Biểu tình lan rộng, và giờ cảnh sát trên khắp nước Mỹ đồng loạt nghỉ việc

J.D, Theo Trí Thức Trẻ 07:05 18/06/2020

"57 người đã từ chức vì không thể chấp nhận được hành động của 2 đồng nghiệp khác. Mà họ cũng chỉ đang thi hành mệnh lệnh thôi" - chủ tịch hiệp hội cảnh sát Buffalo John Evans chia sẻ.

Sau cái chết của George Floyd - nạn nhân người Mỹ gốc Phi thiệt mạng vì cú ghì gối kéo dài hơn 8 phút của cảnh sát ngày 25/5, vai trò của hệ thống tư pháp nước Mỹ bỗng dưng thay đổi chóng mặt. Từ chỗ là lực lượng thực thi pháp luật, cảnh sát trở thành mục tiêu bị chỉ trích nặng nề, với các cuộc biểu tình lan rộng đòi hỏi sự thay đổi trong hệ thống trị an quốc gia.

Biểu tình lan rộng, và giờ cảnh sát trên khắp nước Mỹ đồng loạt nghỉ việc - Ảnh 1.

Người biểu tình yêu cầu lãnh đạo địa phương phải kiểm soát cảnh sát, thậm chí tước bỏ ngân quỹ để đầu tư cho các lĩnh vực khác. Và nhiều lãnh đạo đã đáp lại bằng các sắc lệnh thay đổi phương thức hoạt động của sở cảnh sát, hứa hẹn sự đổi mới trong thời gian sắp tới, đồng thời sẽ nhanh chóng giải quyết các sự vụ cảnh sát làm chết người nổi cộm trong những tuần vừa qua.

Tuy nhiên khi bong bóng giận dữ của đám đông lan rộng, nhiều sở cảnh sát đã phải đối mặt với một cơn khủng hoảng khác. Đó là việc nhiều cảnh sát đã đồng loạt nộp đơn từ chức, trên phạm vi toàn quốc.

Làn sóng cảnh sát nghỉ việc trên toàn nước Mỹ

Tại thành phố Minneapolis - nơi George Floyd ra đi, đã có ít nhất 7 cảnh sát từ chức kể từ khi các cuộc biểu tình diễn ra hồi cuối tháng 5. Theo Casper Hill - đại diện thành phố, có thêm 7 - 8 cảnh sát khác đang hoàn tất hồ sơ nghỉ việc. Con số này chưa tính đến 4 cựu cảnh sát liên quan đến cái chết của Floyd đã bị sa thải. Tuy nhiên theo John Elder - đại diện phát ngôn của sở cảnh sát, con số này chưa đủ lớn để tạo ra vấn đề.

"Mọi người nghỉ việc vì nhiều lý do, và dĩ nhiên cảnh sát cũng vậy," - Elder nhận định.

Biểu tình lan rộng, và giờ cảnh sát trên khắp nước Mỹ đồng loạt nghỉ việc - Ảnh 2.

Trong một lá thư ngỏ được công bố mới đây, các cảnh sát tại Minnepolis đã đồng loạt lên án hành động của Derek Chauvin - cựu đồng nghiệp của họ, người đã gây ra cái chết của Floyd.

"Derek Chauvin không thể hành động như một con người, và đã tước bỏ quyền sống của George FLoyd. Điều này không đại diện cho toàn thể cảnh sát chúng tôi," - trích trong lá thư được ký tên bởi 14 cảnh sát của sở.

Thành phố Atlanta cũng trở thành tâm điểm biểu tình trong tuần qua, sau sự việc nam thanh niên da màu Rayshard Brooks tử vong vì một phát súng từ cảnh sát. Sự việc đã khiến cảnh sát trưởng Atlanta phải từ chức sau đó chưa đầy 24h, đồng thời viên cảnh sát liên quan bị cho thôi việc. Một sĩ quan khác liên quan đến sự việc bị đình chỉ công tác, sang làm công việc hành chính.

Biểu tình lan rộng, và giờ cảnh sát trên khắp nước Mỹ đồng loạt nghỉ việc - Ảnh 3.

Trong tháng qua, sở cảnh sát thành phố Atlanta đã phải chứng kiến 8 sĩ quan từ chức. Trước đó, sở thông báo có 19 đơn xin nghỉ kể từ khi các cuộc biểu tình diễn ra hồi cuối tháng 5, nhưng sau đó đã sửa lại con số.

Trước khi bi kịch của Brook xảy ra, 6 cảnh sát đã phải đối mặt với các cáo buộc nghiêm trọng, sau khi xuất hiện đoạn video ghi lại cảnh họ có hành vi bạo lực với 2 sinh viên da màu

Tại Nam Florida, có 10 sĩ quan cảnh sát từ chức khỏi đội đặc nhiệm SWAT do lo ngại về sự an toàn khi làm nhiệm vụ. Trong lá thư gửi đến CNN, các cảnh sát cho biết họ cảm thấy bản thân "bị hạn chế khi công vụ bị chính trị hóa", "trang bị nhỏ giọt, không được huấn luyện đầy đủ," thậm chí còn lo ngại cho sự an toàn của "chó cảnh vệ". Ngoài ra, họ còn cảm thấy không hài lòng khi chỉ huy lại quỳ xuống, tỏ ý ủng hộ người biểu tình.

Biểu tình lan rộng, và giờ cảnh sát trên khắp nước Mỹ đồng loạt nghỉ việc - Ảnh 4.

Tuy nhiên theo Greg Chavarria - cảnh sát trưởng Hallandale Beach, những sĩ quan này thuộc biên chế đội đặc nhiệm SWAT, không phải của sở cảnh sát. Ngoài ra, Chavarria cho biết bà cảm thấy rất thất vọng vì quyết định của các cựu cấp dưới, và cho rằng những gì viết trong lá thư là không chính xác.

"Chúng tôi đã tăng cường các giờ tập luyện, số trang thiết bị dành riêng cho đội SWAT trị giá 100.000 USD trong vòng 2 năm qua. Ngoài ra, tôi quỳ gối là để thể hiện sự đoàn kết với cộng đồng, không phải để phản đối cảnh sát."

Cuối cùng là Buffalo (New York), thành phố chứng kiến gần 60 sĩ quan từ chức khỏi đội phản ứng khẩn cấp, sau khi xuất hiện đoạn video cho thấy 2 cảnh sát xô ngã một người cao tuổi trong cuộc biểu tình.

"57 người đã từ chức vì không thể chấp nhận được hành động của 2 đồng nghiệp khác. Mà họ cũng chỉ đang thi hành mệnh lệnh thôi," - chủ tịch hiệp hội cảnh sát Buffalo John Evans chia sẻ.

Nạn nhân bị xô ngã là một cụ ông 75 tuổi, bị chảy máu đầu và được chẩn đoán đã nứt hộp sọ.

Nguồn: CNN