Xôn xao về quyết định cho thôi học một nữ sinh viên

Pháp Luật Việt Nam, Theo 10:05 26/09/2013

Vài ngày trở lại đây, "cư dân mạng" đang bàn tán về quyết định cho thôi học đối với sinh viên Phạm Thị Mỹ Hạnh (P.T.M.H) với lý do “Hoàn cảnh gia đình khó khăn” của Trường Cao đẳng Kinh tế - Tài chính Thái Nguyên.

Vài ngày trở lại đây, "cư dân mạng" đang bàn tán về quyết định cho thôi học đối với sinh viên Phạm Thị Mỹ Hạnh (P.T.M.H) với lý do “Hoàn cảnh gia đình khó khăn” của Trường Cao đẳng Kinh tế - Tài chính Thái Nguyên.

Xôn xao về quyết định cho thôi học một nữ sinh viên 1  

Nguyên nhân nghỉ học thể hiện trong quyết định của sinh viên này khiến cho nhiều người không khỏi băn khoăn về tính nhân văn, tính giáo dục và cả văn hóa sử dụng ngôn ngữ trong soạn thảo văn bản hành chính.

Có nhiều ý kiến khi xem quyết định này, tuy nhiên, lý do thôi học theo nhiều người là không hợp lý. Facebooker Ngọc Lê đã viết: “Văn bản có câu “theo quy chế” nhưng thực tế là sai vì lý do đó đã không còn được cho phép từ đầu năm 2012. Trường này vớ vẩn quá”.

Hay như facebooker Nguyễn Hưng: “Thế này là sai quy định của Bộ Giáo dục và Đào tạo, vì Bộ quy định không để bất kỳ sinh viên nào phải thôi học vì lý do hoàn cảnh gia đình khó khăn. Nếu cái này Bộ và Chính phủ biết là ông Hiệu trưởng này ăn đầy đu đủ”.

PLVN đã trao đổi với Phòng Quản lý sinh viên của Trường Cao đẳng Kinh tế - Tài chính Thái Nguyên về tính xác thực của văn bản trên. Theo cán bộ Phòng Quản lý sinh viên thì sinh viên P.T.M.H xin nghỉ học vì lý do cá nhân. Nhà trường cũng đã thuyết phục em nếu như gia đình không đủ kinh phí học tập thì nhà trường sẽ hỗ trợ học phí và các chính sách hỗ trợ học sinh đi học. Tuy nhiên, sinh viên P.T.M.H vẫn lựa chọn quyết định xin thôi học.

Vấn đề cần bàn bạc đến ở đây là mặc dù sinh viên P.T.M.H chủ động xin thôi học vì lý do cá nhân nhưng ngôn ngữ được sử dụng trong văn bản ở đây có gì đó gay gắt, nặng nề, thậm chí hơi phản cảm. Lý do “hoàn cảnh gia đình khó khăn” không phù hợp với môi trường giáo dục.

Ở Điều 1 ghi “trả về địa phương và thông báo về nơi cư trú”. Ngôn ngữ mang tính chất tiêu cực khiến cho những người tiếp xúc với văn bản thấy nặng nề, có cảm giác như sinh viên H bị “đuổi học”.

Cụm từ “trả về địa phương” như mang một hàm ý sinh viên này bị mắc “trọng tội” và bị đuổi học vì lẽ đó. Điều này đã ảnh hưởng không nhỏ đến sinh viên này.

Từ sự việc này, bài học cho người soạn thảo văn bản hành chính công vụ, nhất là trong môi trường giáo dục, là cần biết cách sử dụng ngôn ngữ phù hợp hơn với phong cách văn bản. Đặc biệt, cần có văn hóa sử dụng ngôn ngữ để tránh gây ra những cách hiểu và tác động ngoài mong muốn. Đừng để một môi trường giáo dục bị đánh giá là phản giáo dục chỉ từ một quyết định hành chính của mình.