Chắc hẳn bạn hoặc ai đó bạn biết đã từng có lần thắc mắc điều này: Vì sao chỉ nấu có một bữa cơm nhà bình thường, mà bà/mẹ/chị hoặc vợ của chúng ta lại tốn nhiều dụng cụ làm bếp như vậy? Thậm chí có món tốn đến hai chiếc nồi, có món lại vừa huy động cả chảo lẫn nồi và còn chưa kể các dụng cụ như thớt, dao... Nhất là đối với những ai có nhiệm vụ rửa bát, đây chắc chắn là câu hỏi "kinh niên".
Tuy nhiên, điều này lại là một trong số những đặc trưng nói lên sự tinh tế, phức tạp và là điều kì diệu của ẩm thực Việt Nam đấy.
Phải công nhận một điều là có nhiều món ăn Việt Nam không có một nguyên liệu chính. Điển hình là các món như bún riêu, bún thang, gỏi cuốn, canh chua… Hầu hết các món này đều phụ thuộc vào sự hoà trộn giữa các thành phần khác nhau hơn là dùng các loại gia vị, nguyên liệu phụ để bổ trợ cho một nguyên liệu chính nhất định. Vì lẽ này mà nếu người Việt Nam nếu những món ăn như trên ở nhà, sẽ không tránh khỏi sử dụng rất nhiều dụng cụ để chuẩn bị. Ví dụ như chỉ một món hủ tiếu, người ta có thể phải luộc tôm, luộc các loại lòng lợn, phải phi tỏi, phi hành, lại cần một nồi nước riêng để trụng rau giá, bánh hủ tiếu… Hoặc khi nấu canh chua, món này có nguyên liệu đa dạng qua từng vùng miền, nhưng vẫn có điểm chung là cần rất nhiều nguyên liệu, chính vì vậy mà dụng cụ cần để chế biến các nguyên liệu này cũng tăng lên.
Mặt khác, đối với những món ăn có "nhân vật chính", người Việt Nam cũng dùng rất nhiều "nhân vật vụ" để làm nền. Ví dụ như thịt kho tàu lúc nào cũng phải có thêm trứng, và một số nhà còn thêm đậu phụ rán. Hoặc món canh khổ qua nhồi thịt, phần thịt xay này thì được cấu thành bởi nhiều nguyên liệu như thịt, hành, tỏi, một số nhà còn thêm cả tôm…
Với lượng nguyên liệu đồ sộ như thế, không khó hiểu khi các đấng nội trợ phải "triệu hồi" nhiều dụng cụ nhà bếp. Nào là đũa để trộn, bát để đánh trứng, đũa cả để rán, muỗng để nêm nếm… Mặt khác, để nguyên liệu không lần vào nhau thì có khi cứ một món là một "set" dụng cụ đấy!
Các món ăn Việt Nam hầu như luôn luôn được cấu tạo nên bởi nhiều thành phần và thường xuyên yêu cầu nhiều hơn một cách chế biến để tạo nên. Điều này lý giải vì sao mà chỉ một món ăn đơn giản cũng tốn nhiều dụng cụ làm bếp đến thế. Ví dụ như món cá thu kho, không tính quá trình sơ chế cần dao, thớt… thì cá thu kho cũng cần đến một chiếc nồi và một chiếc chảo chiên. Nhiều người nấu ăn kỹ tính lúc nào cũng phải rán sơ các khoanh cá trước, để thịt cá được chắc và giòn, trước khi bắt đầu kho bằng nồi. Vậy nên chỉ một món cá thu, ta cũng tốn đến hai dụng cụ là ít.
Trước khi kho cá thu, nhất định phải rán sơ qua.
Ngoài ra, cũng có thể nhắc tới món canh cua rau đay dân dã mà ai cũng thích, không kể đến khâu chuẩn bị thịt cua phức tạp, mà bất kì ai muốn nấu một bát canh cua ngon và trọn vị cũng khó có thể bỏ qua khâu chưng gạch cua. Vậy là để nấu một bát canh cua rau đay, ta cần ít nhất một chiếc nồi nấu canh, và một cái chảo để chưng gạch cua.
Bên cạnh đó, lấy một món ăn vô cùng nổi tiếng với bạn bè quốc tế là phở làm ví dụ, ta cũng thấy được sự phức tạp cũng như hàng loạt cách bước để làm nên một bát phở ngon. Không chỉ đơn giản là lấy nước dùng từ xương hầm, người ta còn phải xào sơ qua các loại thảo mộc, sau đó cho chúng vào túi vải và đun cùng để thêm hương vị rất đặc trưng cho nước phở. Thậm chí, một số người còn có các bí quyết riêng như nướng hành, mía, gừng nguyên vỏ…
Đối với những người không thường xuyên vào bếp, đương nhiên sẽ thật khó để hiểu được vì sao mà nấu có mỗi nồi thịt kho, mỗi tô canh chua, mỗi đĩa rau xào mà lại có thể dùng gần như mọi dụng cụ trong bếp, khiến mỗi lần rửa bát là một cơn "ác mộng". Có thể nói, nhiều món ăn Việt Nam đều được cấu thành từ nhiều cách chế biến khác nhau mà không giới hạn một là luộc, hai là rán, ba là hấp… mà có thể kết hợp nhiều phương pháp để khiến món ăn hấp dẫn, ngon miệng hơn.
Thật khó để tìm một món ăn nào là "nhàm chán" trong ẩm thực Việt Nam, bởi người Việt thích sự đa vị và luôn có một loại tài năng kết hợp các loại gia vị, nguyên liệu với nhau để tạo nên hương vị đặc trưng và độc đáo. Để có được một món ăn ngon, người nấu phải tỉ mỉ và vất vả bao nhiêu, thì hội rửa bát cũng đành phải… "chịu trận" bấy nhiêu vậy.