Học sinh nữ sử dụng thuốc lá điện tử: Lo ngại tốc độ gia tăng

NGUYỄN HOÀI, Theo Tiền phong 12:15 25/05/2023
Chia sẻ

Theo Bs Nguyễn Thị An, Giám đốc tổ chức HealthBridge Canada tại Việt Nam, những năm qua ghi nhận tình trạng học sinh Việt Nam sử dụng các sản phẩm thuốc lá điện tử có xu hướng tăng. Đáng lo ngại là ngày càng có nhiều học sinh nữ sử dụng sản phẩm này.

Học sinh cấp 2 hút thuốc ngày càng nhiều

Dẫn số liệu nghiên cứu từ Tổ chức Y tế thế giới và Bộ Y tế Việt Nam, bác sĩ An chia sẻ, năm 2019 tỷ lệ học sinh 13-17 tuổi sử dụng thuốc lá điện tử là 2.6%, trong đó nam là 3,6%, nữ 1,5%. Đến năm 2022, tỷ lệ sử dụng thuốc lá điện tử ở học sinh từ 13-15 tuổi (học sinh cấp 2) là 3,5%, trong đó nam là 4,3% và nữ 2,8%.

Số liệu nghiên cứu của Viện Chiến lược và Chính sách Y tế cũng chỉ ra, tỷ lệ sử dụng thuốc lá điện tử ở học sinh đặc biệt cao tại các thành phố lớn, ví dụ như Hà Nội, có tới 8,35% học sinh lớp 8-12 sử dụng thuốc lá điện tử.

“Thuế và giá là giải pháp có chi phí thấp nhưng mang lại hiệu quả cao đối với việc giảm tiêu dùng thuốc lá, là giải pháp phòng bệnh hữu hiệu đã được Tổ chức Y tế Thế giới và Ngân hàng Thế giới khuyến cáo các quốc gia cần áp dụng”.

bác sĩ Nguyễn Thị An

''Dù mới xuất hiện trên thị trường và chưa được phép lưu hành nhưng tỷ lệ sử dụng thuốc lá điện tử đã ở mức cao hơn tỷ lệ sử dụng thuốc lá điếu truyền thống ở cả học sinh nam và nữ, đáng lo ngại, số lượng học sinh nữ sử dụng thuốc lá và thuốc lá điện tử ngày càng nhiều'', bác sĩ An nói, đồng thời cảnh báo, không có bằng chứng nào chứng minh thuốc lá điện tử, thuốc lá nung nóng ít gây hại hơn các sản phẩm thuốc lá thông thường. Việc sử dụng thuốc lá sớm ở trẻ em và thanh thiếu niên gây nghiện sớm, khó cai hơn, ảnh hưởng sớm đến sức khỏe, sự phát triển não bộ, khả năng học tập, khả năng lao động và chất lượng giống nòi.

Học sinh nữ sử dụng thuốc lá điện tử: Lo ngại tốc độ gia tăng - Ảnh 2.

Tỷ lệ học sinh nữ hút thuốc lá ngày càng nhiều (Ảnh: Internet)

Chia sẻ về lý do khiến tỷ lệ học sinh ở Việt Nam sử dụng thuốc lá điện tử tăng, chuyên gia này cho rằng, việc thực thi các quy định pháp luật, xử lý vi phạm còn yếu dẫn đến các hành vi vi phạm liên quan đến bán thuốc lá, chẳng hạn như quy định không bán thuốc lá trong phạm vi 100m cổng trường học, không bán thuốc lá cho trẻ dưới 18 tuổi.

Ngoài ra, giá thuốc lá ở Việt Nam đang ở mức rất rẻ, dễ tiếp cận với thanh thiếu niên, người có thu nhập thấp. Giá thuốc lá (so sánh nhãn hiệu phổ biến nhất) của Việt Nam hiện ở mức thấp nhất so với các quốc gia trong khu vực Thái Bình Dương.

Chuyên gia y tế Nguyễn Thị An kiến nghị, cần đẩy mạnh thanh tra, kiểm tra, xử lý nghiêm vi phạm, trong đó tập trung xử lý vi phạm địa điểm cấm hút thuốc, vi phạm về quảng cáo, khuyến mại và tài trợ, kinh doanh buôn bán các sản phẩm thuốc lá lậu. Ban hành chính sách cấm lưu hành thuốc lá điện tử và các sản phẩm thuốc lá nung nóng tại Việt Nam theo khuyến cáo của Bộ Y tế, Tổ chức Y tế Thế giới. Bên cạnh đó, đẩy mạnh truyền thông nâng cao hiểu biết về tác hại của thuốc lá, thuốc lá điện tử, thuốc lá nung nóng và trách nhiệm của cha mẹ, giáo viên, trẻ em.

Đề nghị tăng thuế tiêu thụ đặc biệt với thuốc lá

Theo số liệu do Bộ Thông tin và Truyền thông tổng hợp, Việt Nam là một trong 15 nước có số nam giới trưởng thành hút thuốc lá nhiều nhất trên thế giới. Một trong những nguyên nhân chủ yếu là do thuế thuốc lá của Việt Nam còn rất thấp. Giá thuốc lá rẻ làm tăng khả năng tiếp cận và mua thuốc lá của thanh thiếu niên và người nghèo. Bên cạnh đó, trên thị trường xuất hiện các sản phẩm mới là thuốc lá điện tử, thuốc lá nung nóng.

Bác sĩ Nguyễn Tuấn Lâm, cán bộ Tổ chức Y tế thế giới tại Việt Nam cho rằng, nên tăng thuế thuốc lá thường xuyên để giá thuốc lá tăng nhanh. Ông lý giải, thuốc lá, rượu bia, và nước ngọt là nguyên nhân chính gây ra bệnh tật và tử vong sớm mà có thể tránh được. Việt Nam có tỷ lệ cao sử dụng các sản phẩm không có lợi cho sức khỏe này. Trong khi đó, thuế thuốc lá ở Việt Nam rất thấp. Bác sĩ Lâm nhận định, thuế tiêu thụ đặc biệt đối với các sản phẩm này là biện pháp hiệu quả nhất để bảo vệ sức khỏe cho người dân.

TIN CÙNG CHUYÊN MỤC
Xem theo ngày