Cuộc khảo sát lần này nhằm mục đích làm rõ cấu trúc tiền sảnh, đường vào, quy mô, kết cấu hai tòa tháp chính.
Làm rõ cấu trúc hai tòa tháp chính và hệ thống tường bao
Từ những kết quả khai quật đợt 1 vào năm 2024, đoàn khảo cổ của Bảo tàng Lịch sử Quốc gia phối hợp với Sở Văn hoá và Thể thao thành phố Huế tiếp tục thực hiện đợt khai quật lần 2 tại Tháp đôi Liễu Cốc.
Trong đợt khảo cổ lần này, 2 hố khai quật (tổng diện tích 60m²) đã được mở tại phía đông tháp Bắc và khu vực phía bắc và đông của tháp Nam, nhằm làm rõ cấu trúc tiền sảnh, đường vào, quy mô, kết cấu hai tòa tháp chính. Đồng thời, hai hố thám sát (tổng diện tích 6m²) được bố trí ở phía bắc tháp Bắc và phía nam tháp Nam cũng đã xác định được vị trí, khoảng cách và một phần cấu trúc của hệ thống tường bao.
Đợt khai quật thu được số lượng di vật rất lớn, với 9.380 tiêu bản và mảnh hiện vật.
Kết quả khảo cổ đã xác định rõ mặt bằng, quy mô, kết cấu toàn bộ kiến trúc tháp Bắc và một phần mặt bằng tháp Nam.
Đặc biệt, đợt khai quật thu được số lượng di vật rất lớn, với 9.380 tiêu bản và mảnh hiện vật. Trong đó, nổi bật là 8.866 tiêu bản vật liệu kiến trúc, gồm 8.806 mảnh gạch, vật liệu chủ đạo xây dựng tháp.
Gạch được nung già, có màu đỏ, lõi xám đen, độ cứng cao, kích thước phổ biến dài 28–31 cm, dày 5,5–6,5 cm. Quá trình xây dựng thể hiện kỹ thuật cắt, mài gạch rất tinh xảo để phù hợp với các vị trí khác nhau: từ thân tường, mái, móng đến các ô hộc, góc tháp.
Bên cạnh đó, còn phát hiện 30 mảnh ngói đỏ nhạt, mũi tròn, đuôi bẻ vuông góc, chủ yếu tập trung giữa tiền sảnh hai tháp cho thấy khả năng tồn tại của bộ mái ngói ở khu vực này.
Các hiện vật trong cuộc khai quật lần thứ 2 được trưng bày, giới thiệu đến giới nghiên cứu.
Trang trí kiến trúc chủ yếu được tìm thấy ở đợt này là các hình đầu bò Nandin bằng đá sa thạch xám vàng. Tổng cộng có 64 mảnh hiện vật liên quan đến trang trí đầu bò, trong đó có 3 hiện vật nguyên dáng, phần lớn là mảng đầu, bờm và chốt cắm vào góc tháp. Ngoài ra, còn tìm thấy một tiêu bản trang trí bằng đất nung với hình dáng được tạo tác kỹ lưỡng, cho thấy sự đa dạng về chất liệu và kỹ thuật chế tác.
Di vật đá cũng rất đáng chú ý, gồm 04 mảnh chóp tháp (có dấu mộng, cạnh bát giác), 07 mảnh bia ký bằng đá sa thạch có khắc chữ Phạn niên đại thế kỷ X, cùng 28 mảnh đá chưa xác định, 02 mảnh nghi là từ bệ Yoni và 01 mảnh nghi từ Linga, 05 viên thạch anh và 89 mảnh tước đá. Đặc biệt, có đầu tượng Phật bằng đá phiến xám tím – phù điêu tạo tác một mặt, niên đại thế kỷ X–XI. Đây là những tư liệu quý giá, phản ánh tín ngưỡng đa dạng tại khu di tích.
Về đồ gốm, đoàn khảo cổ thu thập được hàng trăm mảnh vỡ: 114 mảnh gốm men Việt Nam (thế kỷ XIV–XIX), 187 mảnh đồ sành, 6 mảnh đất nung, 153 mảnh gốm men Việt cổ, và cả đồ sứ Trung Quốc (thế kỷ X–XIX). Đáng chú ý, có 3 chiếc bình vôi gốm Phước Tích (thế kỷ XVI–XVIII), trong đó 2 chiếc còn khá nguyên vẹn. Ngoài ra, khai quật còn ghi nhận 10 mảnh kim loại đồng tuy chưa xác định rõ chức năng.
Gợi mở không gian bảo tàng văn hóa Champa ở Huế
Trước đó, đợt thăm dò, khai quật năm 2024 của đoàn khảo cổ cũng đã thu được một khối lượng di vật đáng kể, gồm: 50 mảnh đá điểm góc, trang trí hình đầu bò (trong đó có 3 hiện vật nguyên dáng, 10 mảng đầu bò, 2 mảnh miệng/mũi bò, 22 mảnh bờm và 13 mảnh chốt); 05 tiêu bản hiện vật đá, gồm 01 đầu tượng Phật và 04 mảnh bia ký.
Kết quả khảo cổ đã xác định rõ mặt bằng, quy mô, kết cấu toàn bộ kiến trúc tháp Bắc và một phần mặt bằng tháp Nam.
Hiện vật đặc biệt trong đợt khảo cổ lần đầu là đầu tượng có dạng phù điêu, tạo tác một mặt từ đá phiến màu xám tím, thể hiện đầu tượng Phật, niên đại thế kỷ X - XI; 3 mảnh mặt bia, khắc chìm chữ Phạn cổ (các chuyên gia giám định phong cách chữ xác định niên đại thế kỷ X), 01 mảnh diềm bia; đồ gốm được tìm thấy với nhiều loại hình, chất liệu, như: gốm thô (03 mảnh, thế kỷ IX - X), đồ đất nung (80 mảnh), đồ sành (437 mảnh, trong đó có 03 chiếc bình vôi của lò gốm Phước Tích, thế kỷ XVI - XVIII còn tương đối nguyên vẹn); đồ gốm men Việt Nam (153 mảnh, niên đại kéo dài từ thế kỷ XIV - XIX), đồ sứ Trung Quốc (thế kỷ X - XIX) cùng nhiều vật liệu gạch, ngói có giá trị nghiên cứu và trưng bày.
Di vật đá cũng rất đáng chú ý, gồm 04 mảnh chóp tháp (có dấu mộng, cạnh bát giác).
Qua hai đợt khai quật, dù diện tích còn hạn chế, đoàn khảo cổ bước đầu xác định được mặt bằng tổng thể của tháp Bắc, một phần tháp Nam và hệ thống tường bao phía bắc, nam, đông. Tuy nhiên, cấu trúc tổng thể của đền tháp Nam vẫn chưa rõ ràng, chưa xác định được dấu vết tháp cổng của tháp Nam, khả năng tồn tại của nhà bia, tháp hỏa, nhà dài hay tiền đường ở phía ngoài, cũng như hệ thống tường bao phía tây và đường nội bộ bên trong di tích.
Mặt sau của Tháp đôi Liễu Cốc.
Điều đặc biệt, Tháp đôi Liễu Cốc được xác định là di tích duy nhất ở Việt Nam và trên thế giới có đến hai đền tháp chính nằm song song, trong khi các cụm tháp Champa thường chỉ có 01 hoặc 03 tháp chính. Toàn bộ tổ hợp kiến trúc nằm trên gò đất phù sa thấp, gần sông Bồ, được bao bọc bởi hệ thống tường phân định khu trung tâm và vùng ngoại vi, với cổng vào qua kiến trúc tháp Cổng.
Từ giá trị đặc biệt ấy, đoàn khảo cổ kiến nghị cần tiếp tục mở rộng diện tích khai quật, đồng thời sớm triển khai các hoạt động bảo tồn tổng thể: xây dựng nhà mái che cho hai tháp chính, bảo tồn kết cấu tháp gạch, làm sạch mặt bằng, phục dựng cảnh quan, lập hồ sơ thuyết minh giá trị di tích.
2 bình vôi được tìm thấy trong đợt khảo cổ lần thứ 2 ở Tháp đôi Liễu Cốc.
Một đề xuất đáng chú ý là nghiên cứu thành lập không gian văn hóa đặc thù hoặc một bảo tàng Champa ngay tại khu vực Liễu Cốc nhằm tập trung trưng bày, quảng bá các di vật Champa mà Huế đang sở hữu.
Việc hình thành một không gian như vậy sẽ không chỉ bảo tồn hiệu quả di sản vật thể, mà còn góp phần tạo điểm nhấn du lịch - văn hóa cho phường Kim Trà mới thành lập và cả thành phố di sản Huế. Trong bối cảnh hệ thống di tích Champa này vẫn còn ít được biết đến, Tháp đôi Liễu Cốc hoàn toàn có thể trở thành trung tâm nghiên cứu, bảo tồn và giới thiệu các giá trị độc đáo của văn hóa Champa tại miền Trung.