Hiểu đúng về cúm mùa và các biện pháp phòng ngừa

VTV Digital, Theo vtv.vn 12:27 14/02/2025
Chia sẻ

Liệu chúng ta đã hiểu đúng và hiểu đủ về cúm mùa cũng như cách để bảo vệ bản thân và gia đình khỏi loại virus thường niên này?

Cúm mùa là một bệnh lý lây nhiễm quen thuộc, có lịch sử bùng phát lần đầu tiên vào thế kỷ 16, năm nào cũng xuất hiện và cho đến gần đây vẫn khiến nhiều người trong cộng đồng lo ngại. Câu chuyện cúm mùa của năm nay còn khiến dư luận chú ý vì nó gắn liền với ca tử vong của diễn viên nổi tiếng người Đài Loan (Trung Quốc) Từ Hy Viên.

Vậy hiểu thế nào cho đúng về cúm mùa? Làm thế nào để phòng ngừa lây nhiễm cho bản thân và gia đình? Ngay sau dip Tết Nguyên đán, sự ra đi của ngôi sao nổi tiếng này sau khi nhiễm virus cúm trong chuyến du lịch tới Nhật Bản không chỉ khiến cộng đồng thương xót mà còn làm dấy lên một nỗi lo sợ về bệnh cúm mùa. Đặc biệt là tại Nhật Bản - quốc gia vốn là điểm đến du lịch được ưa thích bậc nhất châu Á.

Dịch cúm mùa bùng phát tại Nhật Bản

Năm nay, Nhật Bản ghi nhận số ca mắc cúm mùa tăng cao. Tuy nhiên, những tuần gần đây nước này đã ghi nhận đà giảm đáng kể về số ca mắc cúm mùa. Trong báo cáo mới nhất của Viện Quốc gia về bệnh truyền nhiễm Nhật Bản, trong tuần đầu tháng 2 này, số ca nhiễm cúm mới được báo cáo là gần 29.000 - giảm một nửa so với tuần trước đó và giảm 11 lần so với tuần đỉnh dịch.

Số lượng ca nhiễm mới trên một cơ sở y tế là 5,8 bệnh nhân, thấp hơn nhiều so với ngưỡng cảnh báo là 10 ca nhiễm mới. Như vậy, trong số 47 tỉnh thành của Nhật Bản, chỉ còn 4 tỉnh đang còn nằm ở ngưỡng cảnh báo là tỉnh Yamagata, Niigata, Okinawa và Iwate.

Hiểu đúng về cúm mùa và các biện pháp phòng ngừa- Ảnh 1.

(Ảnh: Imperial College London)

Theo Chủ tịch Ủy ban Cúm của Hiệp hội Bệnh truyền nhiễm Nhật Bản, dịch bệnh do loại cúm A gây ra đã lắng xuống, nhưng vẫn cần theo dõi tình hình cúm B trong một thời gian nữa, đồng thời khuyến cáo các biện pháp chống nhiễm trùng cơ bản như rửa tay và đeo khẩu trang, nhất là ở chỗ đông người.

Theo các chuyên gia Ủy ban Cúm thuộc Hiệp hội Bệnh truyền nhiễm Nhật Bản, thời tiết hanh khô - thuận lợi cho cúm mùa lây nhiễm - rơi đúng vào thời điểm nghỉ năm mới kéo dài. Những người bị nhiễm cúm tại nơi học tập, làm việc đã dễ dàng lây cho các thành viên trong gia đình vào đợt nghỉ này.

Một nguyên nhân được nhiều chuyên gia chỉ ra là các biện pháp kiểm soát lây nhiễm trong giai đoạn đại dịch COVID-19 khiến tất cả các bệnh truyền nhiễm khác bị suy giảm - bao gồm cả bệnh cúm, dẫn đến suy giảm miễn dịch cộng đồng trên diện rộng với bệnh này. Khi những biện pháp kiểm soát lây nhiễm được gỡ bỏ, cách bệnh truyền nhiễm như cúm quay trở lại và dễ dàng tấn công vào cộng đồng.

Đặc tính của virus cúm mùa

Không chỉ Nhật Bản, trong những tuần qua, số ca nhiễm cúm mùa tăng cao cũng ghi nhận tại nhiều quốc gia khác.

Theo CDC Mỹ, số ca nhiễm cúm trên khoảng 12 bang của nước này đang ở mức cao nhất trong vòng 15 năm qua do thời tiết mùa đông lạnh giá kéo dài. Đợt lây lan thứ 2 gây ra nhiều ca lây nhiễm hơn làn sóng đầu tiên.

Tại Bỉ, số lượt khám cúm trong tuần cuối tháng 1 đã tăng gấp đôi so với mùa trước, với tỷ lệ người đến khám lên tới 1.199/100.000 dân.

Tuy nhiên, phải nhấn mạnh rằng đây là dịch bệnh gây ra bởi virus và lặp đi lặp lại hàng năm theo mùa. Có một số những hiểu nhầm về cúm mùa mà nhiều người vẫn mắc phải.

Hiểu đúng về cúm mùa và các biện pháp phòng ngừa- Ảnh 2.

(Ảnh: Nippon.com)

Cúm khác hẳn với cảm lạnh thông thường, dù chúng ta vẫn hay có thói quen gộp chung 2 bệnh và nói là "tôi bị cảm cúm". Nhiều người nghĩ rằng cúm giống như cảm lạnh và coi nhẹ, nhưng thực tế, cúm có khả năng lây lan rất nhanh và gây ra các biến chứng nghiêm trọng khác. Nếu ở nhóm người rủi ro cao, cúm có thể gây biến chứng tới tử vong.

Có các chủng cúm A, B và C ở người, cúm A được ghi nhận có tỉ lệ người nhiễm nhiều nhất, phổ biến hơn cả và chiếm tới 75% số ca nhiễm cúm. Trong các chủng cúm A, có chủng A/H7N9 và A/H5N1 thường lưu hành ở gia cầm, có khả năng lây sang người và tạo thành dịch cúm ở người.

Tuy vậy, Trung tâm Kiểm soát và phòng ngừa dịch bệnh (CDC) Mỹ khẳng định cả hai loại cúm A và B đều nguy hiểm như nhau và có thể gây bệnh nặng, đặc biệt ở những đối tượng có nguy cơ cao như trẻ sơ sinh và trẻ em, phụ nữ có thai, người lớn trên 65 tuổi, người mắc các bệnh nền.

Vì sao dịch cúm mùa diễn biến phức tạp?

Yếu tố thời tiết là một trong những nguyên nhân chính giải thích lý do mọi người dễ mắc cúm vào mùa đông. Giới chuyên gia cho rằng các yếu tố trong mùa đông - như nhiệt độ lạnh hơn và ít nắng hơn - có thể làm trầm trọng thêm sự lây lan của bệnh cúm, do nhiệt độ lạnh hơn hạn chế phản ứng miễn dịch bẩm sinh của con người.

Hiểu đúng về cúm mùa và các biện pháp phòng ngừa- Ảnh 3.

(Ảnh: Asahi Shimbun)

Nghiên cứu vào năm 2022 chỉ ra rằng trên thực tế, việc giảm nhiệt độ bên trong mũi chỉ 5°C sẽ tiêu diệt gần một nửa trong số hàng tỷ tế bào chống vi khuẩn và virus trong lỗ mũi. Ngoài ra, không khí khô khiến các giọt dịch tiết từ đường hô hấp bốc hơi nhanh hơn, làm cho các giọt bắn và hạt chứa virus cúm trở nên nhỏ nhẹ hơn, có thể di chuyển xa hơn và tồn tại lâu hơn, làm tăng nguy cơ lây nhiễm khi ho hoặc hắt hơi.

Nguy hiểm hơn, không cần phải giao tiếp trực tiếp với người bị cúm mới bị lây. Chúng ta có thể nhiễm cúm khi chạm vào những bề mặt đồ vật có virus.

Giới chuyên gia y tế Bỉ nhận định dịch cúm trên thế giới diễn biến phức tạp còn do sự xuất hiện của chuỗi các loại virus đường hô hấp. Theo Tổ chức Y tế Thế giới (WHO), trong những tuần cuối năm 2024, các bệnh lây truyền qua đường hô hấp cấp tính gia tăng tại nhiều quốc gia ở Bắc bán cầu do virus cúm mùa, virus hợp bào hô hấp (RSV) và các virus khác.

Biện pháp phòng ngừa cúm mùa

Tiêm vaccine cúm, nhưng kể cả việc tiêm phòng cũng cần thực hiện đúng cách, đúng thời điểm và định kỳ để có hiệu quả phòng bệnh tốt nhất. Ngoài việc tiêm vaccine, một số quốc gia cũng đã có những biện pháp phòng ngừa triệt để hơn khi số nhiễm ca tăng lên.

Ngoài ra, trong mùa dịch, các biện pháp phòng ngừa khác cũng quan trọng, ví dụ như rửa tay thường xuyên, che miệng và mũi khi ho hay hắt hơi, đeo khẩu trang nơi đông người và vệ sinh sạch sẽ môi trường sống.

TIN CÙNG CHUYÊN MỤC
Xem theo ngày