Nhiều du học sinh thừa nhận chọn trường đại học là phần khó nhất của quyết định đi du học, một phần bởi chỉ riêng việc thu thập thông tin về các trường đại học nước ngoài có khi đã "ngốn" mất của các du học sinh tương lai hàng tháng trời. Thêm vào đó, phần đông các bạn không biết bắt đầu từ đâu, bởi công cụ tìm kiếm duy nhất mà các bạn biết đến là Google. Kết quả là nhiều bạn quyết định tìm đến các trung tâm du học, "cắn răng" bỏ ra một số tiền không nhỏ, từ vài triệu cho đến vài chục triệu đồng với hy vọng được tư vấn về ngôi trường phù hợp nhất. Nếu bạn đang chuẩn bị đưa ra quyết định tương tự, hãy thử đọc bài viết này, biết đâu bạn có thể tiết kiệm cho mình một khoản tiền không nhỏ đấy!
Chọn trường theo ngành học
Đầu tiên bạn cần xác định ngành học mà mình muốn theo đuổi, dựa trên sở thích và kỹ năng của bản thân. Học đại học tại nước ngoài thường kéo dài khoảng 03 đến 05 năm. Trong quãng thời gian đó, những áp lực đến từ bài vở, nỗi nhớ nhà, khó khăn khi phải sống tự lập chắc hẳn sẽ có lúc khiến bạn cảm thấy "nản" và muốn buông xuôi. Vậy nên chỉ khi bạn theo học ngành mà mình yêu thích, bạn mới có đủ hứng thú và kiên nhẫn để tiếp thu kiến thức.
Thêm
vào đó, kỹ năng cũng là yếu tố tác động không nhỏ tới định hướng nghề nghiệp
trong tương lai, và theo đó là ngành học của bạn. Giả sử nhé, nếu bạn không có
năng khiếu vẽ, việc theo học ngành Thiết kế Thời trang chỉ vì đó là sở thích của
bạn liệu có phải là một quyết định thông minh? Khi đã xác định được ngành nghề
mà mình muốn theo học, bạn có thể sử dụng Bachelor’s Portal để tìm những trường đại
học có giảng dạy chương trình đó. Trang web này tổng hợp thông tin tổng quát về
gần 17.000 chương trình học bậc cử nhân ở các trường đại học của 56 quốc gia
trên toàn thế giới, bao gồm thời gian học, giới thiệu chung về trường, học phí...
Hãy cân nhắc những trường có thế mạnh về ngành bạn muốn theo
học. Hiện nay có rất nhiều các bảng xếp hạng có thể giúp bạn so sánh chất lượng
các ngành học của các trường đại học trên thế giới, tiêu biểu và uy tín nhất có
thể kể đến Times Higher
Education và QS University
Rankings. Tuy nhiên, bạn nên ghi nhớ rằng các bảng xếp hạng có thể sử
dụng các tiêu chí khác nhau, bởi vậy, thứ hạng của các trường có thể có đôi
chút khác biệt.
Chọn trường phù hợp với năng lực của mình
Mỗi trường đại học lại có những yêu cầu khác nhau về điểm phẩy
THPT và chứng chỉ ngôn ngữ, ví dụ như các trường ở châu Âu thường yêu cầu bằng
IELTS trong khi các trường ở Mỹ lại hay yêu cầu điểm TOEFL hoặc SAT, và số điểm
mà mỗi trường chấp nhận lại cũng không giống nhau. Việc tham gia các kỳ thi lấy
chứng chỉ này đòi hỏi rất nhiều công sức và thời gian ôn tập, cũng như khá tốn
kém, bởi vậy, bạn nên tìm hiểu trước các yêu cầu của trường, cân nhắc xem mình
có khả năng đáp ứng được yêu cầu của trường không trước khi đưa ra quyết định nộp
hồ sơ.
Môi trường học tập
Môi trường học tập là tiêu chí ít được nghĩ đến nhưng thực
chất lại có tác động rất lớn tới trải nghiệm của sinh viên tại trường đại học,
ví dụ như theo học tại một ngôi trường có nhiều sinh viên quốc tế có thể giúp
hòa nhập với môi trường nhanh và dễ dàng hơn rất nhiều. Nếu bạn đang có ý định
du học Mỹ, bạn có thể ghé thăm College
Insight. Trang web này đăng tải những số liệu rất hữu ích về tỷ lệ tốt
nghiệp, đa dạng quốc tịch của sinh viên và giáo viên của hàng ngàn trường đại học
trên toàn nước Mỹ. Những hội nhóm Facebook của sinh viên trường cũng chính là một
nguồn thông tin mà bạn có thể khai thác.
Địa điểm
Mình đã từng gặp nhiều em khóa dưới nhờ mình tư vấn chọn trường
trong khi không có một chút ý tưởng nào về việc muốn hoàn thành chương trình đại
học tại nước nào. Theo mình, điều này là hoàn toàn không nên. Hãy đưa vị trí địa
lý của trường vào danh sách những tiêu chí chọn trường đại học, bởi điều này có
thể ảnh hưởng tới cuộc sống đại học của bạn theo rất nhiều cách. Đầu tiên, vị
trí địa lý và khí hậu có liên quan chặt chẽ với nhau. Chọn cho mình một ngôi
trường ở vùng có khí hậu mà bạn thích, và bạn sẽ không phải lo lắng về việc mỗi
sáng phải đối mặt với thời tiết đáng ghét trong vòng 03 đến 05 năm tiếp theo của
cuộc đời mình.
Thêm vào đó, mỗi đất nước lại có một phong cách sống khác
nhau, ví dụ như Mỹ nổi tiếng với sự năng động, cởi mở; còn châu Âu nhìn chung lại
cổ điển, và có phần "bảo thủ" hơn... Tùy theo sở thích và nhu cầu của mình, bạn
có thể quyết định đất nước mà mình muốn tới.
Chi phí
Cuối cùng, chi phí cũng là một yếu tố không kém phần quan trọng.
Về cơ bản, khi tính toán chi phí cho khoảng thời gian du học, bạn cần cân nhắc
học phí và phí sinh hoạt. Trên website của các trường đại học đều có đăng tải
thông tin rõ ràng về học phí cho từng khóa học. Về phần phí sinh hoạt (bao gồm
chi phí cho nhà ở, đi lại, bảo hiểm, ăn uống, giải trí...), bạn có thể tham khảo Numbeo (liệt kê phí sinh
hoạt tại các thành phố trên toàn thế giới) hoặc Expatistan (so sánh phí
sinh hoạt giữa hai thành phố bất kỳ trên thế giới). Số liệu trên những trang
web này được chính người dân đang sinh sống tại các thành phố nhập vào nên có độ
chính xác tương đối cao và thường được trích dẫn trong các nghiên cứu của những
tờ báo hàng đầu nước Mỹ như Forbes, Business Insider, Time, The New York Times... Chính vì vậy, bạn hoàn toàn có thể yên tâm khi tham khảo chúng.
Chọn trường đại học là một trong những bước chuẩn bị đầu tiên và quan trọng nhất của việc đi du học. Bạn có thể có cả một danh sách các tiêu chí để cân nhắc giữa các trường, nhưng điều quan trọng nhất vẫn là phải hiểu mình muốn gì. Hy vọng các bạn chọn được cho mình ngôi trường ưng ý.