Vốn được gọi vui là “thẻ ghi nợ”, “tiêu trước trả tiền sau”... nên nhiều người e ngại tìm hiểu và sử dụng thẻ tín dụng vì lo mang nợ nần. Song, thực tế có số đông bạn trẻ đã thay đổi cái nhìn về hình thức thanh toán này sau thời gian trải nghiệm.
Một trong số đó là Linh Nga (25 tuổi, Hà Nội). Hồi đầu chưa dùng thẻ, cô bạn từng lo lắng bản thân có thể chi tiêu quá tay. Tuy nhiên, sau khi đã làm chủ của một thẻ tín dụng, cô còn thấy hình thức thanh toán này góp phần quản lý tài chính tốt hơn.
“Ban đầu mình dùng thẻ tín dụng vì chúng được miễn phí thường niên năm đầu tiên và có nhiều chương trình cashback (hoàn tiền). Mình dùng thẻ tín dụng thấy rất ổn. Bởi mỗi tháng mình đều nhận được mail xem tháng trước tiêu hết bao nhiêu, mua cái gì. Chưa kể những lúc nhà có việc, cần tiền gấp thì mình vẫn còn thẻ tín dụng để phục vụ nhu cầu ăn uống cơ bản. Ra đường có thêm thẻ tín dụng tự tin hơn hẳn”, Linh Nga nói.
Ảnh minh hoạ
Một trường hợp khác, Thanh Hoài (28 tuổi, Hà Nội) đang dùng cùng lúc 2 thẻ tín dụng. Mỗi tháng, cô tiêu khoảng 2-3 triệu đồng khi dùng thẻ tín dụng để mua đồ trên sàn thương mại điện tử và đi siêu thị. Sắp tới, Thanh Hoài tính quẹt thẻ để đóng khoản tiền lớn hơn là bảo hiểm nhân thọ.
Hoài bắt đầu tìm hiểu thẻ sau khi một số ngân hàng về công ty cô giới thiệu hình thức thanh toán. Tương tự Linh Nga, Thanh Hoài mở thẻ tín dụng vì 2 ưu điểm là chương trình hoàn tiền và năm đầu được miễn phí thường niên. Sau đó, cô càng cảm thấy loại thẻ này hữu ích khi cần đóng những khoản phí lớn mà bản thân chưa có sẵn tiền như bảo hiểm, đi khám tại bệnh viện.
Ban đầu, Thanh Hoài lo lắng “quẹt” thẻ tín dụng quá tay có thể dẫn đến nợ. Bản thân cô từng khá chật vật trong việc quản lý tài chính khi dùng thẻ. Song, hiện tại Thanh Hoài đã tìm ra cách xài thẻ mà không mang áp lực.
“Lúc đầu mình khá khó khăn cân đối chi tiêu khi dùng thẻ tín dụng. Do khi có lương mình phải trích một phần lương để trả tín dụng luôn. Mình cảm giác nó giống như vòng lặp. lúc nào bản thân cũng nợ.
Nhưng sau đó mình xem xét các khoản chi tiêu, đồ gì cần thiết mới mua chứ không còn mua vì thích. Bên cạnh đó, mình mua đồ bình dân chứ không phải hàng xa xỉ. Mình hay dùng thẻ tín dụng, sau đó thanh toán luôn để đỡ cảm giác đang mắc nợ. Mình biết làm như vậy sẽ không tận dụng hết ưu điểm của thẻ tín dụng, nhưng cảm giác sẽ nhẹ nhõm hơn và thoát khỏi vòng xoáy nợ tín dụng”, Thanh Hoài kể.
Còn với Mạnh Đức (31 tuổi, Hà Nội), không phải các chính sách ưu đãi, anh dùng hình thức thanh toán này để tăng điểm tín dụng, từ đó giúp việc vay vốn từ ngân hàng dễ dàng hơn.
Mạnh Đức quẹt thẻ tín dụng từ thời mới đi làm. Hiện tại, anh chỉ dùng 1 thẻ tín dụng và coi chúng là cách quản lý chi tiêu tốt. Bởi vào cuối tháng hay đầu tháng sau, chỉ cần thanh toán số dư nợ của thẻ tín dụng, Mạnh Đức sẽ biết bản thân đã tiêu tiền vào những khoản nào, sau đó tự khắc biết cân đối chi tiêu. Chàng trai cho hay, bản thân “nói không” với các chính sách ưu đãi từ thẻ tín dụng bởi nghĩ chúng là “cạm bẫy tiêu dùng”, chỉ khiến mình mua nhiều hơn so với nhu cầu cần thiết.
Trước câu hỏi này, cả Mạnh Đức và Thanh Hoài trả lời “Có” vì nhận thấy nhiều ưu điểm của hình thức thanh toán.
Thanh Hoài cho hay: “Mình nghĩ ai cũng nên có 1 thẻ tín dụng. Mình có thể tận dụng chương trình ưu đãi của bên mở thẻ. Nếu biết quản lý chi tiêu thì mình nghĩ ai cũng không cần mất thêm chi phí như phí phạt thanh toán muộn. Thẻ tín dụng cũng cho mình một khoản dự trù trong trường hợp bản thân chưa có sẵn. Cuối cùng, mình nghĩ nếu biết quản lý tài chính thì cứ mạnh dạn dùng thẻ nhé”.
Ảnh minh hoạ
Bản thân Thanh Hoài đã tận dụng được một số ưu đãi nhờ thẻ tín dụng: “Mình dùng 2 thẻ tín dụng. Khi dùng 1 thẻ, mình tiêu 4 triệu trong tháng đầu thì được hoàn tiền 1 triệu, mua vé xem phim rạp CGV giá 78 ngàn/2 vé. Một thẻ khác giúp mình được hoàn tiền 6% trên tổng hoá đơn của các sàn thương mại điện tử, sau đó mình đổi điểm thành được giảm 500 ngàn đồng. Mình thấy số tiền không nhiều nhưng có vẫn hơn không”.
Trong khi đó, Mạnh Đức khuyên mọi người nên dùng thẻ tín dụng, với điều kiện có hiểu biết nhất định về cách dùng thẻ. Vì suy cho cùng, anh cho rằng, loại thẻ này vẫn là con dao 2 lưỡi. Nếu không biết cách tiêu dùng thông minh, bạn vẫn có thể gánh nợ nần và gặp áp lực tài chính.