Hỏi "em có gì để tôi phải nhận?", nhà tuyển dụng câm nín trước câu trả lời ngây thơ quá mức của ứng viên

Vân Trang, Theo Trí Thức Trẻ 21:15 07/09/2020

Muốn nhận được công việc tốt, sinh viên nhất định phải tránh trả lời những câu nói kiểu này khi đi phỏng vấn.

Khó khăn đầu tiên mà ai cũng phải đối mặt khi ra đời đi làm việc đó là phỏng vấn. Ngày nay, nhà tuyển dụng thường không tuân theo các phương pháp đánh giá ứng viên theo kiểu truyền thống nữa, mà ngoài việc đánh giá chuyên môn, họ còn rất xét nét thái độ của ứng viên để tìm ra người có đủ đức - tài cùng làm việc.

Vậy nên khi đi phỏng vấn hãy cẩn trọng với từng câu hỏi dò la của bên tuyển dụng vì chỉ một sai xót nhỏ có thể khiến bạn mất điểm, điển hình như câu chuyện của ứng viên dưới đây trên group "Hội review công ty có tâm".

Hỏi em có gì để tôi phải nhận?, nhà tuyển dụng câm nín trước câu trả lời ngây thơ quá mức của ứng viên - Ảnh 1.

Nữ sinh bị tạch phỏng vấn vì trả lời quá tự tin trước bên tuyển dụng. (Ảnh minh họa)

Cụ thể, nguyên văn đoạn chia sẻ của cô nữ sinh như sau:

"Chào anh/chị. Em hơi buồn một tí. Hôm nay em đi ứng tuyển vị trí đại diện kinh doanh, thì HR có hỏi em là:

- Em có gì để tôi phải nhận em?

Em nói là:

- Em có sức trẻ!

HR lại nói đội ngũ của chị rất trẻ cũng có sức trẻ giống em. Em trả lời dạ vâng so với tuổi tụi nó trẻ hơn em thật, nhưng em được đào tạo qua trường lớp bài bản, so về kinh nghiệm, kĩ năng em có thể thua mấy anh chị 93 92,.. nhưng em khẳng định rằng em không hề thua mấy bạn 97 98.

Vậy là được nhận xét là cứng đầu. HR nói em đi xin việc hãy mang tư tưởng đi xin việc. Em mang sức trẻ không có bất cứ gì khác thì chị chắc chắn rằng không có công ty nào nhận em.

Về phía em: Em thấy chị HR nói không sai. Em căng thẳng tí nhưng em đã show trước thế mạnh của mình, chắc tại HR không thích em. Em không mang tư tưởng đi xin việc, em đi ứng tuyển".

Câu chuyện dở khóc dở cười trên đã khiến nhiều người lắc đầu ngao ngán trước thái độ vô tư quá của cô bạn. Ai cũng biết việc cần phải tạo nên nguồn năng lượng tích cực cho buổi phỏng vấn, và có lẽ cô nữ sinh cũng muốn thể hiện năng lực của mình nhưng quả thật trong trường hợp này sai hoàn toàn vì năng lực "tuổi trẻ" là điều ai cũng có.

Hỏi em có gì để tôi phải nhận?, nhà tuyển dụng câm nín trước câu trả lời ngây thơ quá mức của ứng viên - Ảnh 2.

(Ảnh minh họa)

Đây cũng là bài học cho nhiều bạn trẻ khi đi xin việc, nên chú trọng câu trả lời của bản thân để nhà tuyển dụng thấy được sự đầu tư nghiêm túc cho công việc của công ty. Vậy nên bên cạnh một CV tốt, chuẩn bị các câu trả lời thì sinh viên có thể tham khảo các mẹo tâm lý dưới đây để buổi phỏng vấn vừa bớt căng thẳng lại thể hiện được sự chuyên nghiệp của mình.

- Tận dụng ngôn ngữ cơ thể: 

Thay vì ngồi đơ người một chỗ, hãy thử bắt tay hoặc giơ bàn tay khi nói để diễn tả kỹ hơn hành động và suy nghĩ mình. Điều này vừa giúp bạn đỡ bị "đơ như khúc gỗ" mà còn giúp nhà tuyển dụng hiểu ý kiến của bạn hơn.

- Thở sâu, chậm rãi và đều đặn

Những người đi phỏng vấn lần đầu dễ mang tâm trạng căng thẳng khiến cho bản thân nói chuyện lắp bắp dù đã chuẩn bị rất kỹ trước đó. Để giữ tâm trạng ổn định, bạn có thể hít một hơi sâu và thở ra nhẹ nhàng. Ngoài ra, hãy nhớ bạn không cần phải trả lời ngay lập tức câu hỏi của bên tuyển dụng vì họ luôn cho ứng viên 1 thời gian ngắn để vừa giảm căng thẳng mà người đối diện cũng suy nghĩ kỹ được câu trả lời.

- Tự tin, nhưng đừng tự tin quá

Sự tự tin thái quá có thể gửi gắm nhiều thông điệp tiêu cực, và sự thực không nhà tuyển dụng nào muốn tuyển một người tự phụ, quá coi trọng ý kiến của bản thân. Hãy học cách lắng nghe câu hỏi của HR, trả lời những ý họ hỏi và đừng kéo dài miên man câu trả lời của mình bằng việc liệt kê thành tích.