hơn, tôi vẫn bảo bố mẹ 3-5 ngày hoặc bất cứ khi nào thấy mệt thì cần kiểm tra đường huyết, huyết áp, nhịp tim bằng các máy chuyên dụng khác mà tôi đã mua.
Tôi không nghĩ những thiết bị nhỏ bé ấy lại tạo nên sự an tâm lớn đến vậy. Không chỉ cho tôi - đứa con luôn sống trong cảm giác tội lỗi vì không thể ở gần cha mẹ - mà còn cho chính bố mẹ tôi. Giờ đây, hai ông bà đã quen với việc "tự theo dõi sức khỏe", ghi chú chỉ số vào sổ, có vấn đề là chủ động báo bác sĩ gia đình. Những cơn chóng mặt bất chợt không còn đáng sợ như xưa, vì bố mẹ tôi đã biết khi nào nên nghỉ, khi nào cần uống thuốc, khi nào cần gọi người hỗ trợ.
Trên đây là những thiết bị mà tôi cảm thấy thiết thực nên đã mua cho bố mẹ. Với bất kì sản phẩm nào cũng có nhiều sự lựa chọn, vì vậy, nếu bạn cũng có ý định mua cho gia đình mình thì hãy lựa chọn sản phẩm phù hợp.
Tôi hiểu rằng, một "trạm y tế mini" không thay được bệnh viện, càng không thay được sự hiện diện của con cái bên cha mẹ mỗi ngày. Nhưng nó là điều thiết thực nhất tôi có thể làm lúc này – khi những trách nhiệm cuộc sống buộc tôi phải ở xa. Và mẹ, như bao người mẹ khác, chỉ cần biết con vẫn nghĩ về mình, vẫn lo cho mình, là đã mãn nguyện.
Ngày của Mẹ sắp đến, tôi không mua hoa, cũng chẳng đặt bánh kem. Tôi chỉ gửi về quê thêm một thiết bị nữa - ghế massage để bố mẹ được thư giãn nhiều hơn, giảm đau mỏi toàn thân. Kèm tờ giấy nhỏ tôi viết tay:
"Mẹ ơi, đây là món quà mới. Mong mẹ luôn mạnh khỏe để cùng bố sống vui bên nhau thật lâu. Với con, mẹ luôn là người phụ nữ mạnh mẽ và dịu dàng nhất!".
Chúng ta có thể không ở gần cha mẹ mỗi ngày, nhưng chúng ta có thể chăm sóc họ theo cách của mình. Một chiếc máy nhỏ, một cuộc gọi hcỏi thăm, một dòng tin nhắn nhắc mẹ uống thuốc - tất cả đều là sự quan tâm, là tình yêu gửi gắm lặng thầm.