Quốc gia chịu ảnh hưởng nghiêm trọng nhất bởi dịch COVID-19 vẫn là Mỹ với trên 32,2 triệu ca mắc và hơn 579.600 trường hợp tử vong. Trong ngày qua, Mỹ ghi nhận thêm hơn 66.500 người nhiễm virus SARS-CoV-2 .
Tại tâm dịch COVID-19 lớn thứ hai thế giới Ấn Độ, tổng cộng trên 14,5 triệu người đã nhiễm bệnh, bao gồm hơn 175.600 trường hợp thiệt mạng. Ngày 16/4, Ấn Độ báo cáo hơn 233.900 trường hợp nhiễm mới, mức cao kỷ lục.
Biến thể SARS-CoV-2 gây bệnh COVID-19 được phát hiện tại Ấn Độ có thể làm tăng tỷ lệ lây nhiễm hoặc thậm chí "giảm kháng thể trung hòa" do cơ thể sản xuất ra. Nhận định trên được bà Maria Van Kerkhove, Trưởng nhóm kỹ thuật thuộc Bộ phận Dịch bệnh khẩn cấp của Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) đưa ra vào ngày 16/4.
Theo bà Kerkhove, hiện biến thể được phát hiện tại Ấn Độ đang lan ra nhiều nước khác và đã được ghi nhận trên khắp châu Á và Bắc Mỹ. Tuy nhiên, WHO vẫn coi biến thể này không phải là nguyên nhân khiến phải áp đặt các biện pháp y tế công cộng mạnh mẽ hơn. Mới đây, Bộ Y tế Ấn Độ ra tuyên bố chính thức cho rằng, biến thể này có thể làm tăng tỷ lệ lây nhiễm.
Ngày 16/4, Ấn Độ báo cáo số ca nhiễm mới cao kỷ lục với hơn 233.900 trường hợp. (Ảnh: AP)
Trong 24 giờ qua, Brazil ghi nhận hơn 74.300 ca mắc COVID-19 mới, nâng tổng số người nhiễm lên trên 13,8 triệu trường hợp. Đến nay, hơn 368.700 bệnh nhân COVID-19 đã không qua khỏi ở quốc gia này.
Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) cảnh báo, tỷ lệ nhiễm COVID-19 toàn cầu sắp đạt tới mức cao nhất kể từ khi bùng phát dịch. Theo Tổng Giám đốc WHO , số ca nhiễm mới hàng tuần đã tăng gần gấp đôi trên toàn cầu trong 2 tháng trở lại đây. Ông Tedros nhấn mạnh, tình trạng này là do sự kết hợp của các biến thể virus có khả năng lây lan nhanh, sự gia tăng tiếp xúc xã hội, việc nới lỏng quá sớm các biện pháp phòng dịch, tình trạng người dân mệt mỏi sau thời gian dài căng thẳng, cũng như các chiến dịch tiêm chủng chưa có hiệu quả cao và thiếu công bằng.
Tình hình dịch bệnh COVID-19 tại Đức đang "rất nghiêm trọng", đây là cảnh báo của Thủ tướng Đức Angela Merkel đưa ra vào ngày 16/4. Phát biểu trước Quốc hội Đức, Thủ tướng Merkel nhấn mạnh, làn sóng lây nhiễm thứ 3 đang hoành hành trên cả nước. Bà kêu gọi các nghị sĩ ủng hộ và nhanh chóng thông qua dự luật sửa đổi Luật Phòng chống lây nhiễm. Theo đó, sẽ bắt buộc các thành phố có chỉ số lây nhiễm cao phải áp đặt những biện pháp ngặt nghèo như giới nghiêm ban đêm, đóng cửa tất cả các cửa hàng bán lẻ và cơ sở giải trí, hạn chế tiếp xúc tối đa. Số bệnh nhân phải chăm sóc tích cực ở Đức đang ngày càng tăng mạnh, hiện đã lên tới 4.740 người. Đây là số bệnh nhân nặng cao nhất được ghi nhận từ hôm 22/1.
Thủ tướng Đức cảnh báo, tình hình dịch bệnh COVID-19 tại nước này đang "rất nghiêm trọng". (Ảnh: AP)
Hy Lạp sẽ mở cửa biên giới cho những người đã tiêm vaccine ngừa COVID-19 từ tuần tới. Đây là một phần của dự án thí điểm nhằm cho phép những người có "hộ chiếu vaccine" được nhập cảnh vào Hy Lạp. Theo sáng kiến này, du khách sẽ có thể được miễn thời gian cách ly 7 ngày hiện đang được áp đặt. Tuy nhiên, du khách sẽ phải tuân thủ các biện pháp hạn chế đi lại, trong đó có việc hạn chế di chuyển giữa các khu vực.
Chính phủ Thái Lan đã áp dụng biện pháp mới để khống chế làn sóng dịch COVID-19 thứ 3. Bắt đầu từ ngày 16/3, thủ đô Bangkok và 17 tỉnh khác của Thái Lan sẽ được đánh dấu là vùng kiểm soát tối đa màu đỏ. Ngoài các tỉnh ở mức kiểm soát cao nhất màu đỏ, 59 tỉnh còn lại sẽ được xem xét xếp vào vùng da cam, tức là vùng kiểm soát. Ngoài ra, các trường học và cơ sở giáo dục sẽ chỉ được phép dạy trực tuyến. Tất cả những buổi tiệc hoặc tụ tập đông người đều phải hủy hoặc hoãn, trong khi những hoạt động có hơn 50 người tham gia đều phải xin phép trước. Các biện pháp nói trên sẽ có hiệu lực trong 2 tuần.
Chính quyền Thái Lan ngày 16/4 cho biết có thêm 1.585 ca mắc mới COVID-19, số ca mắc trong ngày cao nhất kể từ khi đại dịch này bắt đầu bùng phát ở nước này và là số ca mắc cao kỷ lục thứ 5 trong tuần này. Hiện Thái Lan đang phải đối mặt với làn sóng lây nhiễm thứ 3 của dịch COVID-19.
Hiện Thái Lan đang phải đối mặt với làn sóng lây nhiễm thứ 3. (Ảnh: AP)
Tại Campuchia, thủ đô Phnom Penh tiếp tục là điểm nóng lây nhiễm COVID-19. Theo thông báo vào ngày 16/4 của Bộ Y tế Campuchia, trong số 262 ca nhiễm mới, có đến 232 người ở Phnom Penh. Kể từ "sự cố lây nhiễm 20/2" đến nay, Campuchia đã có trên 5.400 trường hợp mắc COVID-19, trong đó hơn 80% ở thủ đô, 38 người tử vong và gần 3.100 bệnh nhân đang điều trị.
Mặc dù mới đưa vào sử dụng nhưng bệnh viện dã chiến với quy mô 1.000 giường bệnh đã sắp quá tải. Chính quyền thủ đô Phnom Penh dự kiến sẽ sử dụng thêm một số trường học để làm nơi điều trị. Ngày 16/4, Bộ Y tế Campuchia đã đưa ra trình tự điều trị bệnh COVID-19 tại nhà đối với những bệnh nhân nhẹ và có điều kiện nhằm giảm tải cho các bệnh viện trên địa bàn thủ đô Phnom Penh.
Cũng trong ngày 16/4, chính quyền tỉnh Preah Sihanouk quyết định tạm ngừng việc kinh doanh tại khu chợ Phsar Leu ở thành phố Preah Sihanouk trong 14 ngày kể từ 15h cùng ngày để ngăn chặn dịch COVID-19 lây lan.
Bộ Y tế Lào ngày 16/4 đã xác nhận, nước này có thêm một ca mắc COVID-19 là người nhập cảnh bất hợp pháp vào nước này từ Thái Lan. Theo đó, ca dương tính mới nhất với virus SARS-CoV-2 này nằm trong số 1.155 mẫu xét nghiệm được Bộ Y tế Lào thực hiện vào ngày 15/4. Như vậy, chỉ trong ít ngày, Lào ghi nhận liên tục 2 ca mắc COVID-19 xuất phát từ hành vi nhập cảnh bất hợp pháp từ quốc gia có dịch đang bùng phát nghiêm trọng là Thái Lan. Hiện Lào có tổng cộng 54 ca mắc COVID-19 và chưa có trường hợp tử vong.