Hình ảnh rợn người tại những "thành phố ma" toàn biệt thự đắt tiền bị bỏ hoang lâu năm tại Trung Quốc

Đình Đình, Theo Thời Đại 09:09 11/01/2018
Chia sẻ

Những năm gần đây, danh sách các "thành phố ma" tại Trung Quốc đang ngày càng được nối dài thêm.

Tình trạng các "thành phố ma" mọc lên ngày càng nhiều tại Trung Quốc khiến cho người dân nước này không khỏi hoang mang. Tuy rằng ở quốc gia đông dân nhất thế giới vẫn còn rất nhiều người không có nhà để ở, thế nhưng vẫn còn đó những khu đất rộng mênh mông với hàng loạt nhà cao tầng để trống.

Theo ý kiến của các chuyên gia, những thị trấn được đầu tư cả núi tiền nhưng cuối cùng lại bị bỏ hoang như thế này là một bằng chứng cho thấy tình trạng bất ổn trong ngành bất động sản của Trung Quốc.

1. Paris phiên bản lỗi

"Paris phiên bản lỗi" được khởi công từ năm 2007 tại khu Quảng Hạ Thiên Đô Thành ở Chiết Giang, tỉnh duyên hải Đông Nam Trung Quốc. Thế nhưng sau 8 năm xây dựng, tình trạng "vườn không nhà trống" đã khiến nơi đây bị người dân Trung Quốc coi là một "thành phố ma".

Tuy những tòa nhà ở Quảng Hạ Thiên Đô Thành đủ cho 10.000 người sinh sống, thế nhưng số lượng người "dám" đến đây ở không nhiều. Thậm chí, có những căn nhà hiện đại được đem rao bán mãi mà chẳng có ai thèm đoái hoài.

Ngoài tháp Eiffel nhái vô cùng nổi bật với chiều cao 180m, được xây theo tỷ lệ 1:3, tại thị trấn này, người ta còn có thể bắt gặp rất nhiều công trình "sao y bản chính" lối kiến trúc tuyệt đẹp của các nước châu Âu như Ý, Đức hay Anh.

Những bức ảnh dưới đây sẽ đem đến cho chúng ta một cái nhìn khái quát hơn về "Paris phiên bản lỗi", hay còn có cái tên dân dã là "thành phố ma" Thiên Đô Thành của Trung Quốc:

2. "Hòn đảo ma" toàn dinh thự đắt tiền

Được quy hoạch từ năm 2006 và tiến hành xây dựng vào năm 2007 với mục đích cho thuê kinh doanh, thế nhưng cho đến nay, đảo Hoạt Lực ở thành phố Tô Châu, tỉnh Giang Tô, Trung Quốc lại rơi vào tình trạng tiêu điều, hoang vắng và bị gọi là "thành phố ma".

Đảo Hoạt Lực là tổ hợp của quảng trường Trung ương Vạn Nhân cùng 2 hòn đảo nhỏ Đông Phương Phong Tình và Tây Phương Phong Tình tạo thành. Với hàng trăm ngôi nhà có lối kiến trúc tuyệt đẹp trên nền diện tích 26,7ha, đảo Hoạt Lực vốn được kỳ vọng sẽ trở thành trung tâm kinh tế thương mại trọng điểm ở phía Bắc thành phố Tô Châu. Tuy nhiên, thực tế lại ngược lại hoàn toàn so với kế hoạch.

Sau 1 thập kỷ quy hoạch và xây dựng, hiện tại ngoài một vài cặp đôi thi thoảng tới đây chụp ảnh cưới ra, quả thật rất khó nhìn thấy bóng người đi lại trên đảo Hoạt Lực.

Những tòa nhà chung cư trống không, cửa sổ bị đập vỡ tan tành, cỏ dại mọc tùm lum cũng không ai thèm đoái hoài đến. Dòng sông thơ mộng trong tưởng tượng thì chứa đầy rác thải nổi lềnh phềnh trên mặt nước đục ngầu... Nhìn những cảnh tượng này, chẳng ai dám nghĩ nơi đây được xây dựng để phát triển thành "khu trung tâm kinh tế thương mại trọng điểm".

3. Lô biệt thự tuyệt đẹp hoá "thành phố ma"

Từng được người dân Trung Quốc đặt rất nhiều kỳ vọng ngay từ khi mới động thổ, nhưng sau vài năm thi công thì cho đến nay, khu biệt thự Hồ Hồng Nhạn số 1, ở khu vực sinh thái hồ Nhạn Minh, huyện Trung Mâu, thành phố Trịnh Châu, tỉnh Hà Nam, Trung Quốc lại trở nên hoang tàn, lạnh lẽo và dần hoá "thành phố ma".

Khu biệt thự này được đầu tư tới 12 tỷ tệ và có tổng cộng 397 ngôi nhà với diện tích khoảng 510-670m2/căn. Trong khoảng thời gian từ tháng 7/2013 đến tháng 4/2014, có hơn 200 ngôi biệt thự đã được ký kết hợp đồng mua bán. Được biết, căn đắt nhất có giá lên tới hơn 100 triệu tệ (tương đương 330 tỷ đồng).

Thế nhưng, do một số vi phạm xây dựng, khu biệt thự này đã nhiều lần bị chính quyền địa phương yêu cầu ngừng thi công. Thêm vào đó, khi nhận thấy tương lai không mấy triển vọng, các nhà đầu tư cũng dần rút vốn, và dự án chính thức phải tạm dừng vào đầu tháng 5/2015. Và cho đến hiện tại, vẫn chưa có bất kỳ nhà đầu tư nào đồng ý tiếp quản khu biệt thự Hồ Hồng Nhạn số 1.

4. Khu vực khai thác khoáng sản Lãnh Hồ

Nằm ở khu vực giáp ranh với tỉnh Cam Túc và khu tự trị Tân Cương, khu vực Lãnh Hồ, tỉnh Thanh Hải là một trong những mỏ khoáng sản lớn nhất ở Trung Quốc. Tuy nhiên, vì sự khai thác triệt để của con người, nơi đây dần trở nên kiệt quệ tài nguyên và đến nay đã trở thành một "thành phố ma" khiến bao người phải e sợ.

Trước đây, Lãnh Hồ vốn là một khu vực không có người sinh sống, thậm chí còn không có tên gọi chính thức. Đến năm 1955, một đoàn địa chất đặt chân tới khu vực này và phát hiện ra một hồ nước ngọt với dòng nước rất lạnh ở phía Bắc dãy núi Altun. Từ đấy, nơi đây bắt đầu được gọi là Lãnh Hồ.

Sau đó, chính phủ Trung Quốc cho thành lập một khu hành chính để quản lý đất đai và khoáng sản tại khu vực. Rất nhiều công nhân mỏ đã xung phong tới Lãnh Hồ để khai thác dầu mỏ và một số loại khoáng sản khác (như Kali, Lithium).

Vào thời kỳ thịnh vượng nhất, tại khu vực Lãnh Hồ có tới hàng trăm nghìn người sinh sống và lao động ở những khu mỏ. Thế nhưng, hiện tại ngoại trừ các đoàn thám hiểm ra thì nơi đây gần như không có một bóng người qua lại. Những khu khai thác bị bỏ hoang, hàng loạt nhà cửa chìm trong cát bụi khiến cho người ta không khỏi tiếc nuối xen lẫn sợ hãi.

Một số hình ảnh hiện tại ở khu vực từng là "mỏ vàng" của tỉnh Thanh Hải, Trung Quốc:

TIN CÙNG CHUYÊN MỤC
Xem theo ngày