Những năm gần đây, nền âm nhạc Kpop của Hàn Quốc đang ngày càng gây nhiều sự chú ý cũng như được công nhận nhiều hơn trên bản đồ âm nhạc thế giới. Các sản phẩm của idol cũng xuất hiện nhiều và thường xuyên hơn, với thứ hạng ấn tượng trên BXH Billboard danh giá. Không chỉ vậy, quy mô fandom của nhiều thần tượng cũng không còn giới hạn ở châu Á mà đã mở rộng, sở hữu lượng fan Châu Âu hay Châu Mỹ đông đảo.
Sự lớn mạnh và bành trướng của Kpop đã khiến các nghệ sĩ US-UK không thể làm ngơ khi nó đã dần trở thành đối thủ cạnh tranh trực tiếp với nền âm nhạc vốn luôn được đánh giá là hàng đầu thế giới. Tuy nhiên, thay vì coi nhau như đối thủ thì xu hướng hợp tác giữa các thần tượng xứ Hàn với những ngôi sao Âu Mỹ lại đang rất thịnh hành. Đây có thể coi là chiến lược thông minh bởi cả 2 bên đều có cơ hội tăng danh tiếng và độ phổ biến của mình, đồng thời rút ngắn khoảng cách cũng như sự khác biệt giữa 2 nền âm nhạc.
Ngày càng có nhiều cái bắt tay giữa idol Hàn Quốc với các ngôi sao quốc tế
Dù là xu hướng thịnh hành và được đông đảo người hâm mộ đón nhận không phải dự án hợp tác nào cũng mang lại hiệu ứng như mong đợi. Trong khi MONSTA, NCT, Red Velvet,... đều đã hợp tác với những tên tuổi lớn như Steve Aoki, Jason Derulo, Ellie Goulding,... thì các sản phẩm âm nhạc thực sự nổi bật và trở nên phổ biến trong cộng đồng người hâm mộ lại chỉ đếm trên đầu ngón tay.
Lý do nào khiến những màn hợp tác tưởng như sẽ trở thành cơn sốt lại không gây được nhiều tiếng vang?
Cùng hát nhưng lại không có MV chung
Sự xa cách về vị trí địa lý là rào cản lớn cho các nghệ sĩ trong quá trình hợp tác. Nếu như lịch trình vốn đã bận rộn, khó sắp xếp thì việc cách nhau cả nửa bán cầu càng khiến các nghệ sĩ thêm bất tiện và mất nhiều thời gian để làm việc cùng nhau. Đó cũng là lý do khiến nhiều sản phẩm kết hợp chỉ được phát hành bản nhạc số chứ không có MV.
Trong khi đó, ở thời đại số cùng với nền tảng youtube đang rất phổ biến thì ra mắt MV có vai trò vô cùng quan trọng. Khán giả giờ đây không chỉ thưởng thức bằng tai mà còn có nhu cầu xem và chia sẻ các nội dung, hình ảnh, điều giúp truyền tải các thông điệp trọn vẹn hơn. Do vậy mà không phát hành MV đã là một bước lùi, ngăn cản sản phẩm âm nhạc được lan truyền, quảng bá rộng rãi hơn.
Bản remix "Close To Me" của Ellie Goulding và Red Velvet chỉ được phát hành bản nhạc số
Ví dụ điển hình là màn hợp tác của BlackPink cùng Dua Lipa hay Red Velvet - Ellie Goulding gần đây. Dù tất cả đều là những tên tuổi nổi tiếng với sức hút lớn nhưng việc chỉ phát hành bản nhạc số dường như đã không thể đáp ứng kỳ vọng của người hâm mộ. Với một ca khúc chất lượng như "Kiss and Make Up" thì chắc chắn nếu ra mắt một video có sự xuất hiện của cả 2 bên, sản phẩm sẽ còn gây được hiệu ứng tốt hơn nữa.
Màn hợp tác của Dua Lipa và BlackPink được mong đợi và đánh giá cao nhưng khiến fan tiếc hùi hụi vì không có MV
Ngược lại, dù chỉ là bài b-side nhưng MV "Mic Drop" - kết quả của màn hợp tác giữa BTS và Steve Aoki đã thành công không kém gì các ca khúc chủ đề.
Trong khi đó, ca khúc hợp tác giữa DJ Steve Aoki và BTS - "MIC Drop" có MV được đầu tư bài bản đã trở thành hit lớn
Thiếu sự hòa hợp giữa 2 ngôn ngữ Hàn - Anh
Rào cản ngôn ngữ cũng là điều khiến các màn hợp tác không mang lại hiệu quả như kỳ vọng. Trong hầu hết những ca khúc kết hợp này, idol thường hát tiếng Hàn trong khi nghệ sĩ Âu Mỹ chỉ có thể "bắn" tiếng Anh. Sự pha trộn kiểu "nửa nạc nửa mỡ" như vậy thường thiếu đi sự ăn ý và hòa hợp, khiến khán giả không thể cảm nhận được trọn vẹn nội dung ca khúc.
MV "IDOL" (BTS) phiên bản kết hợp cùng Nicki Minaj
Đây là chưa kể đến việc lời tiếng Anh xuất hiện nhiều trong một bài hát không phải gu ưa thích của người hâm mộ Hàn Quốc. Thậm chí là với nhóm nhạc có lượng fan hùng hậu như BTS thì phiên bản "IDOL" kết hợp cùng Nicki Minaj cũng chưa thể tạo nên sự bùng nổ khi đoạn rap của nữ ca sĩ hoàn toàn bằng tiếng Anh và còn khá rời rạc trong tổng thể toàn bài.
Không được quảng bá như những sản phẩm thuần Hàn
Một đặc sản chỉ có ở Kpop đó là các sân khấu tại những chương trình âm nhạc hàng tuần trên truyền hình – phương tiện hữu ích giúp các thần tượng cạnh tranh và quảng bá sản phẩm âm nhạc của mình. Tuy nhiên, những ca khúc hợp tác Kpop – USUK lại không được hưởng lợi thế đó.
Các show âm nhạc là nơi để những ca khúc được quảng bá rộng rãi đến khán giả
Khoảng cách địa lý, khác biệt về thời gian, lịch trình hoạt động khiến các nghệ sĩ dường như không có cơ hội để cùng nhau thể hiện ca khúc của mình. Đồng thời, đa số sản phẩm chỉ là dự án nhỏ, không được quảng bá nhiều trước khi phát hành, không có những teaser hay trailer "thả thính" để gây thêm sự tò mò, trông đợi cho khán giả.
MV "Written In The Stars" của Wendy (Red Velvet) và John Legend chỉ nằm trong dự án Station của SM nên ít được chú ý
Bên cạnh đó, sự khác biệt về thị hiếu âm nhạc, văn hóa dù đã mờ nhạt dần nhưng vẫn là rào cản, khiến các màn kết hợp chưa thể bùng nổ.
Dẫu gặp nhiều khó khăn nhưng trong thời đại mà mọi khoảng cách hay sự khác biệt đang ngày càng được xóa bỏ thì xu hướng hợp tác giữa các nghệ sĩ Kpop và US-UK được dự đoán là sẽ còn phát triển hơn nữa. Không đâu xa, trong lần trở lại ngày 12/4 này, BTS sẽ tiếp tục bắt tay với nữ ca sĩ Halsey để ra mắt một MV hoành tráng, được dự đoán có thể là ca khúc chủ đề của mini album mới. Đây hứa hẹn là một bước tiến lớn để Bangtan tiếp tục nâng cao vị thế, tầm ảnh hưởng của mình tại trời Tây nhưng cũng ẩn chứa nhiều rủi ro không kém.
BTS sẽ kết hợp với Halsey trong MV "Boy With Luv"
Tuy nhiên, sự đầu tư kỹ lưỡng, bài bản và nghiêm túc của BTS cũng như thành công từ "Mic Drop" sẽ là nền tảng để người hâm mộ tin tưởng và kỳ vọng Bangtan sẽ tạo ra cú nổ lớn trong lần comeback này.