Mặt khác, một buổi sáng gần đây, bà Freitag nói với 2 cán bộ khác rằng nam sinh này có ưu thế hơn so với các bạn cùng lớp là đã viết được một bài luận tốt, cho thấy quyết tâm rất ấn tượng của mình trong các hoạt động ngoại khóa – và gia đình cậu có mối liên hệ với GW.
“Tôi có thể chọn một trong hai cách” – Freitag nói.
“Cách nào” – đồng nghiệp của cô – Jom Rogers hỏi.
Từ chối hoặc chấp nhận – cô nói với thái độ bối rối. Giọng cô đột nhiên trùng xuống “Anh có nghĩ là cậu ấy nên nằm trong danh sách chờ không?”
Đây là một trong những mẩu đối thoại mà nhiều học sinh phổ thông cuối cấp trên khắp nước Mỹ ao ước được nghe nhưng họ không bao giờ có cơ hội ấy.
Những ngày này bộ phận học sinh nhắm tới con đường đại học như đang ngồi trên đống lửa khi khối trường Ivy League và các trường tuyển sinh bằng xét tuyển dự kiến sẽ đưa ra “phán quyết” trong vài ngày tới đối với hàng trăm nghìn hồ sơ ứng tuyển.
ĐH George Washington đã cho phép tờ The Washington Post quan sát những cuộc thảo luận của ban tuyển sinh vào cuối tháng 2, mang đến một cái nhìn hiếm hoi về thời kỳ khủng hoảng bên trong một cơ sở tuyển sinh. Nó cho thấy cách mà những điều tra ban đầu về trí tuệ, lòng quyết tâm và khao khát của sinh viên quyết định cả số phận của ứng viên và cả số phận của các trường đại học tư nhân đang khát khao nâng tầm hình ảnh của mình.
Ai cũng muốn có một công thức cho việc tuyển chọn, nhưng thực tế thì chẳng có công thức nào cả.
Những ứng viên thành công là những người lọt qua được mọi vòng soi xét, từ số điểm cao trung bình cho tới một điểm C không may mắn trong môn Hóa học hồi lớp 10. Họ cũng phải thể hiện mình là người thực sự muốn theo học ngôi trường đó. Nhưng đôi khi, những thứ có vẻ là điểm mạnh lại được xem là điểm yếu. Dưới đây là những mẩu đối thoại thường nghe thấy trong ban tuyển sinh:
- Nhìn điểm số GPA đẹp tuyệt này, 4 điểm cơ đấy. Nhưng nó có giá trị gì không?
- Hãy kiểm tra tất cả môn học thuộc chương trình nâng cao. Em này đã tránh né bao nhiêu môn?
- Điểm SAT tuyệt vời. Tổng điểm môn Toán thì sao?
- Bài luận này gây cảm tình với tôi. Tôi thiên vị vì nghĩ rằng cậu ấy thú vị.
- Tôi cho rằng cậu này thực sự có thể xử lý công việc. Cậu ấy cũng mang tới sự đa dạng cho trường chúng ta. Tuy nhiên, điều khiến tôi chần chừ là bài luận rất kém về lý do chọn George Washington.
Trên cả nước Mỹ, có khoảng 350 trường từ chối hơn một nửa số hồ sơ. Một vài trường nằm trong diện siêu cạnh tranh có tỷ lệ trúng tuyển dưới 10% như Harvard, Stanford hay Princeton.
Tỷ lệ trúng tuyển của George Washington trong những năm qua ngang bằng với các đại học như Northeastern, Lehigh và Wake Forest. George Washington là trường ít khắt khe hơn các trường tư nhân khác ở thủ đô Washington cũng có chữ “George” trong tên trường.
Công tác xét tuyển ảnh hưởng tới danh tiếng của George Washington. Năm 2012, trường này mất vị trí trong bảng xếp hạng các trường hàng đầu của Mỹ US News & World Report sau khi thừa nhận rằng đã phóng đại những chia sẻ của sinh viên năm nhất – những người từng nằm trong top 10% xuất sắc nhất khi còn học phổ thông. Năm ngoái, George Washington trở lại danh sách này, đứng thứ 52 – gần với vị trí trước kia của mình.
Giai đoạn đó rất có lợi cho công tác tuyển sinh của trường. Tuy nhiên, giống như các trường xét tuyển khác, George Washington vẫn giữ kín những bí mật tuyển sinh thực sự phía sau tấm rèm, cho tới bây giờ.
Những ai từng ao ước được một lần nghe lén câu chuyện trong phòng tuyển sinh thần thánh thì hãy đọc những điều dưới đây. Đây là những nhận xét dành cho các ứng viên có nhiều cơ hội được ngồi trên giảng đường của ngôi trường nằm ở Foggy Bottom:
“Tôi thích tính kỷ luật và tính cách của cô gái này” – giám đốc tuyển sinh của George Washington – bà Karen S.Felton nói trước khi chuyển hồ sơ của một học sinh New York sang nhóm "đỗ". “Tôi nhìn thấy khả năng lãnh đạo với 4 dấu chấm than. Một cô gái chưa bị điểm C bao giờ. Cô ấy có một câu chuyện tuyệt vời, là một học sinh xuất sắc. Cô ấy mang lại "cảm giác George Washington tôi”.
Còn đây là cách nói về những hồ sơ trong nhóm trượt: “Bảng điểm nói lên họ là ai” – bà Felton nói về điểm số của một ứng viên tới từ Pennsylvania. “Điểm số rất bình thường…. Vâng, tôi sẽ đồng ý với lời từ chối”.
Còn đây là ngôn ngữ với những hồ sơ gần kề vực thẳm: “Tôi chưa cần biết là chúng ta có muốn ném hồ sơ này đi ngay bây giờ hay không. Tôi nghĩ cậu này cũng rất thú vị, có vẻ rất phù hợp. Vì thế, tôi sẽ nói là “có thể”.
Bà Felton là người giám sát 22 cán bộ tuyển sinh. Là cựu sinh viên của Goucher College, nhận bằng Thạc sĩ của ĐH Syracuse, Felton từng làm việc ở ban tuyển sinh của các trường: ĐH John Hopkins, ĐH Georgetown và ĐH Maryland trước khi tới George Washington vào năm 2010.
Bà được nuôi dạy bởi một bà mẹ đơn thân và là người đầu tiên trong gia đình được học đại học – một nền tảng mà người phụ nữ 47 tuổi này cho rằng đã giúp bà có một cái nhìn sâu sắc với các hồ sơ. “Nỗ lực” và “can đảm” không chỉ là những khái niệm thông dụng với bà.
Cán bộ tuyển sinh hầu hết là các nhà tuyển dụng. Mỗi ngày, mỗi người phải đọc khoảng 30 - 40 hồ sơ. Mọi thứ đều được thực hiện bằng máy móc. Sổ sách không còn được dùng tới từ năm 2005.
Lượt đọc hồ sơ đầu tiên rất quan trọng. Các cán bộ tuyển sinh của George Washington được quyền từ chối hoặc chấp nhận ứng viên nếu hồ sơ có những cơ sở rõ ràng dẫn đến quyết định.
Đỗ: là những học sinh xuất sắc, năng động, chấp nhận những chương trình giảng dạy khắt khe nhất được đưa ra, có tinh thần tương tác lớp học, hiểu về George Washington.
Trượt: là những học sinh bình thường, có ít môn học khó, câu chuyện cá nhân không nổi trội, có ít hiểu biết về trường.
Đây chỉ là những quyết định tạm thời, vẫn có thể thay đổi. Tuy nhiên, bà Felton nói rõ rằng bà tin tưởng vào đánh giá của những cán bộ tuyển sinh như Freitag.