Con số 14.517 trường hợp ngược đãi trẻ em tại Indonesia trong năm 2021 được bà I Gusti Ayu Bintang Darmawati, Bộ trưởng Trao quyền cho phụ nữ và Bảo vệ Trẻ em Indonesia, công bố trong một cuộc thảo luận trực tuyến ngày hôm qua (19/1).
Theo bà Gusti, bạo lực, xâm hại tình dục nhằm vào trẻ em có xu hướng gia tăng trong giai đoạn nhiều khu vực phải phong tỏa vì dịch bệnh Covid-19. Một số nhà tâm lý học lý giải, khi trẻ chuyển sang học trực tuyến, số vụ ngược đãi, bỏ bê, phớt lờ trẻ nhiều hơn vì nhiều phụ huynh không thể thay thế vai trò giáo viên.
Trong khi đó, Ủy ban Bảo vệ Trẻ em Indonesia (KPAI) cũng ghi nhận 207 trẻ em là nạn nhân bạo lực, lạm dụng tình dục học đường trong năm 2021. Phần lớn thủ phạm là những người làm việc tại các trường học.
Tình trạng ngược đãi cũng xảy ra với phụ nữ, với 10.247 trường hợp ghi nhận trong năm 2021. Đáng báo động, đây chỉ là phần nổi của “tảng băng chìm” vì có những vụ việc phức tạp hơn, nghiêm trọng hơn chưa được báo cáo. Nhiều nạn nhân ở Indonesia không dám lên tiếng vì ngại sự kỳ thị của xã hội, trong khi các quy định giải quyết các vụ việc ngược đãi còn chưa rõ ràng.
Trước thực trạng này, Bộ trưởng Trao quyền cho phụ nữ và Bảo vệ Trẻ em Indonesia Gusti cho rằng Hạ viện nước này cần lập tức thông qua “Dự thảo Luật Tội phạm Bạo lực Tình dục” để tạo hành lang pháp lý trừng trị kẻ ác, bảo vệ các nạn nhân.
Trong năm 2022, chính phủ Indonesia dự kiến đưa ra một loạt sáng kiến để ngăn chặn tình trạng ngược đãi trẻ em, phụ nữ gồm các chương trình khởi nghiệp cho phụ nữ; giáo dục về các vấn đề liên quan trẻ em cho các bà mẹ, xóa bỏ lao động trẻ em và ngăn chặn nạn tảo hôn.