Mua nhà - câu chuyện tưởng đâu đó xa xôi lắm, từng được gắn với "người lớn" giờ đây lại trở thành nỗi trăn trở của một bộ phận Gen Z. Bên cạnh những người trẻ chọn cuộc sống linh hoạt, không ràng buộc bởi tài sản lớn thì vẫn có rất nhiều người đang âm thầm lên kế hoạch tài chính dài hạn, để không bị trôi giữa dòng tăng giá nhà phi mã.
Một căn chung cư 55m² tại Hà Nội, năm 2018 chỉ khoảng 1,5 - 1,8 tỷ, thì đến 2025 có thể đã gấp đôi, gấp ba. Chưa kể nội thất, thuế má, phí bảo trì… tất cả khiến nhiều người nhận ra chậm một bước thôi, giấc mơ có nhà riêng sẽ bị đẩy lùi đến vô hạn.
Với người trẻ ngày nay, mua nhà không chỉ để ở.
Bởi vậy, thay vì đợi "đủ tiền rồi tính", Gen Z thực tế hơn. Mua nhà không chỉ là để ở, mà còn là cách giữ tài sản trong thời lạm phát. Với họ, đây không phải quyết định cảm tính, mà là một dự án dài hơi, đòi hỏi tính toán dòng tiền, nắm được lãi suất, thậm chí có cả “plan B” phòng rủi ro.
Chung cư mất giá trong lòng Gen Z?
Trong suốt một thời gian dài, chung cư là phương án lý tưởng cho người trẻ: tiện nghi, giá "dễ thở" lại nằm gần trung tâm. Nhưng gần đây, có thể họ đã nghĩ khác khi giá tăng quá nhanh. Chung cư không còn mặc định là "best choice". Nhiều người trẻ chọn hướng đi ngược: tìm đến nhà đất vùng ven, vừa có đất tích luỹ, vừa thoát khỏi ràng buộc từ chủ đầu tư.
"Cùng là 3 tỷ, mình có thể mua một mảnh đất nhỏ kèm nhà cấp 4 ở vùng ven. Vừa có đất để tích luỹ, vừa không bị phụ thuộc vào phí quản lý hay hạn sử dụng như chung cư", - Tuấn Minh (24 tuổi) chia sẻ.
Với nhóm này, "có đất" đồng nghĩa với cảm giác sở hữu thật. Chung cư có thể đẹp, tiện nghi nhưng lại đi kèm vô số ràng buộc: phí bảo trì, nguy cơ pháp lý, và đặc biệt là hạn sử dụng thường chỉ 50 năm. Trong khi đó, nhà đất tuy nhỏ, xa nhưng lại dễ sửa chữa, nâng cấp và đặc biệt dễ thanh khoản ở một số khu vực. Xu hướng "bỏ phố về ven" không còn là trào lưu, mà đang thành chiến lược sống. Nhất là với những người làm việc từ xa, không bị ràng buộc bởi việc phải cắm chốt giữa thành phố.
Xu hướng "bỏ phố về ven" không còn là trend, mà đang thành chiến lược sống của nhiều Gen Z.
"Mình làm việc online là chủ yếu, chỉ lên trung tâm vài lần mỗi tháng nên mua nhà ngoại ô vừa thoải mái vừa tiết kiệm được cả tỷ đồng. Cách trung tâm 20 - 30km nhưng đi đường cao tốc cũng chỉ mất 30 phút", - Đức Thắng (24 tuổi) hiện đang làm freelancer cho biết.
Cùng với sự phát triển của hạ tầng, những căn nhà xa trung tâm đang trở nên hợp lý hơn bao giờ hết, không chỉ về giá mà còn về chất lượng sống.
Ưu tiên vị trí hay diện tích?
Không phải Gen Z nào cũng chọn sống vùng ven. Với những người làm full-time, hay có lịch di chuyển dày đặc, sống gần trung tâm vẫn là lựa chọn tối ưu dù phải đánh đổi diện tích, sân vườn, thậm chí ban công.
"Mình làm việc full-time tại công ty, về trễ, hay đi gặp khách nên sống gần trung tâm vẫn là ưu tiên. Dù nhà nhỏ, không có sân ban công gì cả, nhưng bù lại đi bộ ra công viên, cửa hàng tiện lợi, trạm xe bus đều trong bán kính 300m. Vẫn ổn!", - Anh Đức (25 tuổi) chia sẻ.
Không phải Gen Z nào cũng chọn sống vùng ven do đặc thù công việc, sở thích,...
Trong nội thành, lựa chọn phổ biến với Gen Z hiện nay là căn studio diện tích 25 – 30m², hoặc các căn hộ cũ cần cải tạo. Một số thì thuê chung cư mini, nhà cũ trong hẻm nhỏ. Có người thậm chí rủ bạn thân hoặc người yêu góp tiền mua chung để chia gánh nặng tài chính. Không nhất thiết phải quá sang xịn, chỉ cần thuận tiện, an toàn và hợp túi tiền.
Vay vài tỷ không đáng sợ, sợ là không biết tính toán
Nếu như thế hệ trước thường sợ nợ như sợ dây xích thì Gen Z lại có góc nhìn rất khác: vay vốn không xấu, vấn đề là vay thông minh hay không. "Không ai đợi đủ 100% tiền mới dám mua nhà. Với mình, mình đặt ra giới hạn: chỉ vay tối đa 50% giá trị tài sản và luôn có khoản dự phòng cho ít nhất 6 tháng trả góp", - Hà Trang (25 tuổi) chia sẻ.
Không chỉ có Hà Trang, nhiều Gen Z khác thay vì sợ nợ cũng đang dần xem vay vốn là công cụ tài chính thông minh giúp họ sở hữu nhà sớm hơn vài năm thay vì chờ "đủ tiền rồi mới mua". Điều quan trọng là phải kiểm soát được dòng tiền, hiểu rõ lãi suất và rủi ro đi kèm.
Nhiều người trẻ coi vay vốn là một công cụ tài chính thông minh.
So với thế hệ trước, người trẻ ngày nay có khả năng tiếp cận thông tin nhanh và đa kênh hơn. Họ có xu hướng tìm hiểu kỹ về các hình thức vay phổ biến như lãi suất cố định, lãi suất thả nổi, phân tích các gói hỗ trợ từ ngân hàng, thậm chí so sánh cả ưu đãi từ chủ đầu tư.
Với họ, mua nhà không còn là một hành động cảm tính mà là một dự án cá nhân cần phân tích như startup. Phải có dòng tiền ổn định, có "plan B" nếu mất thu nhập, có mục tiêu rõ ràng về thời gian hoàn tất nợ vay và cách quản lý rủi ro.
"Nhiều người cứ nghĩ vay là khổ. Nhưng nếu không tận dụng được khoản vay hợp lý trong lúc còn trẻ, có thu nhập đều, thì càng về sau càng khó sở hữu nhà. Mỗi tháng mình trả góp như một hình thức tiết kiệm cưỡng bức, mà kết quả là mình có nhà riêng", - Hoàng Minh (27 tuổi) cho biết.
Các tiêu chí "vàng" khi chọn nhà của một bộ phận Gen Z
Giữa hàng tá lựa chọn, Gen Z hiện nay có cách chọn nhà rất thực tế và linh hoạt:
- Phù hợp tài chính: Không chọn cái "xịn nhất", mà chọn cái vừa túi tiền nhất. Ưu tiên thanh toán an toàn, không quá áp lực.
- Vị trí hợp lý: Không cần ở trung tâm, nhưng phải có giao thông thuận tiện, gần tiện ích cơ bản như chợ, trường học, bệnh viện.
- Pháp lý rõ ràng: Sổ đỏ/sổ hồng đầy đủ, tránh mua đất không giấy tờ hay dự án đang tranh chấp.
- Không gian sống phù hợp: Ưu tiên nơi yên tĩnh, sạch sẽ, có thể cải tạo hoặc nâng cấp sau này.
- Tiềm năng đầu tư: Dù để ở hay cho thuê, Gen Z cũng nghĩ xa đến chuyện căn nhà sẽ tăng giá hay dễ bán lại trong tương lai.
Trong khi nhiều người vẫn nghĩ Gen Z chỉ biết "chill" thì thế hệ này đang dần chứng minh điều ngược lại: họ có kế hoạch, có chiến lược và đầy tính toán. Mua nhà với Gen Z không còn là câu chuyện viển vông hay "chuyện người lớn", mà là một phần trong hành trình trưởng thành, đầy chủ động và bản lĩnh.