Những ngày vừa qua, các tỉnh miền Bắc Bộ, Trung Bộ nước ta đã và đang chịu ảnh hưởng của đợt không khí lạnh mạnh tăng cường mùa đông năm 2023. Nhiệt độ các địa phương giảm sâu, trung bình đều dưới 20 độ C. Trong đó, những điểm vùng núi phía Bắc nhiệt độ xuống dưới 10 độ C, thậm chí chạm mốc gần 0 độ C, xuất hiện băng tuyết, băng giá.
Không chỉ ở "nóc nhà Đông Dương" Fansipan hay "nơi lạnh nhất Việt Nam" Mẫu Sơn, một điểm đến ngay gần thủ đô Hà Nội cũng là một trong những cái tên đã xuất hiện băng tuyết, băng giá, nhiệt độ chạm mốc 0 độ C vào mùa đông năm nay. Đó là chùa Đồng trên đỉnh Yên Tử, thuộc TP. Uông Bí, Quảng Ninh.
Theo thông tin trên Báo Công Thương, ghi nhận vào khoảng 8 giờ sáng ngày 23/12, băng giá, bắt đầu xuất hiện, phủ một lớp mỏng trên mái chùa. Bà Bùi Thị Kim Thủy, Giám đốc Trung tâm Truyền thông và Văn hóa TP. Uông Bí, tỉnh Quảng Ninh chia sẻ thêm, sáng cùng ngày, băng tuyết cũng đã xuất hiện tại khu vực này. Trước đó, vào ngày 22/12, các nhân viên Ban Quản lý Khu di tích và Rừng quốc gia Yên Tử có mặt trên khu vực chùa Đồng cũng cho biết, nhiệt độ tại địa điểm này đã xuống mức 0 độ C, kèm với gió to nên cực kỳ giá rét.
Băng giá xuất hiện trên chùa Đồng ghi nhận vào sáng 23/12 (Ảnh Báo Công Thương)
Nhiệt độ tại chùa Đồng trên đỉnh Yên Tử chạm mốc 0 độ C hôm 22/12 (Ảnh Nguyễn Hùng)
Chùa Đồng - ngôi chùa đạt kỷ lục châu Á
Chùa Đồng được xem là đích đến "cao nhất" cả về nghĩa đen và nghĩa bóng đối với mọi du khách, tăng ni Phật tử khi đến với khu danh thắng Yên Tử, Uông Bí, Quảng Ninh. Chùa nằm trên đỉnh cao nhất của dãy Yên Tử, ở độ cao 1068m so với mực nước biển. Chùa có tên gọi khác là Thiên Trúc Tự, cũng chính là ngôi chùa trên đỉnh núi được làm hoàn toàn bằng đồng lớn nhất châu Á.
Diện tích của chùa Đồng vào khoảng gần 20m2, nặng 70 tấn, dài 4,6m, rộng 3,6m và chiều cao từ cột nền tới mái là 3,35m. Kết cấu chính của chùa bao gồm duy nhất 1 gian với 4 cột trụ chính, mỗi cột nặng 1 tấn. Mái chùa có hình ngói mũi hài, mỗi viên ngói nặng khoảng 4kg. Trên mái còn có 4 đỉnh nhọn vươn ra 4 phía, tạo thành hiên.
Chùa Đồng nằm ở đỉnh cao nhất của núi Yên Tử, là ngôi chùa đồng lớn nhất châu Á (Ảnh MiA)
Theo tài liệu ghi lại, vào thời điểm Phật Hoàng Trần Nhân Tông tới Yên Tử và sau khi Ngài viên tịch, chùa Đồng chưa tồn tại. Song đến thế kỷ 17, thời hậu Lê, chùa bắt đầu được khởi dựng, làm bằng khung sắt, mái đồng, quy mô nhỏ như một khán thờ. Bên cạnh tượng Phật, chùa còn có khánh và chuông lớn, tất cả đều làm bằng đồng.
Trải qua nhiều thăng trầm của lịch sửa với nhiều "phiên bản" được xây dựng lại, đến năm 2006, chùa Đồng hiện nay chính thức được khởi công xây dựng lại theo thiết kế của Kiến trúc sư Trần Quốc Tuấn - Viện Bảo Tồn Di Tích, đúc toàn bộ bằng đồng. Cuối tháng 1 năm 2007, chùa được khánh thành, tọa lạc trên đỉnh cao nhất của núi Yên Tử.
Đến nay, chùa Đồng Yên Tử được coi là một biểu tượng của lịch sử và tín ngưỡng Phật giáo ở Việt Nam. Mỗi năm, khu danh thắng Yên Tử nói chung cũng như chùa Đồng nói riêng thu hút lượng lớn du khách, lên tới hàng triệu lượt. Đặc biệt vào dịp đầu xuân năm mới, từ tháng Giêng đến hết tháng 3 âm lịch - dịp có lễ hội chùa Yên Tử, lượng khách đến hành hương tại khu danh thắng còn đông hơn nữa.
Chùa Đồng thu hút đông đảo du khách, đặc biệt là vào dịp đầu năm mới, dịp lễ hội (Ảnh Tạp chí Thương hiệu và Công luận)
Đường hành hương tới ngôi chùa cao nhất Việt Nam
Như đã nói ở trên, chùa Đồng năm trên đỉnh núi ở độ cao 1068m so với mực nước biển. Đây cũng chính là vị trí cao nhất mà một ngôi chùa tọa lạc ở Việt Nam.
Để lên đến chùa Đồng, trước kia du khách chỉ có duy nhất con đường là leo bộ qua hàng nghìn bậc đá cheo leo, đường rừng hiểm trở. Quãng đường dài khoảng 6km, thời gian hành hương đường bộ mất khoảng 5 giờ đồng hồ. Tuy nhiên giờ đây du khách đã có thêm lựa chọn đó là đi cáp treo, từ đó tiết kiệm được thời gian và công sức hơn nhiều. Từ trên cáp treo, du khách có thể phóng tầm mắt ngắm nhìn toàn bộ khung cảnh núi rừng bao la, hùng vĩ bên dưới. Khi xuống cáp treo, du khách chỉ cần đi bộ thêm một đoạn là đã tới được đỉnh non thiêng Yên Tử và chùa Đồng.
Du khách hành hương đường bộ lên chùa Đồng Yên Tử (Ảnh Along Walker)
Du khách giờ đây có thể chọn đi cáp treo để tiết kiệm thời gian và công sức hơn (Ảnh Legacy Yên Tử)
Tới nơi, nhiều du khách phải trầm trồ bởi khung cảnh bốn bề bao quanh bởi mây mù ở chùa Đồng. Được xây dựng với diện tích nhỏ nên du khách chỉ có thể đứng từ bên ngoài cửa chùa rồi vái vào bên trong. Theo chia sẻ của nhiều Phật tử thường xuyên hành hương tới Yên Tử, tới chùa Đồng, có một hành động được mọi người truyền tai nhau là sẽ giúp đem lại sự may mắn đó là chạm tay vào chùa hoặc dùng tiền xoa lên chùa.
Bên cạnh chùa Đồng, đến với khu danh thắng Yên Tử, du khách cũng không nên bỏ lỡ những điểm đến khác nữa để hành trình chinh phục thêm phần trọn vẹn. Có thể kể tới như Thiền viện Trúc Lâm Yên Tử, Cổng trời bia Phật, Rừng quốc gia Yên Tử, Chùa Giải Oan, Suối Giải Oan, Tháp Tổ Huệ Quang, Chùa Hoa Yên, Chùa Một Mái, Chùa Bảo Sái hay Tượng Phật Hoàng Trần Nhân Tông...
Khung cảnh huyền ảo, mây mù bao quanh như chốn bồng lai tiên cảnh ở chùa Đồng Yên Tử (Ảnh MiA)
Quần thể danh thắng Yên Tử còn nhiều điểm đến nữa để du khách tới tham quan (Ảnh Báo Quảng Ninh)
Một số lưu ý khác dành cho du khách khi tới khu danh thắng Yên Tử:
- Mặc trang phục thoải mái, kín đáo, đi giày thể thao chắc chắn bởi nhiều quãng đường phải đi bộ, có những quãng đường khó đi, đường núi dốc
- Hạn chế mang theo nhiều đồ đạc cồng kềnh
- Có thể mang theo nước ống, đồ ăn nhẹ
- Sắp xếp lịch trình ghé thăm các điểm đến phù hợp