Đường Russell tại Hong Kong, nhiều năm qua vẫn luôn là con phố mua sắm đắt đỏ bậc nhất hành tinh. Đồ xa xỉ trên thế giới có gì, Russell có thứ đó, lấn át cả những thủ phủ kinh tế đình đám của châu Âu như Paris và London. Các tín đồ thời trang tới đây săn lùng những chiếc túi phiên bản đặc biệt của Prada, nước hoa giới hạn của Chanel, hay đồng hồ giá trị bằng cả gia tài của Blancpain.
Nhưng giờ đây, con phố ấy thật ảm đạm. Russel đã đánh mất đi vẻ huy hoàng rực rỡ vốn có khi các thương hiệu xa xỉ rời đi, nhường chỗ cho những mặt hàng bình dân đến không ngờ. Như một cửa hàng từng là nơi bày bán những chiếc đồng hồ của Tissot - thương hiệu tới từ Thụy Sĩ, nay bỗng dưng trở thành chỗ bán phụ kiện điện thoại rẻ tiền. Chủ quầy hàng ấy chỉ phải trả tiền thuê bằng khoảng 6% so với số tiền khổng lồ mà Tissot từng chi mỗi tháng.
Nơi từng là cửa hàng đồng hồ cao cấp của Tissot (Thụy Sĩ), nay chuyển thành hàng phụ kiện điện thoại, máy tính và đồ gia dụng giá rẻ
"Chẳng ai ngờ được, một ngày nào đó chúng ta có thể thấy những cửa hàng tiện lợi xuất hiện tại Russell, mà có khi là cả hàng lẩu," - trích lời Oliver Tong, giám đốc công ty dịch vụ bán lẻ JLL tại Hong Kong.
Số lượng các cửa hàng bị bỏ trống tại con phố sang xịn một thời đã tăng gấp đôi trong 3 tháng đầu năm 2020, khi các thương hiệu lớn cảm thấy không thể chịu đựng nổi nữa. Vốn đã phải rất vất vả để tồn tại sau những tháng kinh tế Hong Kong rối loạn vì biểu tình, thì Covid-19 giống như một đòn "chốt hạ", đã khiến nhu cầu mua sắm còn sót lại tiêu tan.
Theo ghi nhận của SCMP ngày 15/6 vừa qua, con phố Russell ngập tràn những banner đỏ và vàng với dòng chữ "xả hàng" cùng mức giảm lên tới 80%. Nó xuất hiện ở cả những thương hiệu cực kỳ đình đám, như Chanel và Gucci.
Chuỗi mỹ phẩm Colourmix chuẩn bị đóng cửa tại phố Russell
Colourmix - chuỗi mỹ phẩm đình đám thế giới dự tính sẽ đóng cửa hàng của mình trên đường Russel sau khi hết hạn thuê vào tháng 10 năm nay. Cửa hàng ấy tiêu tốn của họ khoảng 700.000 HKD (dollar Hong Kong) tiền thuê mỗi tháng, tương đương hơn 2 tỉ đồng tiền Việt. Chủ tòa nhà hiện tại ra giá thuê 600.000 HKD/tháng, thấp hơn khoảng 14% thời điểm trước dịch.
Được biết, Colourmix là cửa tháng thứ 6 trên tổng số 27 cửa hàng tại phố Russell tuyên bố đóng cửa, nối gót Prada, Bonjour, Rado, Blancpain và Tissot, bất chấp việc chủ thuê đã chấp nhận cắt giảm tiền mặt bằng để hỗ trợ khó khăn kinh tế của họ.
"Thực sự rất khó để giữ họ lại, đặc biệt là các thương hiệu vốn phụ thuộc vào khách du lịch. Thực tế nghiệt ngã là du khách sẽ không thể sớm trở lại, ai cũng biết điều đó," - Tong chia sẻ. "Và cũng thực sự rất khó để tìm ra người thuê mới, vì chẳng ai dám mở rộng kinh doanh vào giai đoạn này."
Hiện tại, những cửa hàng do Prada, Rao, Blancpain bỏ lại vẫn đang bị bỏ không. Phía cuối con đường, cửa hàng của Tissot thành nơi bán phụ kiện điện thoại và đồ gia dụng siêu rẻ, với mức giá chỉ từ 1 HKD (khoảng... 3 ngàn đồng). Và đặc biệt, chủ cửa hàng phải trả 100.000 HKD mỗi tháng (khoảng 300 triệu đồng tiền Việt), chỉ bằng 6% so với khoản tiền 1,43 triệu HKD mà Tissot phải gồng gánh trước đó.
Phố Russell nằm ở trung tâm Vịnh Causeway - một trong những quận mua sắm lớn và sầm uất nhất Hong Kong. Tại góc phố nơi giao giữa Russell và phố Matheson là một trung tâm mua sắm khổng lồ, với cái tên "Quảng trường thời đại".
Con phố kéo dài 250m được lấp đầy bằng những thương hiệu xa xỉ bậc nhất thế giới, và dĩ nhiên giá thuê cũng không rẻ. Trung bình, giá thuê tại đây rơi vào khoảng $30.000/m2/năm, vượt qua cả các con đường mua sắm đình đám nhất ở New York và Paris. Nhưng với quá nhiều biến động - từ biểu tình cho đến đại dịch, sự hào nhoáng đang mất dần, nhường chỗ cho sự ảm đạm.
Tỉ lệ các cửa hàng bị bỏ trống tại Russell đã tăng khoảng 5% vào cuối năm 2019, lên tới gần 10% vào tháng 3/2020. Con số dự tính sẽ tiếp tục gia tăng, sau khi các thương hiệu như Colourmix hết hợp đồng.
Giá thuê tại Vịnh Causeway đã giảm khoảng 15% trong 3 tháng đầu năm - theo số liệu của công ty Cushman & Wakefield, và xu hướng sẽ còn giảm sâu hơn trong thời gian tới, thậm chí chạm mức 40%.
"Các chủ thuê và nhãn hàng buộc phải thay đổi, dựa trên thực tế rằng trong 2 - 3 năm nữa, đối tượng khách hàng của họ là 7 triệu người bản địa," - Tong nhận định.