Bạn đã bao giờ tự hỏi vì sao một số bài văn của học sinh tiểu học lại khiến người ta cười nghiêng ngả, thậm chí làm giáo viên chủ nhiệm cười ra nước mắt, trong khi phụ huynh thì tức giận đến mức hét lên "đáng đánh đòn" chưa? Đằng sau đó ẩn chứa câu chuyện gì?
Chúng ta đều biết thế giới của trẻ em luôn tràn ngập niềm vui vô tư lự. Vì lẽ đó nên bài văn do các em viết ra cũng chứa đựng sự ngây thơ trong sáng, trí tưởng tượng vô hạn cùng những quan sát chân thực về cuộc sống. Bài văn với chủ đề "Bất ngờ" của một học sinh Trung Quốc dưới đây chính là ví dụ.
Trẻ em có khả năng sáng tạo vô biên.
Cụ thể bài văn như sau:
"Bất ngờ
Hồi nhỏ, vì bố mẹ bận rộn nên ông bà nội là người thường xuyên chăm sóc và đưa đón em đi học mỗi ngày.
Hôm đó tan học, em đứng đợi mãi mà không thấy bà đến đón. Thế là em ôm chặt cánh cổng sắt của trường mẫu giáo, ngồi lì ở đó cho đến khi trời tối.
Bỗng nhiên, em thấy bố mẹ thong thả đi dạo ngang qua. Mẹ còn chỉ tay về phía em rồi nói với bố: Ơ kìa, nhìn thằng bé kia xem, trông giống hệt con trai mình nhỉ!".
Netizen sau khi xem đoạn văn này ai cũng phì cười, vì bố mẹ em bé nhìn thấy mà không nhận ra con mình, cứ như đang tham gia một thử thách "Tìm con thất lạc" nhưng… quên mất mình có con vậy. Còn em học sinh, sau một ngày dài chờ đợi trong tuyệt vọng, nghe câu nói của mẹ xong hẳn đã đứng hình mất 5 giây. Trong lòng em lúc đó chắc chỉ muốn hét lên: "Mẹ ơi! Con đây mà! Đứa con ruột của mẹ đây chứ ai!".
Bài văn rất hài hước, tuy nhiên cũng gợi ra ít nhiều suy ngẫm. Đằng sau tình huống dở khóc dở cười ấy là một thực tế không ít gia đình gặp phải: bố mẹ quá bận rộn với công việc, đến mức việc chăm sóc con cái gần như phó mặc hoàn toàn cho ông bà.
Có thể với người lớn, đó chỉ là một ngày bình thường, nhưng với đứa trẻ, khoảnh khắc chờ đợi trong vô vọng ấy có lẽ là một kỷ niệm khó quên. Một đứa bé có thể vô tư cười kể lại, nhưng sâu bên trong, ai biết được bé đã từng cảm thấy cô đơn thế nào?
Câu chuyện này không chỉ mang đến tiếng cười, mà còn là một lời nhắc nhở nhẹ nhàng nhưng đầy sâu sắc về vai trò của cha mẹ trong cuộc sống của con cái. Trong xã hội hiện đại, việc bận rộn với công việc, kiếm tiền và những lo toan khác là điều không thể tránh khỏi. Nhiều bậc cha mẹ vì áp lực mưu sinh mà vô tình đặt gánh nặng chăm sóc con lên vai ông bà, hoặc cho rằng chỉ cần lo cho con một cuộc sống đầy đủ về vật chất là đã hoàn thành trách nhiệm. Tuy nhiên, tình yêu thương và sự gắn kết gia đình không thể được đo đếm bằng những điều đó.
Đằng sau bài văn đấy còn ẩn chứa nhiều điều.
Trẻ con không chỉ cần một người đưa đón đúng giờ hay một ai đó đảm bảo chúng ăn ngủ đúng bữa, mà hơn hết, các em cần cảm giác được quan tâm, yêu thương, và thực sự là một phần quan trọng trong gia đình. Câu chuyện trong bài văn này phản ánh một thực tế rằng đôi khi, sự xa cách về mặt tinh thần giữa cha mẹ và con cái không chỉ đến từ khoảng cách địa lý hay thời gian, mà còn xuất phát từ việc thiếu sự kết nối trong những khoảnh khắc thường ngày.
Cha mẹ chính là thế giới đầu tiên mà con cái được tiếp xúc, là nơi mang lại cho con cảm giác an toàn, ấm áp và yêu thương. Nhưng nếu sự bận rộn khiến cha mẹ dần trở nên xa cách, thì ngôi nhà không còn là tổ ấm, mà chỉ là một nơi để đi về. Và những đứa trẻ, dù có đầy đủ mọi thứ, vẫn có thể lớn lên với cảm giác trống trải vì thiếu đi sự gắn kết gia đình.
Vì vậy, dù có bận rộn đến đâu, cha mẹ vẫn cần dành thời gian để lắng nghe, thấu hiểu và chia sẻ cùng con. Đôi khi, chỉ một buổi trò chuyện trước khi đi ngủ, một cái ôm ấm áp, hay một lần đón con sau giờ học cũng có thể trở thành điều khiến con cảm thấy hạnh phúc. Vì hơn cả việc được chăm sóc, trẻ con cần cảm giác mình thực sự quan trọng.
Tổng hợp