Không phải Fansipan hay Mẫu Sơn, đến đỉnh núi này cũng có thể ngắm được băng giá: Cách Hà Nội hơn 200km

Thu Phương, Theo Tổ quốc 12:16 24/01/2024

Vào những đợt lạnh cao điểm, nhiệt độ giảm sâu, đỉnh núi này cũng thu hút lượng lớn du khách đến để ngắm băng tuyết, băng giá.

Miền Bắc nước ta đang trải qua chuỗi ngày của đợt rét nhất từ đầu mùa đông năm 2023 đến nay. Thời tiết rét đậm, rét hại đồng nghĩa với việc nền nhiệt sẽ giảm sâu. Trung tâm Dự báo khí tượng thủy văn cũng thông tin thêm, nhiệt độ thấp nhất những vùng núi cao thậm chí có nơi xuống dưới 0 độ. Lúc này, khả năng xuất hiện băng tuyết, băng giá sẽ là rất lớn.

Nhắc đến hiện tượng thời tiết này, du khách sẽ nhớ ngay tới đỉnh Fansipan - nóc nhà của Đông Dương hay Mẫu Sơn - nơi lạnh nhất Việt Nam. Tuy nhiên trên thực tế, cũng có một đỉnh núi khác ở miền núi phía Bắc, thu hút đông đảo du khách đến ngắm băng tuyết, băng giá vào những ngày rét đậm. Theo thông tin mới nhất được cập nhật, từ chiều ngày hôm qua 22/1, băng giá đã xuất hiện tại đây.

Đỉnh núi này mang cái tên "độc - lạ" mà nhiều người chưa hề nghe đến, nằm cách thủ đô Hà Nội hơn 200km. Đó là đỉnh Phia Oắc hay Phja Oắc, thuộc địa bàn huyện Nguyên Bình, tỉnh Cao Bằng.

Những hình ảnh băng giá xuất hiện trên đỉnh Phia Oắc, Cao Bằng, được chụp vào chiều 22/1 (Ảnh TH An Ninh Cao Bằng)

Đường đến Phia Oắc - "nóc nhà" phía Tây của Cao Bằng

Đỉnh Phia Oắc nằm trong Vườn Quốc gia Phia Oắc - Phia Đén, tỉnh Cao Bằng. Theo thông tin từ Trung tâm Văn hóa và Thông tin Du lịch tỉnh Cao Bằng, vùng núi Phia Oắc có địa hình phức tạp, chủ yếu là núi cao, độ dốc lớn và thung lũng nhỏ hẹp.

Đỉnh Phia Oắc là đỉnh có độ cao lớn nhất trong khu vực, 1931m. Bên cạnh đó là nhiều đỉnh khác nữa, độ cao cũng trung bình trên 1000m so với mực nước biển. Cũng bởi độ cao ấn tượng nên Phia Oắc được mệnh danh là “nóc nhà” phía Tây của Cao Bằng, hay “nóc nhà” thứ 2, bên cạnh “nóc nhà” thứ nhất là đỉnh Phja Dạ ở huyện Bảo Lạc, độ cao hơn 2000m.

Nếu xuất phát từ thủ đô Hà Nội, du khách sẽ phải di chuyển quãng đường khoảng 250km, mất hơn 5 giờ đồng hồ. Còn từ trung tâm thành phố Cao Bằng, quãng đường là khoảng 70km về phía Tây, mất hơn 1 giờ 30 phút.

Không phải Fansipan hay Mẫu Sơn, đến đỉnh núi này cũng có thể ngắm được băng giá: Cách Hà Nội hơn 200km - Ảnh 2.
Không phải Fansipan hay Mẫu Sơn, đến đỉnh núi này cũng có thể ngắm được băng giá: Cách Hà Nội hơn 200km - Ảnh 3.

Đỉnh Phia Oắc nằm ở độ cao 1931m, được coi là “nóc nhà” thứ 2 của Cao Bằng (Ảnh Lục Niên)

Vào dịp rét đậm hàng năm, ở Phia Oắc thường xuyên xuất hiện băng tuyết, băng giá. Thời điểm ở Phia Oắc xuất hiện nhiều băng tuyết nhất là vào năm 2016. Khi đó, không chỉ đỉnh Phia Oắc cao nhất, mà đa phần các đỉnh núi cao trong khu vực đều có băng tuyết. Trên đỉnh Phia Oắc, tuyết rơi dày tới 30-40cm.

Hay vào giữa tháng 2 năm 2022, nhiệt độ trên đỉnh xuống tới dưới -5 đến -7 độ C. Lúc này băng tuyết phủ kín đỉnh núi và các cành cây, từ đó tạo nên cảnh tượng vô cùng kỳ vĩ, thu hút nhiều du khách đến "săn" băng, "săn" tuyết.

Như đã nói ở trên, vào đợt rét đậm năm nay, ở Phia Oắc đã xuất hiện băng giá. Khi nền nhiệt tiếp tục giảm sâu, rất có thể khả năng sẽ có tuyết. Nếu du khách muốn tận mắt chứng kiến khung cảnh này, hoặc tự tay chạm vào băng tuyết trắng xoá, thì Phia Oắc là một điểm đến rất đáng để tham khảo, bên cạnh nhiều cái tên đã quen thuộc trước đó như đỉnh Fansipan (Lào Cai) hay đỉnh Mẫu Sơn (Lạng Sơn).

Với những ngày không có băng tuyết, nơi đây cũng được sương và mây mù bao phủ, tạo nên khung cảnh mờ ảo, được nhiều du khách nhận xét là như chốn "bồng lai tiên cảnh".

Không phải Fansipan hay Mẫu Sơn, đến đỉnh núi này cũng có thể ngắm được băng giá: Cách Hà Nội hơn 200km - Ảnh 4.

Vào mùa đông hay những đợt rét đậm hàng năm, đỉnh Phia Oắc thường xuyên xuất hiện băng tuyết, băng giá. Ảnh chụp vào năm tháng 2/2022 (Ảnh Hà Kim Cương - Cao Bằng Hóng)

Thăm “hòn ngọc ẩn mình” Vườn Quốc gia Phia Oắc - Phia Đén

Để chuyến hành trình thêm phần trọn vẹn, bên cạnh việc lên tới đỉnh Phia Oắc cao nhất để ngắm băng giá, băng tuyết, du khách đừng quên trải nghiệm tham quan, khám phá Vườn Quốc gia Phia Oắc - Phia Đén. Đây là khu rừng đặc biệt, nằm trong hệ thống Công viên Non nước Cao Bằng.

Trải dài trên địa bàn 5 xã thuộc huyện Nguyên Bình, tỉnh Cao Bằng, Vườn Quốc gia Phia Oắc - Phia Đén sở hữu cảnh quan thiên nhiên được phủ một màu xanh bởi thảm thực vật đa dạng, từ đó không khí cũng vô cùng trong lành.

Bên cạnh đó, hệ sinh thái động vật tại nơi đây cũng được đánh giá là vô cùng phong phú với gần 500 loài động vật có xương sống khác nhau, và hàng nghìn loài động vật không xương sống và côn trùng khác. Trong số đó, có cả những loài thuộc nhóm động vật quý hiếm, có tên trong Sách Đỏ Việt Nam. Chính bởi những yếu tố về động, thực vật như trên, Vườn Quốc gia Phia Oắc - Phia Đén được coi là khu bảo tồn được tỉnh Cao Bằng rất chú trọng.

Không phải Fansipan hay Mẫu Sơn, đến đỉnh núi này cũng có thể ngắm được băng giá: Cách Hà Nội hơn 200km - Ảnh 6.

Vườn Quốc gia Phia Oắc - Phia Đén sở hữu hệ sinh thái động, thực vật đa dạng và phong phú (Ảnh Tạp chí Điện tử Thiên nhiên và môi trường)

Ngoài chiêm ngưỡng những nét đẹp thiên nhiên, du khách cũng có thể ghé thăm những bản làng của người bản địa trong Vườn Quốc gia. Một số địa điểm khác có thể kể tới như những biệt thự, khách sạn cổ mang phong cách châu Âu của các công chức Pháp xưa, di tích đồn Khay Phắt, làng dệt thổ cẩm in sáp ong của dân tộc Dao Tiền, mỏ thiết Tĩnh Túc, đồi chè Koila, trang trại cá hồi...

Còn về ẩm thực, những món đặc sản du khách không thể bỏ lỡ gồm có phở chua Cao Bằng, bánh trôi, xôi trám, bánh chao...