Mang thai 38 tuần, người phụ nữ 33 tuổi, ở Quảng Ninh đau tức hạ vị từng cơn, đau tăng dần. Sau thăm khám phát hiện tim thai có dấu hiệu bất thường, cao tử cung 31cm, vòng bụng 97cm, cơn co tử cung thưa nhẹ, cổ tử cung còn dài đóng kín, ngôi đầu, ối còn.
Bác sĩ, kíp gây mê nhanh chóng hội chẩn, quyết định phẫu thuật lấy thai. Khi lấy em bé ra khỏi bụng mẹ, các bác sĩ rất bất ngờ thấy trẻ bị dây rốn thắt nút chặt ở tay và quấn quanh người. Bác sĩ nhanh chóng tháo xoắn cho trẻ thoát khỏi nguy hiểm. Trẻ chào đời an toàn, khỏe mạnh, nặng 2,9kg.
Theo bác sĩ Mai Thành Nam, Trung tâm Y tế Thị xã Quảng Yên, tỉnh Quảng Ninh, dây rốn là sự sống của thai nhi vì nó vận chuyển oxy và dinh dưỡng từ nhau thai tới bào thai. Tuy nhiên nếu dây rốn thắt nút lại sẽ ảnh hưởng thai nhi, gây mất tim thai. Mặc dù ảnh hưởng lớn nhưng hiện nay, việc chẩn đoán dây rốn thắt nút lại cực kỳ khó khăn, thường chỉ chẩn đoán được sau khi sinh.
Trường hợp dây rốn bị thắt nút chặt vô cùng nguy hiểm, dẫn tới hệ tuần hoàn của bé bị cản trở, làm cho bé không được cung cấp lượng oxy và dinh dưỡng cần thiết dẫn đến thiếu máu não, bại não, thậm chí thai nhi tử vong ngay trong quá trình mang thai hoặc khi chuyển dạ đẻ.
Các thai phụ cần chủ động khám thai định kỳ và quản lý thai nghén chặt chẽ để có thể phát hiện sớm tình trạng sức khỏe và tầm soát các dị tật của thai nhi. Nếu được bác sĩ thông báo thai nhi bị dây rốn quấn cổ từ sớm trong thai kỳ, thai phụ không nên quá lo lắng hay hoảng sợ.
Tình trạng dây rốn quấn cổ thai nhi có thể biến mất ngay sau đó hoặc trước khi em bé được sinh ra đời. Nếu các bác sĩ nhận thấy rằng tình trạng dây rốn quấn cổ có thể gây nguy cơ cho thai nhi hay quá trình sinh nở, thai phụ sẽ theo dõi chặt chẽ để đề phòng biến chứng.
Nếu thai nhi có các dấu hiệu bất thường như quẫy đạp mạnh hoặc không thấy thai đạp ở những tuần cuối, thai phụ cần phải đến cơ sở y tế gần nhất hoặc có chuyên khoa sản để được thăm khám và tư vấn sớm.