Lăng mộ vĩ đại nhất thế kỷ XX
Tháng 11 năm 1922, giữa lòng sa mạc Ai Cập, nhà khảo cổ Howard Carter cùng nhà quý tộc George Herbert (Lord Carnarvon) đã khai quật được điều mà cả thế giới khi đó không thể tưởng tượng: lăng mộ nguyên vẹn của Pharaoh Tutankhamun (Vua Tut) – vị vua trẻ được người Ai Cập thần thánh hóa, ca ngợi về tài hoa cũng như vẻ đẹp hình thể.
Ẩn sâu trong Thung lũng các vị Vua, lăng mộ chứa hơn 5.000 cổ vật được chôn cất cách đây hơn 3.000 năm. Từ mặt nạ vàng, quan tài đúc nguyên khối đến xe ngựa, vũ khí và xác ướp còn nguyên vẹn – tất cả hiện lên như bước ra từ truyền thuyết.
Lên ngôi khi mới 9 tuổi nhưng vị pharaoh này đã chứng minh khả năng xuất chúng khi đưa Ai Cập thoát khỏi thời kỳ cai trị đầy bất ổn của cha mình, trở nên thịnh vượng chỉ trong 10 năm trị vì.
Ông đã thực hiện một loạt thay đổi bao gồm dời kinh thành trở về cố đô Thebes, khôi phục các tập tục tôn giáo truyền thống, khôi phục kinh tế và cải thiện quan hệ ngoại giao, xây dựng nhiều công trình vĩ đại... Đáng tiếc, ông đã qua đời khi mới 19 tuổi, có thể vì căn bệnh sốt rét.
Cuộc khai quật mộ gây ra nhiều tranh cãi
Dù là cuộc khai quật hợp pháp, nhưng việc mở lăng mộ Pharaoh Tutankhamun đã gây tranh cãi vì vi phạm khu mộ cổ gần 3.000 năm tuổi. Chưa dừng lại tại đó, sự việc càng khiến người ta chú ý khi nhiều người liên quan đến ngôi cổ mộ lần lượt có những cái chết bất thường. Từ đó khiến tin đồn về “lời nguyền Pharaoh” lan rộng toàn cầu.
Cái chết mở màn
Chỉ vài tháng sau phát hiện lịch sử, Lord Carnarvon – người tài trợ cuộc khai quật – bất ngờ tử vong sau một vết muỗi đốt tưởng chừng vô hại. Vết thương nhiễm trùng máu, lan nhanh khiến ông sốt cao rồi chết trong đau đớn. Đúng giờ phút ông trút hơi thở cuối cùng, toàn bộ hệ thống điện Cairo bất ngờ ngừng hoạt động.
Lord Carnarvon cùng vợ và Howard Carter trên cầu thang dẫn đến lăng mộ mới được phát hiện của Tutankhamun
Ở Anh, con chó cưng của ông gào rú, rồi đổ gục không rõ nguyên do. Thậm chí sau này, người ta còn phát hiện vết muỗi đốt khiến ông tử vong trùng vị trí với vết thương trên xác ướp của Tutankhamun.
Không ai còn xem đó là sự trùng hợp. Truyền thông khi ấy đồng loạt giật tít về một “lời nguyền cổ đại thức tỉnh”. Giới học giả thì bắt đầu tranh luận về khả năng tồn tại của một thế lực siêu nhiên trong lăng mộ đã ngủ yên suốt hơn ba thiên niên kỷ.
Những sự trùng hợp đáng sợ tiếp diễn
Không dừng lại ở đó, trong vòng một thập kỷ tiếp theo, hơn mười người từng tiếp cận lăng mộ đều lần lượt qua đời trong những hoàn cảnh kỳ lạ.
Như Sir Archibald Douglas Reid, bác sĩ chụp X-quang xác ướp, đã chết không lâu sau khi xem xác ướp dù không hề vào lăng. Hay Arthur Mace, một trong những nhà khảo cổ, chết vì viêm phổi sau khi rút lui khỏi dự án do mất ngủ triền miên và đau đầu dữ dội. Ngoài ra, Richard Bethell, thư ký của nhà khảo cổ Howard Carter cũng chết bất ngờ trong phòng khách sạn...
Nỗi sợ lan ra như cơn sốt. Người ta bắt đầu liệt kê các nạn nhân, tra cứu mọi cái chết để tìm ra quy luật. Những câu chuyện ly kỳ dần trở thành giai thoại, ám ảnh cả nền văn hóa phương Tây suốt thế kỷ XX.
Có người còn đồn rằng trên lối vào lăng có khắc lời cảnh báo chết chóc: "Cái chết sẽ giáng xuống đầu kẻ nào dám đánh thức giấc ngủ Pharaoh".
Mặc dù dòng chữ này chưa từng được xác nhận bởi giới khảo cổ học, nó vẫn sống dai dẳng trong trí tưởng tượng đại chúng như một sự thật không cần kiểm chứng.
Howard Carter
Tuy nhiên, kỳ lạ thay, chính Howard Carter – người đầu tiên bước vào lăng mộ cũng là người trực tiếp nhìn thấy xác ướp và mở quan tài vàng – lại sống thêm 17 năm và qua đời vì bệnh ung thư ở tuổi 64. Không tai nạn, không lời nguyền, không chết chóc ly kỳ.
Cuộc đời của Carter khiến nhiều người hoài nghi về tính xác thực của “lời nguyền”. Tuy nhiên, cũng có giả thiết cho rằng Pharaoh chỉ trừng phạt những kẻ tiếp cận với lòng tham hoặc thiếu tôn kính và tha thứ cho người thật tâm theo đuổi tri thức, tôn trọng linh hồn đã khuất.
Những giải mã khoa học
Từ cuối thế kỷ XX, nhiều nhà nghiên cứu hiện đại bắt đầu lý giải hiện tượng “lời nguyền” bằng các giả thuyết khoa học: một số loại nấm mốc cổ đại như Aspergillus có thể tồn tại trong các không gian kín hàng ngàn năm, phát tán độc tố gây suy hô hấp hoặc nhiễm trùng. Vi khuẩn trong chất hữu cơ phân hủy hoặc trong xác ướp cũng được cho là có thể gây hại.
Những người bước vào không gian kín này mà không có đồ bảo hộ hô hấp hiện đại như ngày nay sẽ dễ dàng hít phải các bào tử độc, đặc biệt nếu họ có vết thương hở hoặc bệnh nền.
Một nghiên cứu năm 1999 đăng trên Journal of Occupational and Environmental Medicine đã chỉ ra rằng: nhiều nấm mốc cổ đại có thể tồn tại ở trạng thái “ngủ” trong hàng nghìn năm, và chỉ cần một chút độ ẩm – ví dụ như hơi người, ánh sáng – để hoạt hóa lại. Điều này mở ra một giả thuyết rằng chính môi trường sinh học “ngủ yên” trong lăng mộ đã trở thành mối nguy vô hình cho những người đầu tiên tiếp xúc.
Cùng với đó, ở thời điểm 1920s, hoàn toàn không có các thiết bị phát hiện khí độc như hiện nay. Do đó, bất kỳ phản ứng bất thường nào về sức khỏe cũng dễ bị quy chụp là “bị nguyền rủa”, thay vì hiểu đúng là tác động vật lý từ môi trường.
Ngoài các yếu tố sinh học, tâm lý học hiện đại chỉ ra một hiện tượng tên là hiệu ứng nocebo – một biến thể trái ngược với placebo. Nếu placebo là hiện tượng người bệnh cảm thấy tốt hơn nhờ niềm tin vào thuốc giả, thì nocebo là khi niềm tin tiêu cực hoặc nỗi sợ hãi khiến cơ thể sinh ra triệu chứng thật, thậm chí đe dọa tính mạng.
Các chuyên gia y khoa cho rằng, những người tham gia khai quật – vốn đã bị ám ảnh bởi truyền thuyết về “lời nguyền Pharaoh” từ khi còn nhỏ – rất dễ rơi vào trạng thái tâm thần hoảng loạn, rối loạn lo âu hoặc mất ngủ mãn tính sau khi tiếp xúc với xác ướp. Trạng thái stress kéo dài này ảnh hưởng trực tiếp đến hệ miễn dịch và tim mạch, khiến họ dễ mắc các bệnh nghiêm trọng.
Một ví dụ là Richard Bethell – thư ký riêng của Carter, người được cho là “có vẻ khỏe mạnh” nhưng sau khi làm việc trong áp lực và lo sợ liên tục, đã chết vì đột quỵ. Cha của ông – sau khi nghe tin con trai qua đời – đã nhảy lầu tự sát. Những phản ứng dây chuyền này có thể hiểu được nếu xét trên góc độ tâm lý học hiện đại.
Hơn 100 năm sau ngày cánh cửa đá được mở, lời nguyền Pharaoh không chỉ là một chương kỳ bí trong lịch sử khảo cổ, mà còn trở thành biểu tượng văn hóa đại chúng toàn cầu. Từ những bộ phim Hollywood như The Mummy, các series truyền hình, tài liệu của BBC, Netflix cho đến hàng trăm tác phẩm văn học, game và truyện tranh – tất cả đều lấy cảm hứng từ nỗi ám ảnh bắt đầu từ một lăng mộ nhỏ ở thung lũng Ai Cập.
Tutankhamun – vị vua lên ngôi khi còn là một đứa trẻ, chết trẻ, và từng bị lãng quên – nay lại trở thành cái tên bất tử. Không phải vì quyền lực hay chiến tích, mà vì lời nguyền thiêng liêng vẫn còn khiến nhân loại phải nín thở mỗi khi nhắc đến.