Hiện Mỹ vẫn là quốc gia chịu ảnh hưởng nặng nề nhất bởi dịch COVID-19 trên thế giới với hơn 21 triệu ca mắc và trên 359.700 trường hợp tử vong. Trong ngày qua, Mỹ ghi nhận thêm hơn 107.800 người nhiễm virus SARS-CoV-2.
Các chuyên gia y tế cảnh báo, hệ thống chăm sóc sức khỏe của bang California, Mỹ có nguy cơ sụp đổ nếu có sự gia tăng đột biến số ca nhiễm sau kỳ nghỉ năm mới. Chuyên gia hàng đầu về dịch tễ của Mỹ, ông Anthony Fauci, cũng cảnh báo rằng, "thời điểm tồi tệ nhất của đại dịch vẫn chưa đến" và Mỹ sẽ đạt "đỉnh nguy hiểm" khi những chuyến du lịch nghỉ lễ cuối năm 2020 kết thúc và số ca nhiễm bệnh tăng nhanh. Hiện hơn 4,2 triệu người ở Mỹ đã được tiêm mũi thứ nhất của vaccine ngừa COVID-19 trong tổng số 13 triệu liều được phân phối tới nước này. Theo thống kê, mặc dù Mỹ đã đặt mua vaccine với số lượng rất lớn nhưng tỷ lệ tiêm phòng tại nước này vẫn rất thấp với tỷ lệ 0,84%.
Hơn 85,3 triệu người trên thế giới đã nhiễm virus SARS-CoV-2 (Ảnh: AP)
Tại tâm dịch COVID-19 lớn thứ hai thế giới Ấn Độ, tổng số người mắc bệnh là trên 10,3 triệu ca, bao gồm hơn 149.600 trường hợp tử vong. Ngày 3/1, Ấn Độ báo cáo trên 16.300 người nhiễm bệnh mới.
Hội đồng Nghiên cứu Y tế Ấn Độ thông báo, nước này đã phân lập và nuôi cấy thành công biến thể mới của virus SARS-CoV-2 có nguồn gốc từ Anh. Theo các chuyên gia dịch tễ, việc phân lập virus sẽ biết được độc lực của chúng như thế nào, góp phần trong công tác điều trị bệnh nhân dương tính với biến thể mới của virus SARS-CoV-2. Ấn Độ khẳng định chưa có quốc gia nào trên thế giới thông báo về việc phân lập và nuôi cấy thành công biến thể mới này. Hiện có 29 ca nhiễm biến thể mới được ghi nhận tại Ấn Độ.
Ấn Độ cho biết đã phân lập và nuôi cấy thành công biến thể mới của virus SARS CoV-2 có nguồn gốc từ Anh. (Ảnh: AP)
Trong 24 giờ qua, Brazil ghi nhận hơn 2.900 ca mắc COVID-19 mới, nâng tổng số người nhiễm bệnh lên trên 7,7 triệu trường hợp. Hiện hơn 195.800 bệnh nhân COVID-19 đã không qua khỏi tại quốc gia này.
Trong những trường hợp hiếm hoi, Anh sẽ cho phép người dân tiêm kết hợp các loại vaccine COVID-19 khác nhau, dù hiện nay vẫn thiếu bằng chứng về mức độ miễn dịch có được đảm bảo khi kết hợp nhiều loại vaccine hay không. Hướng dẫn của Chính phủ Anh nêu rõ, trường hợp được tiêm kết hợp 2 mũi vaccine ngừa COVID-19 khác nhau là nếu một liều vaccine tương tự đã hết hàng. Giới chức Y tế Anh cho biết, điều này sẽ chỉ xảy ra trong những trường hợp cực kỳ hiếm và Chính phủ không khuyến nghị kết hợp các loại vaccine vốn cần ít nhất 2 liều tiêm cách nhau vài tuần. Anh đã ghi nhận trên 2,65 triệu ca mắc COVID-19, trong đó có hơn 75.000 người tử vong.
Thủ tướng Anh Boris Johnson khuyến khích học sinh tiếp tục đến trường tại những khu vực cho phép trong bối cảnh số ca mắc bệnh COVID-19 dự kiến gia tăng khi các lớp học mở cửa trở lại sau kỳ lễ Giáng sinh. Ông Johnson khẳng định, trường học là môi trường an toàn và giáo dục là một ưu tiên. Chính phủ Anh có thể cân nhắc siết chặt những biện pháp hạn chế để phòng dịch nhưng không nêu cụ thể các biện pháp này. Nhà lãnh đạo Anh cũng cho biết, trong ngày 4/1, nước này sẽ nhận 530.000 liều vaccine phòng bệnh COVID-19 của Oxford/AstraZeneca. Trong 3 tháng tới, hàng chục triệu người dân Anh sẽ được tiêm chủng.
Tại Thụy Sỹ, giới khoa học chuyên trách COVID-19 của nước này đang kêu gọi Chính phủ thực hiện các biện pháp bổ sung và tiến hành thử nghiệm rộng rãi sau khi tại nước này ghi nhận những ca nhiễm biến thể mới của virus SARS- CoV-2 ở Nam Phi. Thụy Sỹ đã ghi nhận ít nhất 3 trường hợp của biến thể từ Nam Phi và 6 trường hợp biến thể từ Anh, hai biến thể của virus SARS-CoV-2 dường như dễ lây lan hơn nhiều và đang lan rộng trên thế giới. Với mức trung bình 80 ca tử vong mỗi ngày, Thụy Sĩ đứng thứ 7 trên thế giới về tỷ lệ tử vong do COVID-19.
Thụy Sỹ đã ghi nhận ca mắc hai loại biến thể của virus SARS-CoV-2 từ Anh và Nam Phi (Ảnh: AP)
Chính phủ Thụy Sỹ cảnh báo, tình hình dịch bệnh COVID-19 tại quốc gia này vẫn đáng lo ngại với mức độ lây nhiễm cao và sự xuất hiện của các biến thể mới của virus tại Thụy Sĩ. Cơ quan quản lý dược phẩm Thụy Sỹ dự kiến sẽ sớm cấp phép sử dụng vaccine COVID-19 của Moderna sau khi đã thông qua vaccine của Pfizer-BioNTech.
Trung tâm quản lý tình hình dịch COVID-19 của Chính phủ Thái Lan đã ban bố các biện pháp kiểm soát dịch bệnh nghiêm ngặt hơn trong bối cảnh số ca nhiễm COVID-19 tiếp tục gia tăng nhanh. Trước mắt, Thái Lan sẽ áp dụng nhóm biện pháp thứ nhất là hạn chế thời gian hoạt động của các loại hình kinh doanh, đóng cửa các loại hình nguy cơ cao, truy tìm và bắt giữ những người tụ tập bất hợp pháp, không khuyến khích di chuyển giữa các địa phương, đóng cửa những loại hình giáo dục, khuyến khích làm việc tại nhà ở các địa phương thuộc "vùng đỏ". Những biện pháp kiểm soát dịch bệnh mới sẽ có hiệu lực từ ngày 4/1 đến hết ngày 1/2. Nếu nhóm biện pháp này không hiệu quả, Thái Lan sẽ cân nhắc việc áp dụng lệnh giới nghiêm.
Trung Quốc đã phát hiện nhiều mẫu bao bì đóng gói phụ tùng ô tô cho kết quả xét nghiệm dương tính với virus SARS-CoV-2 tại các thành phố Tấn Thành, Thương Châu, Yên Đài và Lâm Nghi. Nhân viên y tế đã tiến hành xét nghiệm axit nucleic đối với các mẫu phụ tùng ô tô và những người có liên quan tại nhiều thành phố khác của Trung Quốc sau khi một nhân viên của một công ty chuyên kinh doanh phụ tùng ô tô tại Bắc Kinh được xác nhận mắc COVID-19 và một số mẫu bao bì đóng gói phụ tùng ô tô có kết quả xét nghiệm dương tính với virus SARS-CoV-2 vào cuối tháng 12/2020.
Nước này đã ghi nhận thêm 24 ca mắc mới trong ngày 3/1. Đến nay, Trung Quốc có tổng cộng trên 87.100 ca mắc COVID-19, trong đó có hơn 4.600 trường hợp tử vong và gần 82.100 bệnh nhân bình phục.