Thẻ tín dụng là sản phẩm dịch vụ của ngân hàng hay các tổ chức tài chính, cho phép người dùng có thể sử dụng tiền theo hạn mức được cấp để chi tiêu trước và trả sau với thời hạn miễn lãi từ 45 - 55 ngày. Mỗi ngân hàng sẽ có quy định ngày sao kê khác nhau và ngày thanh toán cũng được thông báo cụ thể gửi đến người dùng hàng tháng.
Cách dùng thẻ tín dụng thông minh, an toàn
Để tối ưu hóa tính năng đồng thời hạn chế các rủi ro, người dùng thẻ tín dụng có thể tham khảo các hướng dẫn sau đây:
Chọn loại thẻ phù hợp
Chọn sản phẩm thẻ tín dụng phù hợp giúp người dùng thoải mái chi tiêu. Người thường xuyên mua sắm nên chọn các sản phẩm thẻ tín dụng có tỷ lệ hoàn tiền lớn, liên kết với nhiều cửa hàng... để đáp ứng tối đa nhu cầu mà vẫn tiết kiệm.
Tìm hiểu các điều khoản sử dụng thẻ
Người dùng nên tìm hiểu kỹ các điều kiện sử dụng thẻ tín dụng. (Ảnh minh họa)
Hầu hết người dùng đều bỏ qua thông tin về điều khoản điều kiện sử dụng thẻ vì nội dung thường khá dài. Không ít trường hợp do không hiểu hết điều kiện trong hợp đồng dẫn tới "mất tiền oan". Chẳng hạn, nếu không nắm rõ thời gian đến hạn thanh toán và thanh toán chậm, chủ thẻ phải chịu lãi thanh toán quá hạn. Các thông tin quan trọng người dùng cần chú ý như lãi suất, ngày chốt sao kê, số tiền thanh toán, dư nợ cuối kỳ...
Bảo mật thông tin thẻ
Thông tin thẻ tín dụng có thể bị lộ khi thanh toán trực tuyến, rút tiền hay mua hàng tại cửa hàng, siêu thị... Do đó, chủ thẻ cần cẩn trọng ghi giao dịch thẻ. Lưu ý, khi thực hiện thanh toán tại POS, không được rời mắt quá trình quẹt thẻ, kiểm tra lại hóa đơn khi ký xác nhận thanh toán và giữ hóa đơn lại để đối chiếu khi cần thiết.
Nếu rút tiền tại cây ATM, nên dùng tay che chắn lại khi nhập mã PIN, không nên ghi mã PIN trên thẻ và cẩn thận trong quá trình nhập thông tin thanh toán khi mua hàng trực tuyến.
Khi bị mất thẻ, cần liên hệ ngay đến hotline của tổ chức phát hành thẻ để được hỗ trợ khóa thẻ hoặc thực hiện khóa thẻ qua ứng dụng của ngân hàng.
Hạn chế rút tiền mặt bằng thẻ tín dụng
Mặc dù thẻ tín dụng có chức năng rút tiền mặt tại cây ATM. Thế nhưng, việc rút tiền từ thẻ tín dụng được khuyên là không nên vì ngay tại thời điểm rút tiền, khách hàng sẽ bị tính lãi suất, và thường mức lãi suất này rất cao.
Không nên dùng thẻ tín dụng thanh toán những giao dịch lớn
Với những giao dịch lớn như mua nhà, mua xe hoặc kinh doanh, người dùng nên cân nhắc vay ngân hàng thay vì sử dụng thẻ tín dụng. Lý do là những khoản tiền lớn như vậy, nếu không thanh toán dư nợ trong thời gian miễn lãi thì phải chịu lãi suất rất cao. Ngoài ra còn một khoản phí thanh toán chậm.
Không nên dùng thẻ tín dụng cho những giao dịch lớn. (Ảnh minh họa)
Nên đăng ký hạn mức tiêu dùng tối đa bằng 50% thu nhập mỗi tháng
Hầu hết các chuyên gia tài chính đều khuyên khách hàng chỉ nên mở thẻ tín dụng với hạn mức bằng 50% thu nhập hàng tháng. Nếu thu nhập hàng tháng 20 triệu thì chỉ nên đăng ký hạn mức là 10 triệu. Điều này giúp chủ thẻ quản lý tài chính hiệu quả hơn, đảm bảo khả năng thanh toán nợ hàng tháng.
Ký vào mặt sau của thẻ
Ký vào mặt sau thẻ giúp nhân viên đối chiếu chữ ký mặt sau thẻ và chữ ký người sử dụng để xác định có là chủ sở hữu thẻ hay không. Bằng cách này, người dùng sẽ tránh được nguy cơ mất tiền khi thẻ bị đánh cắp.
Không tiết lộ số thẻ tín dụng
Với đặc điểm có thể thanh toán bằng thẻ tín dụng ngay cả khi không cần mang theo thẻ, khách hàng chỉ cần nhập thông tin thẻ. Vì thế, bảo mật thông tin thẻ là điều quan trọng.
Thường xuyên kiểm tra dư nợ thẻ và sao kê hàng tháng
Hầu hết ứng dụng của các tổ chức tín dụng đều xây dựng chức năng quản lý và hỗ trợ khách hàng khi sử dụng thẻ. Vì thế, chỉ cần một vài thao tác, khách hàng có thể kiểm tra được dư nợ thẻ, thông tin sao kê hàng tháng cũng như phát hiện các giao dịch bất thường (nếu có).
Tổng hợp