Từng được biết tới như một "hiện tượng mạng" với biệt danh "Thánh Chơi Đàn", năm qua đánh dấu thành công của K-ICM (tên thật là Nguyễn Bảo Khánh) khi liên tục ghi dấu ấn với khán giả qua loạt bản hit đình đám như "Buồn Của Anh", "Sao em vô tình",.. và gần đây nhất là "Bạc phận". Các ca khúc này sau khi ra mắt đã "gây bão" Youtube với lượng tương tác cực khủng, thậm chí trở thành "hiện tượng" khắp các trang MXH.
Có thể nói, tuy chỉ mới 20 tuổi nhưng chàng trai trẻ này đã chứng minh tài năng âm nhạc của mình trong nhiều vai trò khác nhau từ nhà sản xuất, sáng tác và biểu diễn. Cùng lắng nghe những chia sẻ của K-ICM sau thành công ngoài mong đợi của loạt ca khúc trên cũng như những dự án âm nhạc mà producer trẻ này chuẩn bị thực hiện trong thời gian tới.
K-ICM chia sẻ về danh xưng "hiện tượng mạng" và định hướng âm nhạc trong thời gian tới cùng Jack
Chào KICM, bạn từng chia sẻ rằng hành trình đi đến với âm nhạc không được thuận lợi như người khác, phải tự mò mẫm tất cả. Vậy cơ duyên nào đã đưa bạn tới với âm nhạc và nhận ra mình có năng khiếu trong lĩnh vực này?
Khởi đầu của tôi không giống nhiều producer hay nhạc sĩ khác là được học trong trường lớp bài bản. Ngay cả cây đàn đầu tiên cũng là ba mua cho anh hai, sau đó vì thấy anh hai không dùng tới, uổng quá nên tôi dùng luôn. Không ngờ, bản thân lại gắn bó và có niềm đam mê chơi đàn hơn ca hát.
Tôi bắt đầu biết chơi nhạc từ năm 7 tuổi, 2,3 năm sau đó thì theo anh trai đi biểu diễn, chơi đàn trong các buổi tiệc cưới. Vì rất ngưỡng mộ những người nhạc công chơi đàn tại đó nên tôi cũng có ước mơ lớn lên sẽ trở thành một người đàn trong… đám cưới! Từ môi trường đó, tôi dần học hỏi, trau dồi kinh nghiệm, đúc kết những giá trị âm nhạc và dùng chúng cho tới tận sau này.
Sau đó, bản thân cũng tự đặt câu hỏi rằng tại sao mình lại không làm những gì tốt hơn hiện tại? Ba mẹ cũng nói rằng thôi hãy kiếm nghề nào khác chứ chẳng lẽ sau này vẫn cứ xách mãi cây đàn đi muôn nơi. Đúng lúc đó, mạng xã hội xuất hiện trào lưu livestream, tôi cũng chơi đàn trên đó để cho mọi người thấy tài năng của mình. Ban đầu chỉ có vài chục người xem, dần dần con số tăng lên tới 10 ngàn người và cả triệu view trên Facebook sau đó. Vì vậy, tôi quyết định xin ba mẹ cho lên Sài Gòn thử sức, diễn nhiều hơn ở các sự kiện,…
Bạn từng "bắt tay" với Masew và Đạt G trong bản hit "Buồn của anh" trước đó. Vậy cơ duyên nào đã tạo nên sự kết hợp này?
Thời điểm đó, ba mẹ tôi ngoài Hà Nội có nhắn rằng hãy về đi và hai người sẽ lo sự nghiệp cho tôi một cách bài bản, vững chắc hơn là việc cứ tiếp tục làm một hiện tượng mạng như thế. Nhưng tôi chỉ mới có 17 tuổi, còn trẻ nên cứng đầu không nghe, cứ đi diễn chỗ này chỗ kia chứ chưa hình dung bản thân có thể trở thành một người nghệ sĩ, được nhiều người biết tới.
Sau này, khi mọi thứ có phần đi xuống, kèm theo khi đi diễn nghe xì xào rằng "thằng này ở trên mạng như vậy mà ngoài đời bình thường thế", tôi mới nhận ra trong mắt nhiều người, bản thân không quá quan trọng. Tôi phải tìm một người nâng đỡ cho mình thì mới có cơ hội thoát được khỏi danh xưng "hiện tượng mạng" và trở thành một người nghệ sĩ thực thụ.
Thời gian sau đó, tôi có ở lại Hà Nội, tìm hiểu tới việc phối khí và gặp anh Masew. Cả hai định làm một bài gì đó chung với nhau thì gặp thêm Đạt G. Sẵn lúc đó, mẹ tôi cũng động viên 3 đứa hãy làm một sản phẩm chung và "Buồn của anh" cũng ra đời như thế.
MV "Buồn của anh" - K-ICM x Đạt G x Masew
Thành công ngoài mong đợi của ca khúc đã đem lại cho bạn điều gì?
Thành công của "Buồn của anh" không tác động nhiều lắm tới tôi mà giúp anh Đạt G nhiều hơn. Vì trong một sản phẩm âm nhạc, người ta thường chú ý nhiều hơn tới ca sĩ chứ ít quan tâm tới producer hay hoà âm phối khí. Thêm vào đó, "Buồn của anh" là một bản ballad, âm nhạc của nó cũng không quá nổi bật nên việc người ta chỉ quan tâm tới ca sĩ là điều hết sức bình thường.
Sau bài hát này, tôi nhận ra nếu âm nhạc của mình cũng chỉ bình bình như vậy thì hình ảnh producer bấy lâu nay xây dựng cũng bị lu mờ luôn. Vì vậy, mình quyết định bắt tay vào làm nhạc điện tử. Tuy nhiên, vì xuất thân là một người chơi đàn, không phải producer nên chưa nhận được nhiều sự đón nhận.
Đến giai đoạn nào bạn nhận ra và quyết tâm đi theo con đường này một cách chuyên nghiệp nhất?
Đó là khi tôi ra mắt một sản phẩm mang tên "3 Đi" có sử dụng một số nhạc cụ dân tộc Việt Nam và nhận được nhiều sự ủng hộ của mọi người. Kể từ đó, mình nghe được nhiều hơn những lời khuyên, đặc biệt là mẹ nói hãy đưa nhạc cụ dân tộc Việt Nam vào sáng tác, mang nét đặc sắc dân tộc ra nước ngoài. Vì người ta biết tới tôi nhiều hơn nhờ cây đàn nên mọi người để ý sẽ thấy trong tất cả những phần trình diễn của tôi đều có cây đàn trong đó.
Cụm từ "hiện tượng mạng" đã cho bạn và giới hạn bạn ở những điểm nào? Và bạn đã làm gì để thoát ra khỏi giới hạn đó?
Cụm từ này khiến tôi bị giới hạn khá nhiều. Ví dụ như khi ra ngoài phố, người ta hay nhìn và hỏi " Cái thằng đó đánh đàn đó", "Em có phải là Khánh nện đàn không",... chứ không bao giờ gọi được tên thật của mình. Như anh Masew hay Đạt G, anh Sơn Tùng hay chị Mỹ Tâm, tất cả đều được gọi là nghệ sĩ với đúng tên thật của họ. Còn tôi thì chỉ giới hạn là người đánh đàn hay "Khánh nện đàn" trên MXH.
Lúc đó, tôi có suy nghĩ rằng nếu mình cứ đánh đàn trên mạng mãi thì người ta sẽ chỉ gọi mình là người đánh đàn thôi. Thay vì cứ đánh đàn mải miết như vậy, tại sao không dành thời gian ra làm sản phẩm để xây dựng tên tuổi của mình. Tôi bắt đầu lấy nghệ danh đó là K-ICM – Khánh ICM. Trong đó, ICM là tên công ty, đánh dấu cột mốc mình đã trở thành một nghệ sĩ chứ không còn là hiện tượng mạng nữa.
Khi bước chân vào con đường producer, với cá tính riêng biệt, bạn có mong muốn thay đổi gì cho nền âm nhạc không?
Trong thời gian qua, tôi thấy nhạc cụ dân gian và dân tộc của Việt Nam đang dần mờ đi. Nhạc dân ca vẫn được sử dụng nhưng nhìn vào các bài nhạc trẻ thì lại không còn bóng dáng, âm hưởng Việt Nam nữa mà in dấu ấn của Kpop, US-UK.
Từ đây, tôi mong muốn làm sao có thể mang nhạc cụ Việt Nam vào những bài nhạc. Người truyền cảm hứng cho tôi là KSHMR – một producer của Ấn Độ. Hầu như những bài nhạc của anh này đều sử dụng nhạc cụ dân tộc như tiếng trống, tiếng đàn,.. rất đặc trưng của Ấn Độ thì tại sao Việt Nam lại không làm được?
Có ý kiến cho rằng màu sắc trong các bạn phối của bạn hơi mang cảm xúc sến sến, miền Tây nhiều hơn âm nhạc ở guồng quay hiện đại. Bạn nghĩ sao về điều đó?
Có thể mọi người bị nhầm lẫn, không phải cứ dùng đàn tranh, sáo, bầu trong âm nhạc thì gán là nhạc miền Tây. Mọi người nghe nhạc dân ca nhiều quá và quen với việc họ có sử dụng những nhạc cụ dân tộc trong đó nên khi mọi người nghe một bài nhạc hiện đại có nhạc cụ dân tộc sẽ lầm tưởng rằng nó giống như nhạc miền Tây. Nếu phân tích theo những sound tiếng trong bài "Bạc phận" thì sẽ nhận ra tôi đã phối hợp Jazz và Hiphop của US-UK. Cụ thể, tôi dùng tiếng trống và âm điện tử của nước ngoài, kết hợp lại với đàn tranh, sáo bầu của Việt Nam. Sau "3 Đi" thì "Bạc phận" là bài thứ hai mà tôi mang nhạc cụ dân tộc vào.
Hiện tại, Việt Nam vẫn còn rất nhiều các vùng quê và phân khúc tôi muốn nhắm tới đó là tất cả mọi người chứ không chỉ riêng về thành phố. Một sản phẩm thành công hay không chính là ở khán giả, không có họ thì nghệ sĩ cũng sẽ chết. Vậy phải làm sao để bài nhạc của mình được vang lên ở tất cả mọi nơi trên đất nước chứ không phải riêng ở thành phố. "Bạc phận" vừa có rap vừa có lời hát, kết hợp giữa hiphop và dân ca để người ở tận những vùng sâu vùng xa vẫn có thể nghe được.
Tất cả âm nhạc của "Bạc phận" đã được tính toán sẵn một cách kĩ lưỡng chứ không phải mọi người hứng lên rồi làm?
Đó có thể là một sự ngẫu hứng có tính toán, làm sao để bài nhạc của mình hài hoà, tất cả mọi người đều nghe được. Chúng tôi chú tâm nhiều hơn tới sự đón nhận của khán giả, nếu họ phàn nàn rằng bài này sao khó nghe quá thì chứng tỏ sản phẩm đó đã thất bại rồi.
MV "Bạc phận" - Jack và K-ICM
Cơ duyên nào để K-ICM làm việc chung với Jack – chủ nhân hit "Hồng Nhan"? Và Jack cũng bị gọi là "hiện tượng mạng", âm nhạc cũng hơi sến thì bạn có động viên hay định hướng cho Jack không?
Tôi biết Jack lần đầu khi bạn ấy còn đang hoạt động trong nhóm J3 ở Sóc Trăng. Sau đó, khi Jack ra bài "Hồng Nhan" thì tôi mới bất ngờ vì cậu ấy có màu sắc lạ, luyến láy rất đặc trưng miền Tây, nếu kết hợp cùng nhạc cụ dân tộc thì sẽ rất tuyệt vời. Bản thân mình cũng có xin phép để remix lại ca khúc, tới nay phiên bản này đã đạt hơn 30 triệu view rồi, chứng tỏ giữa chúng tôi cũng có gì đó rất hoà hợp với nhau.
Tôi có gặp và cafe với Jack ở Sóc Trăng sau đó để nói chuyện. Khi cả hai cùng lên Sài Gòn thì bắt tay ngay vào làm "Bạc phận" và mất 5 ngày để làm ra một ca khúc hoàn chỉnh. Mọi thứ rất nhanh chóng.
Hiện tại, tôi và Jack đang đi chung với nhau, mẹ tôi cũng tư vấn và là người định hướng cho cậu ấy ở thời điểm hiện tại. "Hồng Nhan" cũng giống như "Buồn của anh", mới sản phẩm đầu tiên đã hit ngay thì dễ bị đánh giá là "hiện tượng" nên cậu ấy phải ra nhiều sản phẩm để dần dần khán giả thấy rõ năng lực, là một nghệ sĩ chứ không đơn thuần may mắn. Thực ra, nếu mọi người coi "Hồng nhan" là một sự may mắn, "Bạc phận" lại cũng vẫn may mắn thì vừa qua, việc sản phẩm "Sao em vô tình" chỉ sau 24 tiếng mà đạt được tới 4 triệu views không thể là may mắn được mà nó chính là thành công.
K-ICM và Jack.
Vậy bạn muốn Jack phát triển theo hướng vẫn mang chất Underground như hiện tại hay mang hướng nghệ sĩ Mainstream hơn?
Hiện tại thì mẹ tôi vẫn đang hướng để làm sao mọi người biết rộng rãi đến Jack nhưng cậu ấy vẫn giữ được chất Underground của mình. Thêm vào đó, tôi cũng đang quản lý thêm 3 bạn trẻ nữa, trong đó Jang Nguyễn cũng đã thành công với MV "Tỏ tình". Thời gian sắp tới thì có lẽ mình sẽ tập trung cho Jack nhất bởi vì tôi không muốn bạn ấy bị gọi là "hiện tượng mạng" nữa. Tôi muốn mọi người nhìn thấy cậu ấy là một nghệ sĩ thực thụ để làm sao mà khi ra đường mọi người sẽ nói Jack kìa, bạn hát bài "Hồng Nhan", "Bạc phận" kìa chứ không phải như tôi là thằng đánh đàn.
Bạn có định hướng cho các bạn khác trong team cũng đi theo màu sắc của mình không?
Tất nhiên là không. Khi mọi người vào team, tôi sẽ xem khả năng của mỗi người để từ đó phát triển thêm chứ không ép buộc ai phải đi theo màu của mình cả.
Giữa sa mạc tự nhiên nảy lên một cái cây thì đó là điều đặc biệt. Tương tự vậy, trong khi mọi người đang chú trọng vào ballad, edm hay một cái gì đó quá buồn, thê thảm đánh vào tâm lý của mọi người thì chúng tôi lại chơi nhạc dân tộc, làm những điều khác biệt. Giống như ngày xưa, khi mọi người chỉ đánh đàn ở tiệc cưới nhưng tôi lại nảy ra suy nghĩ, thâm nhập vào thế giới mạng đánh đàn.
Những sản phẩm sắp tới đây của chúng tôi cũng sẽ không bao giờ bị một màu. Nếu "Hồng nhan" và "Bạc phận" đã cho nhạc cụ dân tộc vào rồi thì bài "Vì sao em vô tình" lại là một bản ballad, làm cho mọi người dễ nghe và có sự thay đổi chứ không thể bắt mọi người nghe mãi một loại. Cái gì làm nhiều quá người ta cũng sẽ chán.
Bạn nghĩ sao về dòng chảy âm nhạc đối với EDM ở Việt Nam hiện tại? Cách đây khoảng 2-3 năm, thể loại này từng rất hot mà đến hiện tại lại chững lại đến mức những nghệ sĩ như Soobin Hoàng Sơn, Erik,... cũng không thể làm nên một bom tấn để vực dậy nó?
Mạng xã hội Việt Nam đang phát triển và mọi người luôn mong muốn được thưởng thức một cái gì đó mới mẻ, đặc trưng hơn chứ không phải ra nhiều bài hợp âm vẫn như vậy mà chỉ đổi lời. Trong một con đường mà có nhiều tiệm phở mở ra, tô này thì có thêm cọng rau, tô kia thì có thêm miếng thịt bò thì nó vẫn chỉ là phở. Vì vậy, người ta sẽ không biết chọn cái nào. Trong lúc đó, mình mang một cửa hàng mì gói ra thì đương nhiên mọi người sẽ thấy lạ và vào ăn mì tôm. Mình cần phải biết khán giả muốn cái gì và làm gì để để khán giả có thể nghe cái đó.
Từng làm việc với nhiều nghệ sĩ xuất thân Underground, bạn đánh giá thế nào về các bạn ấy?
Những nghệ sĩ Underground thực sự rất hoà đồng, chơi chung với nhau nên rất dễ làm việc. Trong giới Underground, mọi người thường làm việc với nhau theo kiểu "sao cũng được" nên mặt lợi là rất thoải mái và dễ tiếp xúc. Còn khó khăn chính là việc mọi người vẫn chưa chỉn chu được hết mọi thứ, hứng lên mới làm nên khi ra sản phẩm, có thể chúng tôi thấy hay nhưng mọi người không cảm thấy như vậy. Nếu cứ nổi loạn, làm một bài nhạc sơ sài, qua loa mà vẫn đăng tải cho mọi người nghe nghĩa là chúng tôi không tôn trọng khán giả của mình.
Tuy nhiên, Underground cũng có trường hợp ích kỉ, không hoà đồng dẫn tới cạnh tranh không công bằng. Ví dụ như hai người đang ngang hàng nhau mà bỗng nhiên có một người nổi bật hơn thì người còn lại sẽ mang cảm giác ghen tức, bất bình không hiểu vì sao mà mọi người cuồng tới vậy. Có thể họ sẽ ghét nhau, ra những bài nhạc để "giết nhau". Nếu mọi người trong giới hoà đồng với nhau, cùng nhau hợp tác đi lên thì Underground sẽ phát triển vô cùng.
Bạn nhận định thế nào về gu âm nhạc và xu thế phát triển của Underground ở thời điểm hiện tại?
Càng ngày, các nghệ sĩ Underground càng khẳng định vị trí của mình trong nền âm nhạc Việt Nam. Xã hội ngày càng phát triển, kéo theo âm nhạc cũng phát triển theo. Underground bây giờ không giống như ngày xưa khi mà mọi người nhìn vào coi đó là "chơi bời" nữa. Bây giờ, họ đang phát triển theo hướng tốt hơn rất nhiều, không phải sản phẩm nào cũng chửi bới mà đã dùng những từ ngữ rất đẹp để nói về xã hội hiện tại.
Cảm ơn K-ICM rất nhiều với những chia sẻ trên!