Không biết giải thích với nước ngoài thế nào là "trường đại học trong đại học"

Hà Cường/VTC News, Theo VTC News 20:57 14/05/2025
Chia sẻ

Khi làm việc với đối tác nước ngoài, lãnh đạo nhiều cơ sở giáo dục đại học gặp khó khăn trong việc giải thích mô hình "trường đại học trong đại học" là gì.

Băn khoăn trên được đại diện nhiều trường đại học chia sẻ tại tọa đàm đóng góp ý kiến vào dự Luật Giáo dục đại học (sửa đổi) diễn ra hôm nay (14/5).

Theo báo cáo đánh giá tác động của chính sách Luật Giáo dục đại học (sửa đổi), Luật Giáo dục đại học hiện hành quy định về tổ chức đại học có trường đại học thành viên (mô hình 2 cấp) có nhiều bất cập, đặc biệt khi thực hiện cơ chế tự chủ.

Ông Vũ Hoàng Linh, Chủ tịch hội đồng trường Đại học Khoa học Tự nhiên (Đại học Quốc gia Hà Nội) cho rằng, mô hình đại học 2 cấp đang tồn tại nhiều vướng mắc. Với những người làm công tác chuyên môn, khó khăn nhất của mô hình đại học 2 cấp không phải về mặt quản lý, mà khi làm việc với đối tác nước ngoài gặp khó khăn trong việc giải thích "trường đại học trong đại học" là gì.

Không biết giải thích với nước ngoài thế nào là "trường đại học trong đại học"- Ảnh 1.

Ông Vũ Hoàng Linh, Chủ tịch hội đồng trường Đại học Khoa học Tự nhiên.

"Chúng tôi giới thiệu là University, ở trên chúng tôi lại có một University nữa. Nước ngoài họ không hiểu giáo dục đại học Việt Nam như thế nào mà lại có University trong University (trường đại học trong đại học). Chúng tôi lại phải giải thích University ở trên như một cái ô, hoặc giống với hệ thống trường Đại học California của Mỹ, nhưng hoàn toàn không phải như vậy", ông dẫn chứng và đề nghị cần rà soát lại mô hình này.

Trong dự thảo báo cáo về tác động của dự Luật Giáo dục đại học sửa đổi, Bộ GD&ĐT cũng nhìn nhận mô hình này gây khó khăn, phức tạp và rủi ro trong tổ chức và quản lý, đặc biệt khi thực hiện cơ chế tự chủ.

Ông Bùi Xuân Hải, Hiệu trưởng trường Đại học Hải Phòng cho rằng, mô hình đại học 2 cấp khiến các trường đại học thành viên rơi vào cảnh "một cổ hai tròng", trái với nguyên tắc tự chủ đại học.

"Nếu xác định các trường thành viên là cơ sở giáo dục đại học thì hãy để họ tự chủ như các trường đại học độc lập khác, không cần cái ô này nữa. Không thể xếp ngang hàng cơ sở giáo dục đại học Việt Nam gồm đại học quốc gia, đại học vùng, đại học, trường đại học, học viện", ông Hải nói.

Theo ông, chỉ nên phát triển trường trong đại học, theo tên gọi quốc tế là "school", chứ không nên để trường đại học thành viên có tư cách pháp nhân trong đại học.

Thứ trưởng Hoàng Minh Sơn nhận định, mô hình "trường đại học trong đại học" đã được thảo luận nhiều. Tuy nhiên, đây là những bất cập của mô hình đại học 2 cấp, không phải chuyện bỏ đại học quốc gia và đại học vùng. Đại học quốc gia và đại học vùng là những đơn vị được Nhà nước quản lý theo sứ mạng, có vị thế riêng.

"Chúng ta phải bàn về quản trị bên trong, không phải vấn đề bỏ đại học quốc gia hay đại học vùng. Phải xem xét mô hình này cần cải tiến như thế nào", ông Sơn nhấn mạnh.

Hiện cả nước có 2 đại học quốc gia, gồm Đại học Quốc gia Hà Nội và Đại học Quốc gia TP.HCM. Ba đại học vùng, gồm Đại học Thái Nguyên, Đại học Huế, Đại học Đà Nẵng. Các đại học còn lại gồm: Đại học Bách khoa Hà Nội, Đại học Kinh tế TP.HCM, Đại học Duy Tân và Đại học Kinh tế quốc dân, Đại học Phenikaa.

TIN CÙNG CHUYÊN MỤC
Xem theo ngày