10 điều thú vị về Reed College - ngôi trường Steve Jobs từng theo học

Trace, Theo Trí Thức Trẻ 00:01 17/07/2015

Hãy cùng khám phá xem ngôi trường Reed College có điều gì thú vị khiến Steve Jobs - “người cha đẻ” của Apple quyết định lựa chọn theo học nhé!

1. Được thành lập vào năm 1908, Reed College (tọa lạc tại Portland, bang Oregon) thuộc nhóm các trường Khoa học Xã hội (Liberal Arts) chuyên đào tạo chương trình đại học tốt nhất nước Mỹ. Nhiều người có quan niệm sai lầm khi cho rằng các trường “college” là các trường “cao đẳng” có trình độ cũng như chất lượng giảng dạy thấp hơn các trường “đại học” - university. Trên thực tế ở Mỹ, “college” là từ thường được dùng chung để chỉ các trường đại học hệ 04 năm nói chung, trong đó bao gồm cả các trường “college” và “university”.


Reed College - Portland, bang Oregon.

Trong nhiều năm trở lại đây, Reed College luôn có mặt trong Top 100 trường đại học có chất lượng đào tạo hàng đầu Hoa Kỳ do tạp chí US News & World Report bình chọn.

2. Mức học phí áp dụng cho sinh viên theo học tại Reed College gần như đắt nhất cả nước, trung bình khoảng hơn 45.000 USD/ năm/ sinh viên (hơn 900 triệu VND).

3. Tuy nhiên, Reed College cũng là một trong những trường đại học rất “hào phóng” trong việc trao tặng học bổng cho sinh viên có thành tích học tập cũng như hoạt động ngoại khóa xuất sắc. Trung bình mỗi năm có khoảng 45 - 50 sinh viên theo học tại Reed College nhận được hỗ trợ tài chính từ trường với tổng số tiền lên tới hơn 2 triệu đô la Mỹ.

4. Reed College nằm trong Top 04 trường đại học nổi tiếng của nước Mỹ trong việc đào tạo ra sinh viên tiếp tục lấy bằng sau đại học. Điều này có nghĩa là sinh viên sau khi tốt nghiệp cử nhân tại Reed College có khả năng tiếp tục học lên rất cao.

5. Bài hát của trường “Fair Reed” được sáng tác bởi cựu chủ tịch William Trufant ngay sau khi Reed College được thành lập một thời gian ngắn. Tuy nhiên, hiện nay bài hát này rất hiếm khi được sử dụng. Có nhiều ý kiến cho rằng “Fair Reed” đã “bắt chước” bài hát truyền thống của Đại học Harvard “Fair Harvard” khi cả hai đều được hát theo giai điệu của một ca khúc rất nổi tiếng vào năm 1912 đó là “Believe Me, If All Those Endearing Young Charms”.

6. Reed College chỉ có một nhà ăn duy nhất do công ty Bon Appetit Management làm chủ đầu tư và đồ ăn tại nhà ăn của trường được sinh viên đánh giá rất cao về chất lượng. Tuy nhiên, đối với một số du học sinh nước ngoài, bao gồm cả du học sinh Việt Nam thì không hợp khẩu vị với đồ ăn trong trường lắm.

7. Một số chương trình hoạt động ngoại khóa lâu đời tại Reed College có thể kể đến: “First day of Hum 101” - chương trình chào đón sinh viên năm nhất bằng màn biểu diễn của các anh chị lớn trong trang phục thần thoại Hy Lạp.

Chương trình “First day of Hum 101.

Lễ hội “Paideia” vào mùa xuân - các giáo viên, sinh viên và cựu sinh viên của trường sẽ mở các lớp dạy kỹ năng đặc biệt mà mình có ví dụ như viết thư pháp, nấu ăn, hội họa, âm nhạc...


Chương trình “Paideia” vào mùa xuân.

Lễ hội “Renn Fayre” vào cuối năm - các học sinh năm cuối đốt các bản nháp bài luận trước cửa thư viện sau khi đã hoàn thành và nộp bản chính cho giáo viên. Hoạt động này có ý nghĩa thông báo rằng quãng thời gian sinh viên 04 năm đã chính thức kết thúc và lễ tốt nghiệp đang đến rất gần.


Chương trình “Renn Fayre” vào cuối năm.

8. Một trong những hoạt động ngoại khóa độc đáo nhất của sinh viên Reed chính là Nitrogen Day. Sinh viên của trường Đại học Reed tổ chức Nitrogen Day để “vinh danh” giá trị của khí nito trong tự nhiên. Đây là một trong những hoạt động truyền thống được đông đảo sinh viên cũng như cựu sinh viên Đại học Reed rất yêu thích. Các hoạt động trong ngày kỷ niệm bao gồm các bữa ăn miễn phí, các buổi biểu diễn ca nhạc và đặc biệt là khu vườn “bia nitơ” vô cùng ấn tượng được coi như điểm nhấn của chương trình.


Nitrogen Day tại Đại học Reed.

9. Sinh viên hiện tại và các cựu sinh viên đã từng theo học tại Reed College luôn tự coi mình là “Reedites” trong những năm đầu đại học. Sau chiến tranh thế giới thứ hai, tên gọi “Reedites” đã dần dần biến mất và thay thế vào đó là “Reedie”. Ngoài tên gọi “Reedie” được sử dụng khá phổ biến dành cho sinh viên đang theo học những năm đầu tại trường, những sinh viên tương lai của Reed College còn được gọi bằng tên khác đó là “prospies” (cụm từ viết thay thế cho “prospective student”).

10. Dù không được coi là chính thức nhưng câu châm ngôn “Communism, Atheism, Free Love” lại được tìm thấy khá phổ biến trên vật phẩm bán tại các cửa hàng của trường như áo phông, cốc, mũ... Câu châm ngôn thể hiện tinh thần cá nhân tự do và bình đẳng giữa tất cả mọi người, cũng như mọi sinh viên đang theo học tại Reed College. Tuy nhiên, một số cựu sinh viên Đại học Reed cho rằng câu châm ngôn này đã đến lúc cần phải thay thế. Sau gần 100 năm được sử dụng, nó không còn phù hợp để đại diện cho hình ảnh của Reed College trong thời điểm hiện tại.