Không chắt bóp từ giờ thì khỏi về quê ăn Tết

Nguyệt , Theo Phụ nữ mới 00:01 13/10/2024
Chia sẻ

Với nhiều người sống xa quê, tiền mua vé máy bay về ăn Tết luôn là nỗi “ám ảnh”.

“Chỉ những người sống xa quê mới hiểu cảm giác ‘xót tiền’ khi đặt vé máy bay về quê ăn Tết”, là lời chia sẻ của Phạm Duy (25 tuổi) khi tính toán cho hành trình về quê ăn Tết, dù còn hơn 3 tháng nữa là mới đến Tết Nguyên đán 2024.

Tết Nguyên đán đang cận kề. Bên cạnh sự háo hức thì nhiều người sống xa quê cũng đau đầu vì các khoản chi phí chuẩn bị cho những ngày cuối năm. Trong số đó, mua vé máy bay là khoản chi tiêu tốn kém bậc nhất, đặc biệt với những gia đình có đông thành viên.

“Đi làm vất vả cả năm, nhìn giá vé máy bay vẫn thấy buồn”

Phạm Duy cho hay, hiện cậu bạn tính 2 cặp vé khứ hồi cho hai mẹ con ở chặng TP.Hồ Chí Minh - Vinh là 15 triệu đồng. Số tiền này gần bằng 1 tháng tiền lương của Duy. Để tiết kiệm chi phí, Duy chọn đặt vé máy bay sớm để có được mức giá phù hợp, tuy nhiên do chưa có lịch nghỉ Tết Nguyên đán nên cậu bạn vẫn còn chần chừ.

Anh chàng chia sẻ: “Lương trung bình tầm 20 triệu/tháng thì tiền vé máy bay đã gần chiếm gần hết. Mà tiền vé máy bay chỉ chiếm một phần trong các khoản chi tiêu cho dịp Tết Nguyên đán. Trong năm ngoái, mình chi 30 triệu đồng cho mùa Tết. Thu nhập không bao giờ thấy tăng nhưng giá vé máy bay năm nào cũng cao hơn năm ngoái. Đi làm mà mình áp lực vì tiền di chuyển ngày Tết”.

Không chắt bóp từ giờ thì khỏi về quê ăn Tết- Ảnh 1.

Ảnh minh hoạ

Cùng chung nỗi niềm vì gánh nặng chi phí di chuyển dịp Tết Nguyên đán sắp tới là gia đình anh Trung (32 tuổi, TP.HCM). Anh chia sẻ từ khi sinh con, năm nào vợ chồng anh cũng phải bàn trước có về quê ăn Tết Nguyên đán không. Nguyên nhân chủ yếu vì chi tiêu cho ngày Tết tốn kém, mà giá vé máy bay chiếm trọng số lớn trên tổng chi phí này.

Hàng năm, gia đình anh Trung tốn 30 triệu cho vé máy bay để di chuyến về quê dịp Tết của gia đình 4 người trong 10 ngày. Do đó, vì nhiều lý do gây sức ép lên tài chính như vợ chồng làm ăn khó khăn, cần tiền cho những khoản chi tiêu khác hay giá vé máy bay tăng quá cao,... họ sẽ chọn ở lại TP.HCM và về quê vào dịp khác.

Với những người sống xa quê như anh Trung, tiền mua vé máy bay về ăn Tết luôn là nỗi ám ảnh. Anh nhận định: “Đi làm vất vả cả năm nhưng nhìn vé máy bay mình vẫn thấy buồn. Năm nào mình cũng trăn trở không biết là có làm đủ tiền để về ăn quê được hay không.

Quả thật với người từ miền Bắc vào Nam làm ăn thì với mức lương cơ bản, ngoài nuôi con, chi trả tiền tiêu hàng ngày thì kiếm đủ tiền mua vé máy bay là thách thức không nhỏ. Biết là năm nào giá vé cũng cao nhưng mình phải cố gắng để kiếm đủ mà còn về quê ăn Tết”.

Cắt giảm chi tiêu để chuẩn bị tiền đón Tết

Duy cho hay, sau khi đặt vé máy bay thì chắc hẳn đã mất một khoản không nhỏ trong quỹ tiết kiệm. Do đó, từ giờ cậu bạn hạn chế tiêu xài hết mức có thể để lo nốt những khoản chi tiêu cho Tết Nguyên đán khác.

Anh chàng chia sẻ: “Nếu mình quan niệm chờ lương thưởng Tết rồi mới tính toán chi tiêu thì sẽ không đủ tiền. Mình đã dự trù những khoản tiêu Tết, để ra một khoản lo chúng từ đầu năm. Còn thiếu bao nhiêu thì mỗi tháng mình bớt uống nước, mua đồ linh tinh là có đủ tiền bù vào. Nhìn chung, khoản tiêu Tết thì nhiều nhưng khó có thể cắt giảm vì đó là ngày lễ, một năm mới có một lần”.

Không chắt bóp từ giờ thì khỏi về quê ăn Tết- Ảnh 2.

Ảnh minh hoạ

Còn với vợ chồng Trung, họ nhận định chi tiêu Tết trước hết sẽ tốn một khoản không nhỏ tiền thưởng và lương tháng cuối năm của hai vợ chồng. Càng gần Tết Nguyên đán thì cặp đôi càng cố gắng để tiết kiệm và suy nghĩ kỹ càng trước khi mua sắm. Họ dự định tranh thủ mua một số món đồ từ sớm (quần áo, đồ gia dụng),... vì nếu không mà phải mua vào đúng dịp Tết, mức giá sẽ bị đẩy lên rất nhiều.

“Với gia đình có con nhỏ thì không thể đợi cuối năm mới tính toán chuyện tiêu Tết. Hàng tháng, mình luôn trích 20-30% thu nhập cho quỹ tiết kiệm. Đến cuối năm, thì tiền lương thưởng cộng thêm trích từ quỹ này sẽ dùng để mua sắm, lì xì, đi chơi,... cho dịp Tết Nguyên đán. Trong năm, nếu có thể nhận thêm công việc tối thì hai vợ chồng cũng gắng làm để có thêm tiền tiêu vào dịp quan trọng, Tết âm lịch là một trong số đó.

Vợ chồng mình luôn nói Tết là dịp xả tiền. Làm cả năm cũng chỉ đủ chi tiêu của vài ngày Tết. Nhưng dù có than thì mình vẫn hiểu Tết là dịp quan trọng để đoàn viên. Chi tiêu cho ngày Tết luôn cao chót vót và mua vé máy bay là một trong số đó. Do đó, điều mình có thể làm chỉ là cố gắng kiếm càng nhiều càng tốt, cân đối ngân sách và mua sắm tiết kiệm để đủ tiền về quê ăn Tết”, Trung bày tỏ.

TIN CÙNG CHUYÊN MỤC
Xem theo ngày