Tác phẩm điện ảnh Kẻ Đột Nhập (Tên tiếng Anh: Intruder) mang đến những trải nghiệm điện ảnh khá căng thẳng và đặc biệt là đánh dấu cột mốc diễn xuất khá thành công cho cô nàng Song Ji Hyo.
Kẻ Đột Nhập kể về câu chuyện của Seo Jin (Kim Moo Yul) sau khi vợ bị tai nạn qua đời. Anh vừa phải vật lộn với sang chấn tâm lý vừa phải đối mặt với một thay đổi lớn trong gia đình. Cô em gái - Yu Jin (Song Ji Hyo) trở lại sau 25 năm trời mất tích. Đối với Seo Jin, em gái giờ đây như một người hoàn toàn xa lạ - kẻ bất ngờ đặt chân vào khuấy động gia đình anh.
Trailer "Intruder" (KẺ ĐỘT NHẬP)
1. Diễn xuất của nam - nữ chính có chiều sâu, dễ gây ám ảnh
Dự án điện ảnh tâm lý - điều tra lần này là một điểm nhấn trong sự nghiệp diễn xuất của Song Ji Hyo. Nhân vật Yu Jin của cô rất có tâm lý vô cùng phức tạp. Cô tỏ ra ngây thơ, hiền dịu trong mắt gia đình mình nhưng lại rất bí ẩn, đáng ngờ trong mắt người anh trai Seo Jin. Điểm khó mà Song Ji Hyo phải thể hiện, đó là cô phải thả những manh mối sao cho chúng chỉ đáng ngờ trong mắt Seo Jin nhưng lại hoàn toàn vô hại trong mắt các thành viên còn lại trong gia đình. Ngoài ra, vẫn phải có nét vô hồn khó lý giải phảng phất trong thần thái của Yu Jin khiến khán giả phải đề phòng, theo đúng ý đồ của đạo diễn. Đây là diễn xuất với tâm lý kép tương đối phức tạp và Song Ji Hyo đã hoàn thành tốt nhiệm vụ.
Diễn xuất của Song Ji Hyo và Kim Moo Yul khá thành công
Vai diễn của Kim Moo Yul lại có vẻ như không gây khó khăn được cho anh, vì vào năm 2017 anh cũng đã có một nhân vật tương tự trong dự án điện ảnh Forgotten cùng với Kang Ha Neul. Seo Jin của Moo Yul trong Kẻ Đột Nhập khá tương tự với nhân vật của anh trong Forgotten, cũng là motif bị sang chấn - mất trí...
2. Sự chuyển màu của kịch bản đi kèm với không khí phim làm nên món ăn "tra tấn tinh thần" đầy phấn khích
Điểm thú vị của Kẻ Đột Nhập nằm ở chỗ không khí phim và cách bày trí bối cảnh. Trong phim, Seo Jin có hai nơi ở. Một là căn hộ riêng hai là nhà cha mẹ anh. Cách bày trí bối cảnh ở hai căn hộ kèm theo là ánh sáng v.v... tuy khác nhau nhưng về bản chất, đều có thể so sánh với một hình tượng. Đó là: Ngôi nhà búp bê - một thứ giả tạo, thiếu sức sống nhưng được trang hoàng không khác gì đời thật.
Tông màu trong căn nhà nơi Yu Jin và gia đình sinh sống thay đổi từ từ
Cách bày trí của đạo diễn thật sự thông minh khi khiến hai căn nhà tưởng như đối lập nhau hoàn toàn nhưng lại như có cùng một tầm hồn. Đó là sự trống rỗng. Đó là vì hai căn nhà từ lâu đều đã không còn là mái ấm cho các thành viên nữa. Nhà của cha mẹ Seo Jin thì thiếu đi bóng người em gái, căn hộ chung cư của Seo Jin thì mất đi người vợ thảo hiền. Bốn bức vách thì còn, nhưng linh hồn - ngọn lửa gia đình bên trong mỗi căn hộ đã bị khuyết đi một phần. Có thể ví von khoa trương là cả hai gia đình đều đã mất đi "nhân tố kết nối", nên chỉ còn lại sự lạnh lẽo.
Ở căn nhà của cha mẹ Seo Jin - nơi diễn ra mọi chuyện, nội thất thay đổi từng chút một nhưng lại thể hiện ý đồ. Từ một căn biệt phủ cổ mang phong cách châu Âu cổ kính, phủ đầy một màu nâu hoài cổ, Yu Jin trở về và thay hết nội thất trong nhà. Nhưng mọi thứ cô mang lại vẫn chẳng có gì thay đổi. Bản thân cô cũng trở thành một phần lặp đi lặp lại của căn nhà, suốt ngày chỉ cầm bình nước tưới cây khiến người ta có cảm giác Yu Jin đang cố sức hòa mình vào gia đình từng là của mình.
3. Kịch bản hơi gấp rút, đầu phim thì "tàn tàn" - cuối phim thì vắt chân lên cổ mà chạy, Song Ji Hyo hơi bị... Mary Sue
Có lẽ cách phân bố kịch bản thành hai phần, đầu phim thì chậm, càng về cuối càng gấp rút là "món ruột" của dòng phim kinh dị tâm lý. Tiếc là đối với Kẻ Đột Nhập, cách áp dụng công thức của đạo diễn dường như hơi cứng nhắc. Các tình tiết được phân bố không hợp lý.
Yu Jin đang cố gắng hòa nhập một cách vụng về
Đầu phim, sự chú ý của Seo Jin hướng về cái chết của vợ. Nhưng giữa và cuối phim, anh chỉ tập trung vào cô em gái thất lạc. Cuối phim lại vòng ngược về kết nối với điểm xuất phát của Seo Jin. Tuy lời giải của kịch bản có ăn khớp, hợp tình hợp lý nhưng vẫn còn gượng gạo.
Nhân vật Yu Jin được "bơm" lên thành mẫu nữ quá hoàn hảo. Cô suy nghĩ vô cùng chu toàn. Mọi hành động của người phụ nữ này ăn khớp với thời cuộc cứ như... số phận định đoạt. Khiến kết quả chung cuộc hơi bị... thiếu thuyết phục, khi mà ván cờ trắng đen, thiện - ác được giải quyết một cách lãng nhách. Kết phim quá đơn giản, nam chính gần như được "trời độ" khiến bài học anh ta rút ra chẳng có giá trị gì.
Nam chính khá may mắn
Đây là một điểm yếu thấy nhiều trong các phim Hàn gần đây. Đầu phim bày ra quá nhiều nút thắt, cuối phim biên kịch chỉ biết cậy vào "vận may" để giải quyết vấn đề chứ về logic thì không thể nào giải quyết nổi.
Nhìn chung, Kẻ Đột Nhập có thể là một tác phẩm điện ảnh nghẹt thở, gay cấn, hồi hộp nhưng vẫn đem lại chút gì đó hụt hẫng về cuối phim. Thông điệp lên án nạn mê tín dị đoan ở xứ Hàn vẫn chưa được nói lên đủ mạnh mà phần lớn chỉ nhắm vào câu chuyện cá nhân của từng người trong phim. Bài học rút ra từ phim này, thực tế hơn cả có lẽ là khi bị ốm, chúng ta nên uống thuốc chứ đừng để bệnh trở nặng như nam chính. Bệnh vào rồi thì làm gì cũng không xong, kể cả cứu lấy gia đình mình.
Kẻ Đột Nhập hiện đang được công chiếu tại các rạp trên toàn quốc.