Những ngày này, một trong những từ khóa được chia sẻ rất nhiều trên MXH phải kể đến "VinFuture". VinFuture là giải thưởng khoa học và công nghệ toàn cầu, được thành lập ngày 20/12/2020 với sứ mệnh "tạo ra những thay đổi tích cực trong cuộc sống hàng ngày của hàng triệu người bằng việc thúc đẩy nghiên cứu khoa học và đổi mới công nghệ". Đây đã là năm thứ hai giải thưởng này được tổ chức.
Trong khuôn khổ Tuần lễ khoa học thuộc sự kiện Giải thưởng VinFuture mùa II, sáng nay (17/12), chương trình Giao lưu cùng Hội đồng Giải thưởng và Hội đồng Sơ khảo đã được tổ chức tại Hà Nội. Đến tham dự sự kiện là hàng loạt những nhà khoa học kiệt xuất, đã có nhiều công trình nghiên cứu tầm cỡ. Trong số đó phải kể đến Giáo sư Daniel Kammen - Thành viên Hội đồng Giải thưởng.
Chương trình Giao lưu cùng Hội đồng Giải thưởng và Hội đồng Sơ khảo
Giáo sư Daniel Kammen là người giữ vị trí Giáo sư của James & Katherine Lau về Phát triển bền vững tại Đại học California, Berkeley (Hoa Kỳ), đồng thời ông cũng là Giáo sư về Năng lượng và tài nguyên tại Khoa Chính sách công Goldman và Khoa công nghệ hạt nhân. Xuất hiện tại chương trình giao lưu, Giáo sư Daniel Kammen đã có những chia sẻ quý giá về vấn đề phát triển bền vững và chuyển đổi năng lượng cũng như câu chuyện về giải thưởng VinFuture năm nay.
GIÁO SƯ DANIEL KAMMEN
Quốc tịch Mỹ
Từng được bổ nhiệm làm chuyên gia năng lượng đầu tiên của sáng kiến Đối tác Môi trường và Khí hậu cho Châu Mỹ (ECPA).
Đặc phái viên Khoa học cho Ngoại trưởng Hoa Kỳ John Kerry.
Là chuyên gia và cố vấn ở Cơ quan Bảo vệ Môi trường, Bộ Năng lượng Hoa Kỳ, Cơ quan Phát triển Quốc tế (USAID) và Văn phòng Chính sách Khoa học và Công nghệ.
Theo Giáo sư Daniel Kammen, ngày nay nhân loại đang phải đối mặt với rất nhiều vấn đề trong cuộc sống như: ô nhiễm môi trường, an ninh lương thực, phân biệt chủng tộc, phân biệt đối xử... Các vấn đề này sẽ không được giải quyết, hoặc thậm chí ngày càng trầm trọng hơn nếu như chúng ta không có những chính sách nhằm phát triển bền vững và đặc biệt là việc hạn chế sử dụng các nguồn nguyên liệu hóa thạch.
Hai vấn đề sử dụng nguyên liệu hóa thạch và phân biệt đối xử tưởng chừng không liên quan đến nhau nhưng chúng lại có một móc xích vô hình. Có thể nói, việc sử dụng nguyên liệu hóa thạch có thể dẫn đến vấn nạn phân biệt đối xử, đặc biệt đối với nhóm người yếu thế trong xã hội khi họ không có những nguyên liệu để đáp ứng nhu cầu sống hằng ngày như: sử dụng than để sưởi ấm, sử dụng điện... Vậy nên, việc chuyển đổi năng lượng và phát triển bền vững là điều chúng ta cần phải bắt tay vào thực hiện ngay lập tức.
"Làm cách nào để giải quyết những vấn đề trên?" là câu hỏi được rất nhiều người quan tâm. Với thâm niên trong việc nghiên cứu khoa học, Giáo sư Daniel Kammen nhấn mạnh việc sử dụng các nguồn năng lượng tự nhiên sẽ là giải pháp hữu hiệu để thay thế cho nguyên liệu hóa thạch.
Quay trở lại với Việt Nam, đất nước của chúng ta sở hữu rất nhiều nguồn năng lượng tự nhiên tuyệt vời như: năng lượng mặt trời, năng lượng gió... Giáo sư Daniel Kammen cho rằng việc tận dụng tốt những nguồn năng lượng vô hạn này, kết hợp với nguồn thủy năng dồi dào mà chúng ta có sẽ tạo ra rất nhiều thuận lợi cho Việt Nam trong việc phát triển bền vững.
Theo Giáo sư Daniel Kammen, Việt Nam sở hữu rất nhiều nguồn năng lượng tự nhiên tuyệt vời
Song song với điều đó, việc sở hữu vô vàn nguồn tài nguyên quý giá như vậy sẽ dẫn đến một thách thức là làm cách nào để dự trữ và không gây lãng phí nguồn tài nguyên. Theo Giáo sư Daniel, không chỉ ở Việt Nam, đây còn là một trong những thách thức không nhỏ của các nước trên thế giới.
Khó khăn là vậy nhưng tất cả các vấn đề trên sẽ được giải quyết nếu như có sự chung tay của toàn nhân loại. Đặc biệt là sau đại dịch Covid-19, chúng ta cần kết nối với nhau để tạo ra những đổi mới xã hội, đưa con người gần với nhau hơn để cùng nhau chung tay giải quyết các vấn đề nóng hổi hiện nay như: Bình đẳng giới, an ninh lương thực...
Trong hành trình này, sự góp sức của các nhà nghiên cứu trẻ là điều vô cùng quan trọng. "Hãy đến và tham gia cùng chúng tôi. Tại đây, chúng tôi có vô vàn dự án thú vị, chúng tôi có cơ sở hạ tầng tốt dành cho việc nghiên cứu như: khu bảo tồn năng lượng, tầng điện thông minh... Và việc sử dụng big data (siêu dữ liệu) và trí tuệ nhân tạo vào cuộc sống là vô cùng quan trọng, nó giúp chúng ta giải quyết được những vấn đề nhức nhối trong xã hội.
Khi tôi chuyển hướng sang lĩnh vực năng lượng, tôi nhận thấy nó có rất nhiều khía cạnh để có thể khai thác và với tư cách là Hội đồng khoa học, tôi rất mong muốn những sáng kiến của các bạn. Hãy tham gia cùng chúng tôi!", Giáo sư Daniel Kammen không quên nhắn nhủ.
Từ trước đến nay, mọi người cho rằng nghiên cứu khoa học là một công việc hết sức vất vả và nó thường được gán cho nam giới. Tuy nhiên, ngày nay, nhận định này không thực sự đúng đắn nữa vì trong các phòng thí nghiệm đã có sự xuất hiện của rất nhiều nhà khoa học nữ. Đặc biệt hơn cả, các nghiên cứu của họ mang tính ứng dụng rất cao và khi áp dụng các nghiên cứu đó vào thực tiễn có thể giải quyết một số vấn đề nhức nhối mà nhân loại đang gặp phải.
Điều này đã được chính Giáo sư Daniel Kammen công nhận. Không cần nói đâu xa, ngay kể cả tại phòng thí nghiệm của giáo sư Daniel Kammen, ông cũng cảm thấy vô cùng tự hào vì có sự xuất hiện của nhiều giáo sư nữ đến từ châu Phi hay Đông Nam Á.
Còn ở Việt Nam, ông Daniel nhận thấy có rất nhiều phụ nữ làm việc trong các phòng thí nghiệm. Đây là một điều cực kỳ đáng trân quý và nước Mỹ phải học hỏi Việt Nam rất nhiều vì điều này.
Giáo sư Daniel Kammen cảm thấy rất vui vì số lượng nhà khoa học nữ ngày một nhiều hơn
Điều Giáo sư Daniel Kammen muốn nhấn mạnh là hãy đa dạng nhà khoa học nữ trong lĩnh vực nghiên cứu chất lượng cao. Bởi không khác gì nam giới, họ có thể tạo ra những nghiên cứu hữu ích và có thể áp dụng vào thực tiễn để có thể giải quyết những vấn đề nhức nhối của nhân loại.