Khát khao sinh con của cặp đôi vợ khuyết tật, chồng suy thận

NHƯ LOAN, Theo VTC News 10:18 02/05/2024
Chia sẻ

Chị Thuyên bị khuyết tật, anh Toàn suy thận mãn tính, phải lọc máu suốt 12 năm nay, luôn khát khao có con để nương tựa cuối đời.

Căn nhà nhỏ của gia đình anh Phạm Văn Toàn (SN 1990) và chị Vũ Thị Thuyên (SN 1991) ở huyện Thường Tín, Hà Nội những ngày này luôn rộn rã tiếng trẻ nhỏ nô đùa. Bé Phạm Phúc Tiến (SN 2022) chạy quanh nhà, thi thoảng tới ôm vai bá cổ mẹ.

Cuộc sống còn khó khăn, thiếu thốn vật chất nhưng tổ ấm nhỏ ấy luôn tràn ngập tiếng cười nói của ba thành viên. Nhìn con ngoan ngoãn, anh Toàn và chị Thuyên như được tiếp thêm sức mạnh để cố gắng mỗi ngày.

Khát khao sinh con của cặp đôi vợ khuyết tật, chồng suy thận - Ảnh 1.

Bé Phạm Phúc Tiến là "trái ngọt" của vợ chồng chị Thuyên, anh Toàn. (Ảnh: GĐCC)

Chị Thuyên không may mắc dị tật bẩm sinh (bàn chân lật úp), đi lại khó khăn, lao động hạn chế. Bù lại chị rất nghị lực, nhanh nhẹn và thông minh.

Anh Toàn sinh ra khoẻ mạnh như bao người khác, nhưng năm 2012, anh phát hiện bị suy thận sau chuỗi ngày dài mệt mỏi. Kể từ đó, mỗi tuần 3 buổi anh đều đặn đến bệnh viện lọc máu.

Anh chị quen nhau năm 2018. Từ hai người xa lạ, những tin nhắn qua lại trên mạng xã hội đã đem họ lại gần nhau. Chuyện tình cảm của cặp đôi bị hai bên gia đình phản đối nhưng họ đã thuyết phục được bố mẹ và tiến tới hôn nhân vào cuối năm 2019.

Sau đám cưới 1 năm, hai vợ chồng vẫn chưa có tin vui, nên quyết định lên bệnh viện kiểm tra sức khỏe sinh sản. Kết quả, anh Toàn không có tinh trùng trong tinh dịch (azoospermia), còn chị Thuyên chỉ số dự trữ buồng trứng thấp.

Biết sức khoẻ không đủ tốt để có thể mang thai tự nhiên nhưng chị vẫn nuôi hy vọng có con nhờ kỹ thuật hiện đại. Họ bắt đầu tìm hiểu về việc sinh con nhờ thụ tinh trong ống nghiệm (IVF). Hy vọng nhen nhóm khi biết y học có thể giúp mang thai nhưng kinh phí tốn kém khiến anh chị đắn đo.

Đúng lúc này, chị được một người bạn giới thiệu chương trình khám miễn phí cho các cặp vợ chồng vô sinh, hiếm muộn ở Bệnh viện Đại học Y Hà Nội. Đêm đó vợ chồng chị chỉ chờ trời sáng để đến bệnh viện. Gặp bác sĩ, cả hai làm các xét nghiệm lâm sàng cần thiết và được tư vấn thụ tinh trong ống nghiệm.

“Chỉ số dự trữ buồng trứng của chị Thuyên thấp, số lượng trứng thu được sau kích trứng ít. 10 ngày tiêm kích trứng thu được 8 trứng trưởng thành”, bác sĩ Trịnh Thị Ngọc Yến, Trung tâm Hỗ trợ sinh sản và Công nghệ mô ghép, Bệnh viện Đại học Y Hà Nội nói.

Về anh Toàn, bác sĩ kiểm tra tổng quát nội tiết sinh sản nam, các chỉ số nội tiết vẫn nằm trong giới hạn bình thường. Bác sĩ tư vấn thủ thuật PESA (thủ thuật chọc hút tinh trùng từ mào tinh), may mắn sau hơn 1 giờ kiên trì, các chuyên viên đã tìm đủ số tinh trùng để tiêm vào trứng. Thành quả thu được 5 phôi.

“Tuy số phôi không nhiều nhưng đó là sự nỗ lực của đội ngũ y bác sĩ tại trung tâm với hy vọng mang lại hạnh phúc cho cặp chồng có hoàn cảnh đặc biệt này. Để chia sẻ cùng vợ chồng chị Thuyên, trung tâm quyết định hỗ trợ 100 % chi phí cho chu kỳ thụ tinh trong ống nghiệm”, bác sĩ Yến nói.

Lần chuyển phôi đầu tiên, bác sĩ lựa chọn chuyển cho bệnh nhân Thuyên 2 phôi. Sau 12 ngày chuyển phôi cả trung tâm vỡ òa trong hạnh phúc khi được vợ chồng Thuyên báo tin vui đã có thai (Beta HCG 320 U/L).

Cuối năm 2021, chị Thuyên sinh bé trai khỏe mạnh, bụ bẫm bằng phương pháp sinh mổ.

Khát khao sinh con của cặp đôi vợ khuyết tật, chồng suy thận - Ảnh 2.

Chị Thuyên đưa con đến thăm bác sĩ Yến. (Ảnh: GĐCC)

Theo bác sĩ Yến, dự trữ buồng trứng thấp là một trong những nguyên nhân hàng đầu làm suy giảm đời sống tình dục và cản trở chức năng sinh sản ở nữ giới, gây hiếm muộn ở các cặp vợ chồng.

Phụ nữ sau tuổi 25, buồng trứng bắt đầu suy giảm số lượng và chất lượng. Sau 35 tuổi, chất lượng trứng cũng như khả năng sinh sản giảm nhanh. Do đó bác sĩ khuyên chị em có ý định trữ trứng cần thực hiện sớm, trước 40 tuổi.

Theo PGS.TS Nguyễn Mạnh Hà, Giám đốc Trung tâm Hỗ trợ sinh sản và công nghệ mô ghép, Bệnh viện Đại học Y Hà Nội, không có tinh trùng trong tinh dịch (azoospermia) có hai nhóm nguyên nhân.

Thứ nhất không có tinh trùng trong tinh dịch do đường dẫn, chẳng hạn như tắc ống dẫn tinh, tắc ống mào tinh. Thứ hai do tinh hoàn như suy tinh hoàn, tinh hoàn ẩn, một số rối loạn nhiễm sắc thể.

Với những trường hợp tinh dịch không có tinh trùng, các bác sĩ buộc phải can thiệp chọc mào tinh, sinh thiết mào tinh, chọc hút tinh hoàn, sinh thiết tinh hoàn để lấy tinh trùng. Sau đó sẽ soi phóng dưới kính hiển vi để bới tìm những "chiến binh" khỏe mạnh.

TIN CÙNG CHUYÊN MỤC
Xem theo ngày