Khi phụ nữ làm khoa học: 30,1% vẫn chịu định kiến từ xã hội, 23,5% bị cản trở bởi nghĩa vụ sinh con

Huỳnh Đức, Theo Trí thức trẻ 10:52 18/12/2022

Ngày nay, các nhà khoa học nữ đang phải đối mặt với rất nhiều thách thức trong hành trình theo đuổi đam mê nghiên cứu khoa học.

Hiện nay, số lượng phụ nữ tham gia vào hoạt động nghiên cứu khoa học (NCKH) ngày một tăng lên và họ đang có những đóng góp lớn lao trong các lĩnh vực của đời sống, kinh tế và xã hội. Thông qua hoạt động NCKH, nữ giới ngày một khẳng định được vị thế, vai trò của mình. Bên cạnh những vinh quang ấy, khi họ thực hiện nhiệm vụ NCKH cũng gặp phải không ít những rào cản, thách thức trong công việc, gia đình và xã hội.

Mới đây, trong một sự kiện thuộc Tuần lễ khoa học công nghệ VinFuture 2022 được tổ chức vào ngày 17/12, các nhà khoa học top đầu thế giới đã cùng nhau thảo luận về những thách thức mà các nhà khoa học nữ phải đối mặt trong hành trình theo đuổi đam mê NCKH. Để phân tích kỹ về vấn đề này, họ đã thực hiện một cuộc khảo sát và kết quả ghi lại khiến nhiều người không khỏi bất ngờ.

Khi phụ nữ làm khoa học: 30,1% vẫn chịu định kiến từ xã hội, 23,5% bị cản trở bởi nghĩa vụ sinh con - Ảnh 1.

Tính từ trái sang: Giáo sư Nguyễn Thục Quyên, Giáo sư Jennifer Tour Chayes, Giáo sư Alta (Aletta E.) Schutte và Giáo sư Monica Alonso Cotta - các nhà khoa học nữ hàng đầu thế giới cùng tụ họp để bàn luận về thách thức của phụ nữ trong NCKH

Những thách thức các nhà khoa học nữ gặp phải

Theo kết quả khảo sát, 30,1% nhà khoa học nữ được hỏi cho biết thách thức lớn nhất họ gặp phải khi tham gia NCKH chính là "Rào cản về xã hội, văn hóa và truyền thống". Như chúng ta đã biết, hiện nay, việc phụ nữ theo đuổi NCKH vẫn còn bị "dán nhãn" và chịu nhiều định kiến. Nói cách khác, các chuyên ngành về khoa học, kỹ thuật, cơ khí, hóa học và công nghệ thông tin thường được biết đến như thế mạnh của nam giới và ít có sự tham gia của nữ giới. Chính việc hình thành những thành kiến xã hội đó đã và đang ảnh hưởng không nhỏ đến sự quan tâm, động lực cũng như thiên hướng lựa chọn nghề nghiệp của nữ giới.

Cũng theo thống kế này, có 12% nhà khoa học nữ cảm thấy bị "mất cân bằng trong cuộc sống" và tới 25,3% coi "nghĩa vụ sinh con và chăm sóc con cái" là rào cản của họ để đến với nghiên cứu. Điều đó không quá khó hiểu bởi từ xưa đến nay, thiên chức của người phụ nữ luôn được định hình là "xây tổ ấm", ở nhà và chăm sóc gia đình. Việc các nhà khoa học nữ vừa phải làm tròn trách nhiệm trong phòng nghiên cứu, vừa phải hoàn thành thiên chức của mình khi ở nhà đôi khi khiến họ cảm thấy bị... mất cân bằng trong cuộc sống.

Khi phụ nữ làm khoa học: 30,1% vẫn chịu định kiến từ xã hội, 23,5% bị cản trở bởi nghĩa vụ sinh con - Ảnh 2.

Các thách thức nhà khoa học nữ thường gặp phải có thể kể đến như: rào cản xã hội, nghĩa vụ sinh con, vấn đề sức khỏe, tiền lương thấp...

Bên cạnh đó, việc "thiếu đi sự ủng hộ của gia đình" (chiếm 10,8%) cũng là một trong những thách thức mà các nhà khoa học nữ phải đối mặt. Điều này cũng có thể lý giải được bằng việc đến nay, còn không ít người vẫn còn giữ quan điểm phụ nữ học quá giỏi sẽ... khó lấy được chồng, hay nhiều cha mẹ vẫn giữ tâm lý sợ rằng khi con làm nghiên cứu sẽ vất vả.

Đồng thời, "vấn đề sức khỏe" (6%) cũng là một trong những lý do chúng ta ít thấy sự xuất hiện của nữ giới trong các phòng thí nghiệm. Công việc nghiên cứu đòi hỏi phải đầu tư rất nhiều thời gian và công sức, việc họ phải thức đêm để làm nghiên cứu sẽ không phải là chuyện hiếm thấy.

Một vấn đề nữa là dù có những phát kiến khoa học, có những đề tài nghiên cứu chất lượng và có thể áp dụng vào trong thực tiễn nhưng các nữ khoa học đôi khi vẫn phải chịu cảnh "bị trả lương thấp" hơn so với nam giới. Khi đó, họ sẽ cảm thấy không tương xứng với công sức mà bản thân bỏ ra. Không chỉ dừng lại ở đó, họ cũng "bị phân biệt đối xử" hay "thiếu đi nguồn lực chuyên nghiệp" cũng là một trong những lý do cản trở phụ nữ đến với nghiên cứu...

Lễ trao giải VinFuture - một trong những giải thưởng Khoa học Công nghệ lớn nhất hành tinh - sẽ được phát trực tiếp trên VTV1 và website CNN, Discovery, Euronews, Technode Global vào tối 20/12 sắp tới.