Tờ The Hill (Mỹ) đánh giá, tình hình sẽ thay đổi và đỉnh mùa cúm sẽ kết thúc, nhưng rất khó để dự đoán chính xác khi nào. Bởi không có thời điểm bắt đầu và kết thúc chính xác của mùa cúm. Mặc dù vậy, hầu hết các trường hợp mắc cúm xảy ra trong khoảng từ tháng 10 đến tháng 5. Dịch cúm thường đạt đỉnh trước khi chúng ta bước vào cuối mùa Xuân.
Theo Trung tâm Kiểm soát và Phòng ngừa dịch bệnh Mỹ (CDC), thời điểm phổ biến nhất cúm đạt đỉnh ở Mỹ là tháng 2. Đỉnh dịch cúm cũng có thể đến sớm hoặc muộn hơn. Thời điểm phổ biến thứ hai dịch cúm đạt đến đỉnh điểm là tháng 12. Tháng 1 và tháng 3 đứng thứ ba. Hoạt động của cúm thường giảm dần khi chúng ta chuyển từ mùa Đông sang mùa Xuân, nhưng virus gây cúm vẫn hiện diện quanh năm.
Ông Amesh Adalja tại Trung tâm An ninh Y tế Johns Hopkins (Mỹ), nhận định, năm nay, diễn biến dịch cúm dường như đang quay trở lại mức trước đại dịch COVID-19. Theo ông Adalja, điều đó có thể khiến chúng ta nhầm tưởng rằng đây là một mùa cúm đặc biệt tồi tệ.
Ông Amesh Adalja phân tích: "Tôi cho rằng nhiều người đã thích nghi với các mùa cúm tương đối nhẹ trong vài năm trở lại đây, vì đại dịch COVID-19 thực sự đã làm gián đoạn cúm lưu hành. Mùa cúm này hơn hoặc ngang bằng với các mùa cúm chúng ta đã trải qua trước COVID-19. Nó giống như đang quay trở lại với những gì xảy ra vào năm 2018-2019, mà mọi người đã quên từ lâu".
Mặc dù các chuyên gia đánh giá, thời điểm tốt nhất để tiêm vaccine phòng cúm là vào mùa Thu, nhưng vẫn chưa quá muộn. Vaccine vẫn có thể bảo vệ chống lại nguy cơ tiến triển nặng do cúm.
Cái chết của nữ diễn viên Từ Hy Viên được cho là do nguyên nhân bị biến chứng từ bệnh cúm, khiến nhiều người dân Đài Loan (Trung Quốc) hoang mang trước dịch cúm mùa.
Diễn biến dịch cúm mùa tại một số quốc gia:
- Theo CDC Mỹ, trong mùa cúm năm nay, nước này ghi nhận ít nhất 5,3 triệu ca mắc cúm, 63.000 ca nhập viện và 2.700 ca tử vong, trong đó có ít nhất 11 trẻ em, tính đến cuối tháng 1. Tuy nhiên, CDC Mỹ cho rằng số liệu thực tế có thể còn cao hơn, vì nhiều người chỉ đến khám bệnh khi cần thiết trong dịp nghỉ lễ Năm mới.
Ngày 7/2, CDC Mỹ thông báo ghi nhận ít nhất 24 triệu ca mắc bệnh, 310.000 ca nhập viện điều trị và 13.000 ca tử vong do cảm cúm.
- Bỉ đang đối mặt với đợt dịch cúm nghiêm trọng nhất kể từ COVID-19, khiến hệ thống y tế rơi vào tình trạng quá tải. Các chuyên gia y tế nhận định đây là đợt dịch cúm nghiêm trọng nhất ở nước này kể từ khi đại dịch COVID-19 bùng phát.
Theo dữ liệu hằng tuần từ Viện Y tế công cộng Bỉ (Sciensano), tỷ lệ người đến khám vì các triệu chứng giống cúm đã lên tới gần 1.200 ca trên 100.000 dân. Con số này được đánh giá là đặc biệt cao và có thể còn lớn hơn do dữ liệu chưa đầy đủ. Tình trạng quá tải đang đặt áp lực lớn lên hệ thống y tế khi số ca nhập viện do cúm hiện ở mức 6,6/100.000 dân. Dù giảm nhẹ so với tuần trước, các bệnh viện vẫn đối mặt với tình trạng thiếu giường bệnh.
Mùa cúm năm 2025 có thể gây thiệt hại lên tới khoảng 6.300 tỉ yen, tương đương hơn 41 tỷ USD cho Nhật Bản. (Ảnh: Xinhua)
- Tại Đài Loan (Trung Quốc), dịch cúm đang khuấy đảo cuộc sống của người dân tại đây. Theo CDC Đài Loan, trong tuần cuối tháng 1, số người tìm đến cơ sở y tế vì các triệu chứng giống cúm đã vượt mốc cao nhất trong vòng 10 mùa dịch gần đây. Số ca có các triệu chứng giống cúm đã lên tới hơn 162.000 chỉ trong 1 tuần cuối tháng 1. Còn tính từ ngày 21/1 đến đầu tuần này, khu vực này cũng báo cáo 142 ca cúm nặng và 25 ca tử vong.
Trước đó, sự kiện gây chấn động dư luận gần đây là cái chết ở tuổi 48 của nữ diễn viên nổi tiếng Đài Loan Từ Hy Viên, do biến chứng viêm phổi từ cúm khi đang đi nghỉ cùng gia đình tại Nhật Bản.
- Tại Nhật Bản, tính đến cuối tháng 1, Nhật Bản đã ghi nhận 9,5 triệu ca nhiễm cúm trong mùa cúm này. Hiện tại, tình trạng quá tải và khan hiếm thuốc điều trị cúm tại các cơ sở y tế đã giảm bớt khi số ca mắc cúm mới đã giảm nhanh so với thời kỳ đỉnh dịch vào cuối tháng 12.
Theo thống kê mới nhất của Bộ Y tế Nhật Bản, tuần từ 20-26/1, cả nước ghi nhận 54.594 ca nhiễm mới, được báo cáo từ 5.000 cơ sở y tế, giảm gần 40% so với tuần trước đó. Số lượng người nhiễm cúm mới đang có xu hướng giảm nhanh.
Các chuyên gia Nhật Bản ước tính nếu tính cả chi phí điều trị cúm và tác động tiêu cực đến nền kinh tế do người lao động phải nghỉ ốm, mùa cúm năm 2025 có thể gây thiệt hại lên tới khoảng 6.300 tỉ yen, tương đương hơn 41 tỷ USD.