"Hotel Mumbai" - Tàn bạo, kịch tính nhưng chưa sâu lắng

CÀ CHUA, Theo Helino 20:10 23/03/2019

Dù thể hiện được sự tàn bạo và kịch tính của vụ khủng bố chấn động Mumbai năm 2008, "Hotel Mumbai" lại thiếu những khoảnh khắc lắng đọng để truyền tải cảm xúc đến khán giả.

Hotel Mumbai (Khách Sạn Mumbai) được lấy cảm hứng từ phim tài liệu Surviving Mumbai (2009), dựa trên chuỗi sự kiện khủng bố đẫm máu diễn ra tại Mumbai vào năm 2008 khi 10 tay súng tấn công khắp Mumbai, giết chết hơn 173 người và khiến 308 người khác bị thương. Phim chủ yếu tập trung vào khách sạn hạng sang Taj Mahal, nơi hơn 2000 du khách và nhân viên mắc kẹt dưới họng súng của những kẻ khủng bố khát máu.

Trailer "Hotel Mumbai"

Căng thẳng trước sự tàn bạo của khủng bố

Là một bộ phim dựa trên một vụ thảm sát có thật, Hotel Mumbai ép người xem vào những giờ phút căng thẳng nhất. Suốt 2 tiếng của phim, khán giả không thể ngừng giật mình sợ hãi vì tiếng súng đinh tai, những cái chết xảy ra trong chớp mắt, những tiếng la hét, khóc than, và những cuộc truy sát đáng sợ đến nghẹt thở. Vụ xả súng được thể hiện một cách chân thật, trần trụi càng làm cho nhịp phim bị đẩy lên cao và để lại những ấn tượng gần như không thể phai nhòa trong lòng người xem rất lâu sau đó.

Hotel Mumbai - Tàn bạo, kịch tính nhưng chưa sâu lắng - Ảnh 2.

Những cảnh bắn giết trong phim được thể hiện khá tàn bạo và chân thật.

Phim không sa đà vào việc kể chuyện, mà tập trung nhiều vào các chi tiết nhỏ để khán giả có thể để ý và ngẫm nghĩ. Đó là chiếc giày mà chàng lễ tân đánh rơi trong nhà buổi sáng, là chiếc khăn trên đầu anh chàng người Hồi, tượng trưng cho lòng tự trọng, đức tin và sự dũng cảm, là khung cảnh Mumbai bình yên, những con phố nhộn nhịp bỗng trở nên hoảng loạn, tang tóc. Tất cả được lồng ghép vào những phân đoạn dã man, đang sợ của phim một cách vô cùng tinh tế vào khéo léo.

Nói lên nhiều vấn đề xã hội và số phận mỗi con người

Hotel cũng đã thể hiện được nhiều số phận khác nhau hay cách mà họ đối mặt với thảm họa bất ngờ. Đơn cử như một nhóm nhân viên khách sạn, những người đáng lẽ có thể thoát ra, nhưng cuối cùng lại quyết tâm ở lại để giúp đỡ các du khách. Một ông bếp trưởng nghiêm khắc lúc nào cũng treo bên miệng câu: "Guest is god" (Khách hàng là thượng đế). Chàng lễ tân Arjun (Dev Patel) dũng cảm luôn đau đáu nhớ đến vợ con ở nhà. Một ông triệu phú, từng phục vụ quân ngũ ở Pakistan tính cách trịnh thượng (Jason Isaacs).

Hotel Mumbai - Tàn bạo, kịch tính nhưng chưa sâu lắng - Ảnh 3.

Nhiều vấn đề xã hội được thể hiện rất tốt trong "Hotel Mumbai".

Một người vợ xinh đẹp gốc Ấn theo đạo Hồi (Nazanin Boniadi) và anh chồng quả cảm (Armie Hammer). Một người phụ nữ trung tuổi theo chủ nghĩa da trắng thượng đẳng, và từ mắt bà ta, tất cả người Ấn đều là "bọn chúng". Tất cả bọn họ, đứng trước cái chết đều như nhau. Chẳng ai là có "kim bài miễn tử" và đều có thể bỏ mạng bất cứ lúc nào.

Bẹn cạnh đó, bộ phim cũng đã thể hiện rất nhiều vấn đề xã hội, đơn cử như sự yếu kém của chính phủ khi tình huống khó khăn ập đến. Ngay khi những kẻ khủng bố tấn công, sở cảnh sát loay hoay với việc làm thế nào để cứu được nạn nhân. Kết quả là 2000 con tin mắc kẹt trong "cái lồng" gần 12 tiếng, đến mức tất cả gần như cạn kiệt. Hay là vấn đề phân biệt sắc tộc gay gắt, sự "đánh đồng" người Hồi Giáo từ phía người da trắng.

Hotel Mumbai - Tàn bạo, kịch tính nhưng chưa sâu lắng - Ảnh 4.

Phim quá nặng nề cho khán giả.

Người phụ nữ Mỹ nói với cô gái theo đạo Hồi, dù cô là người Mỹ, rằng cô là "một trong số bọn chúng", thể hiện sự phân biệt này một cách rõ nét. Những nhân viên khách sạn cũng mang gốc gác Ấn Độ hay Hồi giáo nhưng đã ở lại đến phút cuối cùng để bảo vệ những người chẳng hề quen biết. Ngay cả nhóm khủng bố cũng chỉ là con chốt thí của những kẻ chủ mưu dưới lốt vỏ tôn giáo và giàu sang. Tất cả nguồn cơn của vụ khủng bố như bị bao bọc dưới một lớp sương mờ, khiến khán giả cảm thấy vô cùng bức bối.

Chưa thỏa mãn người xem với tư cách một bộ phim điện ảnh

Dù đủ sự kịch tính, Hotel Mumbai không thật sự thỏa mãn người xem như một bộ phim điện ảnh thông thường vì thiếu tính phóng tác. Phim quá căng thẳng mà không có một khoảnh khắc lắng đọng, nghỉ ngơi khi cảm xúc bị đẩy lên quá cao. Cốt truyện có nhiều điểm chưa sâu và không thật sự dẫn được người xem đến đâu. Khán giả ngồi nhìn các nạn nhân cầm cự suốt 2 tiếng phim chỉ để được cảnh sát giải cứu sau đó.

Hotel Mumbai - Tàn bạo, kịch tính nhưng chưa sâu lắng - Ảnh 5.

Nhân vật của Dev Patel được xây dựng tốt nhưng vẫn lỗi nhịp.

Sở hữu số lượng nhân vật đông đảo, nhưng không một ai trong số họ có đất để thể hiện bản thân, ngay cả ngôi sao Armie Hammer của Call Me By Your Name. Câu chuyện của họ hời hợt như chỉ được giới thiệu bằng một gạch đầu dòng. Chủ nghĩa "anh hùng rơm" lạ lùng cũng được gán vào các nhân vật, khiến họ cư xử một cách khá nông nổi, trong khi rõ ràng có thể tìm biện pháp khác tốt hơn. Arjun của Dev Patel là người được xây dựng xuất sắc nhất phim. Nhưng ngay cả chính anh cũng không có vai trò, ý nghĩa gì cụ thể. Nếu đây là một bộ phim tài liệu, người xem có thể hài lòng. Nhưng với tư cách là tác phẩm điện ảnh, Hotel Mumbai vẫn chưa đạt được tất cả kì vọng của người xem.

Tạm kết

Hotel Mumbai vẫn là một bộ phim đáng xem. Giữa rừng những bom tấn giả tưởng tháng 3, đây vẫn là một bộ phim chính kịch tốt, được làm một cách nghiêm túc và "có tâm". Tuy nhiên, sự nặng nề của tác phẩm sẽ không phù hợp với những ai muốn giải trí sau những giờ phút lao động căng thẳng.