Tâm trạng cô đơn của sinh viên nguyện vọng 2

Bút Hoa, Theo Trí Thức Trẻ 00:02 05/10/2013
Chia sẻ

So với những bạn vào đại học với giấy báo trúng tuyển, các bạn vào bằng cánh cửa nguyện vọng bổ sung lại có phần cô đơn hơn.

Tất nhiên khi mới bước chân vào đại học, ai ai cũng đều mang trong mình tâm trạng hoang mang, lo lắng và bỡ ngỡ. Tuy nhiên, so với những bạn vào đại học với giấy báo trúng tuyển, các bạn vào bằng cánh cửa nguyện vọng bổ sung lại có phần cô đơn hơn.

Tâm trạng cô đơn của sinh viên nguyện vọng 2 1
Ảnh minh họa.

Lúc nguyện vọng một vào học được khoảng một tháng, đã quen trường, quen lớp, quen bạn bè thì nguyện vọng hai mới chân ướt chân ráo chính thức nhập học. Với Khả Dương, cô bạn có cảm giác mình như học sinh chuyển trường mặc dù mọi thành viên trong lớp đều là sinh viên mới như Dương. Dương cho biết: “Mới đầu vào lớp mình có cảm giác như bị bỏ rơi. Các bạn nguyện vọng một đã có một thời gian quen biết nhau nên chỉ toàn chơi theo nhóm riêng, còn những bạn vào sau như mình khó mà quen với các bạn cùng lớp. Mình vào học được một tuần rồi nhưng lúc nào cũng chỉ có một mình.”

Không riêng chuyện hòa hợp với môi trường mới, các sinh viên vào trường bằng nguyện vọng bổ sung còn phải chạy đôn chạy đáo khắp nơi, từ việc nộp phiếu điểm vào các trường có chỉ tiêu tuyển nguyện vọng hai cho đến việc làm hồ sơ nhập học rồi khám sức khỏe đầu năm. Nhưng khi nhập học chính thức cùng nguyện vọng một, các bạn nguyện vọng hai vẫn gặp tình cảnh chạy xuôi chạy ngược khắp nơi để dò hỏi thông tin của… ban cán sự lớp.

Mới vào học, điều đầu tiên mình nghĩ đến là ban cán sự lớp. Thế nhưng, gặp được ban cán sự lớp mình là điều không dễ. Lớp bắt đầu học thì ban cán sự lớp chưa đến, lớp tan học rồi thì phút chốc đã không thấy ban cán sự lớp đâu. Đến bây giờ mình còn chưa được “diện kiến” toàn bộ thành viên của ban cán sự lớp mình” - Phạm Thương tâm sự.

Ban cán sự lớp là thành phần rất quan trọng trong tập thể học tập. Lớp trưởng, lớp phó năng động, nhiệt tình đồng nghĩa với sự đoàn kết trong nội bộ và tiến bộ trong học tập. Ngược lại, những người đứng đầu lớp không tổ chức lớp một cách hợp lý sẽ gây ra mâu thuẫn nội bộ.

Tâm trạng cô đơn của sinh viên nguyện vọng 2 2


Ngọc Ly thổ lộ rằng: “Thông báo từ phòng đào tạo gởi xuống thường không được ban cán sự lớp mình truyền đạt. Hoặc là bạn tự đến tìm ban cán sự lớp hỏi rõ về những vấn đề bạn còn thắc mắc, hoặc là bạn đến trực tiếp phòng công tác sinh viên.” Từ chi tiết lịch học, cách chọn môn học thể dục cho đến sách cần mua, Ly đều phải hỏi các bạn khoa khác có cùng lịch học. “Lạc lõng” là cảm giác mà Ngọc Ly có được sau khi bước chân vào con đường đại học.

Vào đại học, sinh viên không chỉ đối mặt với sự phân biệt vùng miền mà còn phải đương đầu với vấn đề phân biệt… nguyện vọng. Có lẽ đây là "chuyện không của riêng ai” của các bạn nguyện vọng bổ sung. Các bạn nguyện vọng một vào trước đã có thời gian quen biết nên chơi thân với nhau là chuyện dễ hiểu. Nhưng trong học tập, nguyện vọng một lại “coi thường” nguyện vọng hai là điều mà Gia Hân không thể hiểu nổi.

Bạn tìm nhóm khác đi, nhóm của mình chỉ toàn nguyện vọng một thôi. Bạn là nguyện vọng hai nên vào nhóm mình không theo kịp đâu”. Đó là câu trả lời Gia Hân nhận được khi ngỏ lời muốn vào nhóm thuyết trình môn Xã hội học. “Mình không thể tin được lại có thái độ phân biệt “không giống ai” như vậy. Nhưng là “ma mới”, mình chỉ có thể im lặng cho qua chuyện và tìm nhóm khác xin vào.”

Nguyện vọng một hay nguyện vọng hai đều là sinh viên cùng một trường, cùng một lớp. Trong lúc các bạn nguyện vọng một mừng rỡ khi nhận tờ giấy báo nhập học thì các bạn nguyện vọng hai buồn bã nhận về phiếu điểm. Tâm trạng cô đơn và hụt hẫng của các bạn nguyện vọng hai sẽ mau chóng vơi đi nếu có sự giúp đỡ của các bạn cùng lớp.

TIN CÙNG CHUYÊN MỤC
Xem theo ngày