Tôi mua nhà ở tuổi 25. Không phải để đầu tư. Không phải vì chán ở thuê. Cũng không vì chạy theo cuộc đua sở hữu tài sản. Tôi mua vì thấy bài toán tài chính này có thể giải được nếu tôi tính kỹ.
Lúc đó tôi có khoảng 500 triệu tích luỹ, cộng thêm gia đình hỗ trợ một phần. Với thị trường thời điểm đó, tôi đủ để vay ngân hàng khoảng 1,1 tỷ cho một căn hộ vừa đủ sống. Tôi chọn lãi suất cố định 2 năm đầu, sau đó thả nổi. Tính theo bảng chi tiết, mỗi tháng trả góp khoảng 10-11 triệu cả gốc lẫn lãi.
Tôi so với chi phí ở thuê lúc đó: một căn studio gần chỗ làm khoảng 7 triệu/tháng, chưa kể tiền điện nước, gửi xe, chi phí phát sinh. Trên giấy tờ, mua nhà đắt hơn. Nhưng tôi chấp nhận vì thấy nó đáng để đánh đổi.
Ảnh minh hoạ
Căn nhà tôi chọn không ở trung tâm, không cao cấp, không có hồ bơi, không có phòng gym. Nhưng nó yên tĩnh, gần nơi làm việc và quan trọng nhất: nằm trong khung tài chính của tôi sau khi trừ hết các khoản chi tiêu thiết yếu mỗi tháng.
Tôi không phủ nhận ở thuê vẫn là lựa chọn hợp lý nếu bạn linh hoạt, chưa ổn định công việc hoặc muốn đầu tư tiền vào thứ khác. Nhưng tôi chọn neo lại. Vì tôi biết mình không phải người giỏi chịu cảnh di chuyển liên tục. Và tôi không chắc 5 năm nữa mình có thể mua được căn hộ tương tự với mức thu nhập này.
Không có cú hích nào từ bên ngoài. Chỉ là bản thân tôi không muốn ở mãi trạng thái lưng chừng. Một phần cũng vì tôi là kiểu người thích biết mình đang trả nợ cho cái gì. Với căn nhà, ít nhất tôi biết: sau 10 năm, tôi có một thứ thuộc về mình. Ở thuê thì mỗi tháng tiền vẫn ra, nhưng không để lại dấu vết gì ngoài hoá đơn và những cuộc chuyển trọ.
Ảnh minh hoạ
Dù vậy, tôi vẫn cân nhắc kỹ. Trước khi ký hợp đồng vay, tôi tự làm 3 bài tập nhỏ:
- Tính tỷ lệ trả nợ/thu nhập: Đảm bảo tiền trả góp mỗi tháng không vượt quá 40% thu nhập ròng
- Xây quỹ 6 tháng sống không lương: Dù mua nhà, tôi vẫn giữ 1 khoản tương đương 6 tháng chi tiêu để không bị cháy túi nếu có biến cố
- Dự phòng lãi suất tăng sau năm thứ hai: Tôi không lấy mức lãi thấp ban đầu để tự an ủi. Tôi giả định lãi tăng 3%, vẫn phải đủ sức trả
Tôi không nói mình giỏi tài chính. Nhưng tôi nghiêm túc với nó. Và mua nhà buộc tôi phải nghiêm túc hơn nữa. Trước đây tôi tiêu khá cảm tính. Sau khi mua, mọi thứ thay đổi. Từ chi tiêu cá nhân đến các khoản chi nhỏ trong tháng, tôi đều tracking. Vì tôi không muốn một đêm đẹp trời, tài khoản còn đúng 2 triệu mà còn 15 ngày nữa mới lương về.
Ảnh minh hoạ
Thỉnh thoảng tôi vẫn thấy mệt. Có tháng phải cắt luôn cả tiền cafe, tiền mua sắm linh tinh để trả cho phí bảo trì, quỹ chung cư. Có lúc bạn bè đi du lịch, tôi ở nhà xem lại file Excel tài chính. Nhưng tôi không thấy hối hận. Vì ít nhất, tôi hiểu mình đang trả nợ cho điều gì. Tôi không trả cho những thứ phù phiếm. Tôi trả cho một không gian có thật, nơi tôi sống, ngủ, nghỉ, và yên tâm mỗi ngày.
Bài học lớn nhất khi mua nhà không phải là về bất động sản, mà là về dòng tiền cá nhân. Bạn bắt buộc phải biết mình đang tiêu cái gì, tiêu bao nhiêu, và có đủ tiền để chống lại những tháng thất thường không. Mua nhà khiến bạn không thể sống cẩu thả nữa. Và với tôi, đó là một cú chuyển trạng thái tài chính đáng giá.